MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tuần qua: 600 điểm và cuộc chơi của FLC

Khi đứng trước một mức điểm mới, tâm lý nhà đầu tư bình thường có lẽ là chốt lời, nhất là khi mức điểm này không được tạo nên bởi sự tăng giá đồng loạt của các mã trên sàn.

VN-Index đã chinh phục được mốc 600 và có lúc đã tạo đỉnh mới 605,8 điểm (kể từ ngày 08/05) trong phiên cuối tuần này. Tuy nhiên, khi đứng trước một “đỉnh mới” như vậy, tâm lý nhà đầu tư bình thường có lẽ là chốt lời. Nhất là khi mức điểm này không được tạo nên bởi sự tăng giá đồng loạt của các mã trên sàn mà chỉ nhờ một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Vì thế, chỉ số cứ trồi sụt quanh 600 với mức thanh khoản giảm so với tuần trước đó. Không những thế, khối lượng giao dịch trên sàn HOSE còn bị ảnh hưởng khá lớn bởi cổ phiếu FLC.

Trung bình 1 tháng gần đây, khối lượng khớp lệnh của FLC chiếm khoảng 15% khối lượng giao dịch toàn sàn Hồ Chí Minh. Trong tuần qua, sau phiên tiết cung ngày 23/07 (ngày giao dịch không hưởng quyền mua ưu đãi cổ phiếu) khiến KLGD của cổ phiếu này chỉ có 1,7 triệu đơn vị (tương đương gần 20 tỷ) thì sang ngày 24/07, KLGD của FLC đã tăng trở lại với 22,7 triệu đơn vị - chiếm 26,8% KLGD toàn sàn.

FLC được các nhà đầu cơ tung hô là cổ phiếu có game tăng vốn cực kỳ hấp dẫn. Hồi đầu năm, FLC đã có một đợt tăng từ mức giá gần 8.000 đồng lên 14.000 đồng (75%) trong thời gian từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3/2014, với thông tin bán cổ phiếu ưu đãi giá 10.000 đồng/cổ phiếu, giao dịch không hưởng quyền vào ngày 14/02.

Tuần qua, ngày 23/07 là ngày giao dịch không hưởng quyền mua ưu đãi cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp (tỷ lệ 1:1) & nhận cổ tức bằng cổ phiếu (100:4) của FLC. Cổ phiếu này đã dập dình quanh giá 10.000 đồng/cổ phiếu từ cuối tháng 6 và chốt tuần ngày 25/07 tại giá 12.600 đồng. Và thời gian đăng ký đặt mua, nộp tiền mua cổ phiếu là từ ngày 28/07/2014 đến ngày 22/08/2014.

Sức nóng trong cuộc chơi của các nhà đầu cơ FLC có vẻ vẫn chưa nguội nhưng ai sẽ là người chiến thắng?

Biến động chỉ số và thanh khoản

VN-Index tăng từ 596,3 lên 600,1 điểm, tức tăng 3,8 điểm tương đương 0,6%. Khối lượng khớp lệnh trung bình đạt 87,4 triệu cổ phiếu/ngày – giảm 14,4% so với tuần trước, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 1.456 tỷ/ngày – giảm 10,8%.

Sự biến động của VN-Index trong tuần này bị lệ thuộc vào bluechips. Trong ngày đầu tuần 21/07, VNM tăng 6.000 đồng, GAS tăng 3.000 đồng và PVD tăng 2.500 đồng. Chỉ tính đóng góp của 3 mã này đã đủ khiến cho VN-Index tăng 5 điểm và chinh phục thành công mốc 600. Tuy nhiên, số cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ vẫn chiếm phần nhiều. Có đến 155 mã giảm giá/79 mã tăng giá vào ngày đầu tuần.

Sau những lần lên xuống, ngày cuối tuần bắt đầu rất hứng khởi với việc VN-Index vươn lên đến 605,8 điểm. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại có cảm giác mình là người chiến thắng cho đến khi bước vào phiên ATC. Như bị đánh úp, các cổ phiếu đồng loạt chuyển màu từ xanh sang đỏ. Với 166 mã giảm/77 mã tăng, sàn HOSE đóng cửa giảm 0,32% với số điểm khá là “lửng lơ”: 600,1 điểm.

Giao dịch thỏa thuận trên HOSE tuần này rất thấp. Các mã đứng đầu về giá trị giao dịch như SEC, VNM cũng chỉ trên 100 triệu đồng.

(Đv: tỷ đồng)

Do không có bluechips đỡ như HSX, HNX-Index giảm từ 81,14 xuống 79,43 điểm, tức giảm 1,7 điểm tương đương 2,1% và không giữ được mốc 80. KLGD khớp lệnh trung bình của sàn Hà Nội đạt 41,2 triệu đơn vị/ngày – giảm 7,7% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt gần 520 tỷ/ngày – giảm 5,8%.

Đứng đầu danh sách thỏa thuận tuần này là cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone với 8,7 triệu cổ phiếu tương đương 115 tỷ đồng. Ngày 21/7, VCS được thỏa thuận 3,427 triệu đơn vị và ngày 22/07, VCS được thỏa thuận 3,3 triệu đơn vị. Số cổ phiếu này đều do Công ty TNHH Wonderful Kitchen (vốn là cổ đông lớn nhất của Viscostone) bán. Sau những giao dịch này, Công ty TNHH Wonderful Kitchen không còn nắm cổ phiếu VCS nào.

SHB vẫn đứng thứ 2 danh sách với 56,1 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận.

(Đv: tỷ đồng)

Giao dịch của khối ngoại

Sau 2 tuần bán ròng trên sàn HOSE, khối ngoại đã quay lại mua ròng cả tuần, cao nhất vào ngày 24/07 với giá trị mua ròng là 118,5 tỷ đồng. Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng 11,2 triệu cổ phiếu. Tính về giá trị, họ đã mua ròng 262,7 tỷ.

Vào ngày 22/07, khối ngoại mua ròng hơn 59,6 tỷ đồng cổ phiếu MWG. Nếu loại trừ giao dịch tại cổ phiếu này thì vào ngày 22/07 khối ngoại lại có một phiên bán ròng.

Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:

Trong khi đó tại sàn Hà Nội, sau một thời gian khá dài mua ròng liên tục, khối ngoại hơi chững lại trong tuần này khi bán ròng 3,2 tỷ vào ngày 21/07 và giá trị mua ròng trong 3 ngày sau đó khá thấp. Tuy nhiên vào ngày cuối tuần, khi HNX-Index giảm 1,23% thì khối ngoại đã tăng mua ròng lên mức 22 tỷ. Trong phiên này, họ mua 13,8 tỷ cổ phiếu PVS.

Tính chung cả tuần, họ mua ròng 321.536 cổ phiếu. Giá trị mua ròng đạt gần 33 tỷ đồng – giảm 62,4% so với tuần trước.

PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tiếp tục là lựa chọn hàng đầu trong danh sách mua của khối ngoại.

Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:

Giao dịch của khối tự doanh trên HOSE

Khối tự doanh cũng giảm mua ròng so với tuần trước đó khi giá trị mua ròng chỉ có 93,2 tỷ trong tuần qua – giảm 38%. Hoạt động mua ròng nhiều nhất được thực hiện vào ngày đầu tuần 21/07 với 43 tỷ.

Cổ phiếu nổi bật



Thành Long

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên