MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán dội sàn đột biến, hồi hộp đợi thông tin vĩ mô

Một tuần quá nhiều diễn biến ở cả trong và ngoài nước dội về khiến chứng khoán chao đảo.

VN-Index mất hơn 32 điểm sau một tuần. Nhưng giới chuyên gia đánh giá đợt giảm này không giống các đợt trước đây.

Nhiều yếu tố chưa thể lượng hóa

Giảm tới 4 trong tổng số 5 phiên của tuần qua, VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 556,3 điểm, mất tổng cộng 32,73 điểm so với mức cuối tuần trước, tương đương mất 5,55%. HNX-Index cũng mất tổng cộng 4,05% sau một tuần đỏ lửa, xuống còn 77,6 điểm.

Đáng chú ý, tuần qua do ảnh hưởng của các yếu tố mang tính toàn cầu như tỉ giá và dầu mỏ, khối ngoại cũng bán ròng.

Theo số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong tuần qua khối ngoại mua vào hơn 5 triệu cổ phiếu song lại bán ra 8 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng là 655,7 tỉ đồng. Lực mua của khối ngoại tuần qua chiếm 11,2 lượng mua toàn thị trường, trong khi lực bán chiếm 16,7% toàn thị trường.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ trên các sàn chứng khoánMB, SSI, ORC tại TP.HCM, giới đầu tư tuần qua khá quan tâm và bàn bạc nhiều nhất tới các câu chuyện xung quanh tỷ giá, giá dầu thế giới và các thông tin quanh việc kiểm soát ngân hàng thương mại và ngưng chức với một số lãnh đạo ngân hàng.

“Không giống như các đợt sụt giảm trước là do những tin đồn hoặc sự kiện riêng lẻ, diễn biến gần đây có sự kết hợp nhiều yếu tố chưa thể lượng hóa được”, công ty chứng khoán Rồng Việt nhận xét.

Sẽ công bố chỉ số lạm phát trong tuần tới

Tuần qua chứng kiến nhóm ngành dầu khí cũng như toàn thị trường đứng dưới áp lực bán ra mạnh. Nhóm dầu khí chịu áp lực lớn khi giá dầu có một tuần giảm giá không phanh và đã lao về ngưỡng 40 USD/thùng - mức giá chưa từng thấy kể từ đỉnh cao khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi 2008 - 2009.

“Diễn biến giá dầu nằm ngoài khả năng dự báo và khá xa mức tham chiếu hoạch định chi tiêu ngân sách của VN cũng tác động lên thị trường”, công ty chứng khoán Rồng Việt tại TP.HCM nhận định.

Trong tuần tới, khá nhiều thông tin vĩ mô sẽ được công bố như chỉ số lạm phát, niềm tin tiêu dùng, doanh số bán lẻ hàng hóa, hoạt động sản xuất…

Trong đó, lạm phát được cho là vẫn ổn định ở mức thấp trong khi niềm tin tiêu dùng vẫn duy trì khá tích cực đi đôi với doanh số bán lẻ cải thiện nhờ diễn biến hạ giá của dầu, xăng và hàng hóa đầu vào.

 

Theo HỒNG QUÝ

Tuổi trẻ

Trở lên trên