MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán dài cổ ngóng tiền

Những bất ổn kinh tế thế giới, rủi ro trong nước đã khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên giảm điểm rất mạnh. Giao dịch chậm chạp; thanh khoản kém diễn ra liên tục trong những phiên mở đầu tháng 9/2015. Mặc thị trường trông ngóng, nhiều dự báo dòng tiền chưa tìm ra lý do quay trở lại thị trường.

Đủng đỉnh

Phiên giao dịch ngày Thứ ba (8/9) khi chỉ số VN-Index tăng mạnh 11,79 điểm (tương đương tăng 2,12%) lên mức 566,7 điểm. Như vậy, tính từ đầu tháng 9 đến thời điểm này VN-Index mới chỉ tăng 0,34% và tăng 7,55% so với mức đáy từ đầu năm là 527 điểm vào ngày 24/8.

Tính từ lúc thiết lập đáy gần cuối tháng 8 đến nay thị trường đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên một điểm dễ nhận ra là giao dịch trên thị trường vẫn khá ảm đạm. Khối lượng giao dịch trên HOSE từ mức 120 triệu đến 150 triệu cổ phiếu mỗi phiên trong tháng 8 thì những ngày đầu tháng 9 chỉ còn quanh mức 60 triệu đến 70 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Việc khối lượng giao dịch sụt giảm cho thấy tâm lý cả bên mua và bên bán đều khá chán nản. Nhiều nhà đầu tư đã mất quá nhiều tiền trong đợt sụt giảm vừa qua nên có tâm lý chờ đợi sự lên giá và không vội vàng bán. Trong khi đó người muốn mua thì đang cân nhắc những rủi ro. Theo một nhà đầu tư lâu năm nhận xét hiện nay vẫn chưa xuất hiện thông tin nào đủ tạo thành “điểm tựa” để họ hành động.

Thực tế tại một số đợt tăng trưởng của thị trường trước đây chỉ số VN-Index và tâm lý nhà đầu tư được dẫn dắt bởi các cổ phiếu ngân hàng. Và đến phiên giao dịch được cho là giải tỏa tâm lý ngày 8/9 vừa qua thì “ngôi sao sáng” nhất trong cổ phiếu ngân hàng là BID củaBIDV đã tăng rất mạnh kéo theo các cổ phiếu ngân hàng khác như ACB, MBB, CTG, VCB, SHB khởi sắc. Sở dĩ BID tăng kịch trần lên 25.400 đồng/cổ phiếu là do khối ngoại mua ròng hơn 1 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội cũng tăng mạnh trước tin đồn về kế hoạch tăng vốn có thể sớm được thực hiện và từ đó sẽ mở room cho khối ngoại.

Khối ngoại vẫn bán ròng?

Tính riêng những phiên đầu trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài nghiêng về bán ròng với gần 300 tỷ đồng. Nhưng trước đó thị trường từng có những phiên giao dịch khởi sắc bởi thông tin về việc “room” sở hữu của khối ngoại được mở rộng. Thực tế trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 khối ngoại mua ròng rất mạnh. Cụ thể trong 4 tháng gần đây khối ngoại đã mua ròng hơn 4.368 tỷ đồng. Theo số liệu của VDSC, lũy kế từ đầu năm đến hiện tại, ba nhóm ngành được mua ròng nhiều nhất là ngân hàng (2.294 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (1.474 tỷ đồng) và xây dựng & vật liệu xây dựng (1.174 tỷ đồng). Trong khi đó họ bán ròng mạnh mẽ các ngành thực phẩm, những ngành liên quan đến dầu khí. Kể từ đầu năm, cổ phiếu ngân hàng trở thành sở thích của khối ngoại. Gần đầy cổ phiếuBID được thêm vào danh mục quỹ ETF của FTSE đã khiến mã này được mua ròng mạnh đẩy thanh khoản lên gần 4,3 triệu cổ phiếu.

Theo các chuyên gia thị trường chứng khoán tháng 9 vẫn được cho là sẽ không có nhiều thông tin hỗ trợ. Nhận định từ Công ty chứng khoán HSC, có 3 lý do khiến thị trường sẽ không thể tăng nhiều trong thời điểm hiện tại là mức chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường mới nổi và sơ khai giảm do những lo ngại liên quan đến Trung Quốc. Tiếp đến đây là khoảng thời gian không có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường trong khi câu chuyện nới room và TPP sẽ chỉ có sự tiến triển từ từ chứ không có sự đột phá.

Trong báo cáo chiến lược tháng 9/2015, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng với những cú sốc như trong tháng 8, thị trường luôn cần thời gian để lấy lại sự bình tĩnh. Do vậy, thị trường sẽ khó định hình ngay một xu hướng rõ ràng trong tháng 9. Nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm vào những cổ phiếu có thuộc những ngành có triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung và dài hạn, có kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm kỳ vọng khả quan và có định giá tương đối hấp dẫn so với thị trường chung. Dự báo, khó có nhóm cổ phiếu nào đủ sức dẫn dắt thị trường ngoài một số doanh nghiệp thuộc các ngành như dệt may, bất động sản, xây dựng, dầu khí, điện, bán lẻ và vận tải.

Đến nay, ghi nhận điểm tích cực nhất là theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), so với các quốc gia khác trong khu vực, P/E (thu nhập trên một cổ phiếu) thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức thấp nhất và BVSC cho rằng đây là điểm thu hút dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam so với các thị trường mới nổi khác.

Theo Phương Lam

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên