MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tuần qua: Nắng mùa hè, thị trường vẫn "mát"

Khi tâm lý đã thực sự bình tĩnh, nhà đầu tư nội trở thành động lực cho thị trường chứng khoán trong khi động thái mua ròng của khối ngoại trên HOSE bắt đầu co hẹp và chuyển sang bán ròng.

Thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những điểm xanh tươi mát.

Từ ngày 19/05 đến 23/05, thị trường đón nhận nhiều thông tin nổi bật như khai mạc kỳ họp Quốc hội khóa VII, phiên tòa xét xử bầu Kiên đã được tiếp tục, công bố chỉ số CPI của 2 thành phố lớn, các số liệu về xuất nhập khẩu … Tuy nhiên, có vẻ những sự kiện này không ảnh hưởng nhiều, mà quan trọng hơn, đó là việc những hành động quá khích đã lắng dịu, các doanh nghiệp FDI đã trở lại hoạt động trong sự đảm bảo của Chính phủ Việt Nam.

Khi tâm lý đã thực sự bình tĩnh, nhà đầu tư nội trở thành động lực cho thị trường chứng khoán trong khi động thái mua ròng của khối ngoại trên HOSE bắt đầu co hẹp và chuyển sang bán ròng. Song theo công ty chứng khoán VCBS, nếu phân tích kỹ số liệu thì về bản chất nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trong phiên thông qua hình thức khớp lệnh.

Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tăng trong khi giá trị giao dịch giảm, còn trên sàn HNX, khối lượng và giá trị giao dịch đều tăng. Điều này cho thấy dòng tiền dường như đang chảy vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ. Với thị trường, khi động lực đến từ các mã vừa và nhỏ, thì đây là điểm tích cực cho xu hướng tăng điểm.

Tuy nhiên, trong 2 ngày cuối tuần, với mức lợi nhuận thu được sau 2 tuần thị trường hồi phục, nhiều nhà đầu tư đã chốt lời. Sự giằng co trở lại và thị trường điều chỉnh nhẹ. Tuần mới sẽ như thế nào? Liệu đợt giảm điểm này có tạo đà để thị trường tăng trong tuần sau?

Biến động chỉ số và thanh khoản

VN-Index khởi đầu tuần với 529,5 điểm, tăng liên tục 3 phiên và giảm vào 2 phiên cuối tuần, kết thúc tại 541,5 điểm. Như vậy, tuần qua VN-Index đã tăng 12 điểm tương đương với 2,3%. Biến động chỉ số ngay trong phiên không còn dữ dội như tuần trước đó.

Khối lượng khớp lệnh trung bình đạt 100,6 triệu cổ phiếu/ngày – tăng 1,1% so với tuần trước nhưng giá trị khớp lệnh bình quân đạt 1.287 tỷ/ngày – giảm 8,6%.

Về thỏa thuận, có một số giao dịch đáng chú ý. Ngày 19/05, CTCP Thủy điện Thác Bà (mã TBC) được thỏa thuận gần 6,5 triệu cổ phiếu tương đương 122,7 tỷ; CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) được thỏa thuận 1,1 triệu tương đương 103,5 tỷ. Ngày 22/05, 680.000 đơn vị MSN cũng được giao dịch thỏa thuận tương đương 61,2 tỷ; 1,7 triệu SSC của CTCP Giống cây trồng miền Nam tương đương 108 tỷ. Cổ phiếu VNM được thỏa thuận liên tục trong 3 ngày 21, 22 và 23/5 với tổng giá trị là 145,2 tỷ.

(Đv: tỷ đồng)

HNX-Index khởi đầu tuần với 72,3 điểm và cũng giống như VN-Index, tăng liền 3 ngày rồi giảm trong 2 ngày cuối tuần, kết thúc tuần tại 74,5 điểm – tăng 2,2 điểm tương đương 23%.

Thanh khoản của sàn Hà Nội tăng khá tốt. KLGD khớp lệnh trung bình đạt 68,4 triệu đơn vị/ngày – tăng 14,8% so với tuần trước đó. Đồng thời giá trị giao dịch cũng tăng 15%, đạt 557,8 tỷ/ngày.

Ngày 19/05, sàn Hà Nội có giao dịch thỏa thuận của hơn 1,5 triệu cổ phiếu CTCP Thiết bị bưu điện (POT) tương đương 21,4 tỷ. Hơn 1 triệu cổ phiếu KLS cũng được thỏa thuận trong 2 ngày 22 và 23/5 tương đương 9,8 tỷ.

(Đv: tỷ đồng)

Giao dịch của khối ngoại

Trên sàn HCM tuần qua, khối ngoại đã mua ròng với giá trị 142 tỷ trong ngày 19/5, nhưng sau đó chuyển hướng mua ròng ít dần và bán ròng trong 2 ngày 21/05 và 22/05. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần thì khối này vẫn mua ròng với tổng khối lượng là 8,7 triệu đơn vị - giảm 85% so với tuần trước . Giá trị mua ròng cả tuần là 78,2 tỷ - giảm 93%.

Tại sàn Hà Nội, họ vẫn duy trì trạng thái mua ròng cả tuần. Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng gần 10 triệu cổ phiếu – giảm 40,4% so với tuần trước. Giá trị mua ròng đạt 133,8 tỷ đồng – giảm 37,8%. Cũng giống như trên sàn HOSE, giá trị mua ròng cao nhất của khối ngoại cũng được thực hiện vào ngày 19/05 với 39,2 tỷ.

Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:

Giao dịch của khối tự doanh trên HOSE

Tuần qua, khối tự doanh bán ròng liên tục và chỉ quay lại mua ròng trong phiên cuối tuần với giá trị mua ròng không cao lắm: 122 triệu đồng. Tổng giá trị bán ròng của tự doanh trong tuần là 91,4 tỷ.

Trong ngày 19/05, khi khối ngoại mua ròng với giá trị lớn thì khối này đã bán ròng 56,7 tỷ.

Cổ phiếu nổi bật

Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) công bố KQKD hợp nhất quý I/2014. Doanh thu thuần của OGC quý 1 đạt 642 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ 2013. Thành tích này có được nhờ mức tăng trưởng ấn tượng của doanh thu bán hàng. Việc tăng các chi phí trong kỳ, đặc biệt là chi phí bán hàng khiến lợi nhuận của OGC sụt giảm. Tập đoàn Đại Dương lãi sau thuế chưa đến 1 tỷ đồng (đạt 847 triệu đồng), lãi sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ vỏn vẹn 538 triệu đồng, bằng 1/4 con số cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MCG) tổ chức họp ĐHCĐ 2014 đề xuất kế hoạch kinh doanh 2014 với các chỉ tiêu sáng sủa hơn hẳn năm 2013. Về dự án Thủy điện Văn Chấn, MCG đã hoàn thành và đang cân nhắc phương án khai thác hiệu quả hoặc có thể thoái vốn.

Thủy sản Hùng Vương (mã HVG) chào mua công khai thành công cổ phiếu VTF và AGF.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đặt mục tiêu doanh thu năm 2014 là 13.021 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với thực hiện năm 2013 và kế hoạch LNST là 435 tỷ đồng, tăng 68,3%. Công ty dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay.

Bộ GTVT vừa có Quyết định xác định giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ -Tổng Công ty hàng không Việt Nam để IPO là 2,744 tỷ USD.

Thành Long

Top 5CP tăng/giảm nhiều nhất tuần

Thành Long

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên