MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tuần qua: Tích lũy tạo đáy trước khi tăng điểm trở lại?

Theo công ty chứng khoán BSC, nhiều khả năng, nếu không có thêm những thông tin tiêu cực khác, thị trường sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 550 – 560 điểm để tích lũy tạo vùng đáy trước khi tăng điểm trở lại.

Trong tuần qua, giá dầu là từ khóa nóng nhất trong cộng đồng các nhà đầu tư, cả quốc tế lẫn Việt Nam. Khi giá dầu thô thế giới liên tục lao dốc, áp lực lên các mã dầu khí càng nặng khiến cho nhóm này, từ “người hùng” của thời gian trước, trở thành “tội đồ” kéo thị trường đi xuống.

Dự báo về giá dầu cũng liên tục được nhiều tổ chức nổi tiếng đưa ra và cả những lý giải về nguyên nhân giá dầu giảm. Cùng với việc cung lớn hơn cầu khi lượng cung tăng vọt do công nghệ dầu đá phiến của Mỹ và OPEC không cắt giảm sản lượng khai thác và thì những phỏng đoán về lý do chính trị cũng được nhấn mạnh nhiều. Vì vậy, giá dầu diễn biến khó lường, dự báo chỉ là dự báo. Nhưng không chỉ những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu dầu khí mới lo ngại về sự đi xuống này. Dù có chọn cổ phiếu khác thì trước sức ảnh hưởng tâm lý cực lớn của dầu khí, thị trường vẫn chưa hết e ngại.

Bổ sung cho nỗi lo đó là vẫn là hành động bán ròng liên tục của khối ngoại. Giá trị bán ròng giảm mạnh so với các tuần trước đó nhưng họ lại tập trung bán cổ phiếu dầu khí.

Dù sao, với phiên tăng điểm cuối tuần, thị trường cũng có chút hứng khởi và hy vọng vào một tuần mới sáng sủa hơn.

Giao dịch thỏa thuận cũng tăng hơn 20% so với tuần trước, với một số chuyển nhượng lớn ở EIB (hơn 200 tỷ vào ngày 9/12), KSA (hơn 60 tỷ), SJS (30,6 tỷ)…

Theo công ty chứng khoán BSC, nhiều khả năng, nếu không có thêm những thông tin tiêu cực khác, thị trường sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 550 – 560 điểm để tích lũy tạo vùng đáy trước khi tăng điểm trở lại.

“Lưu ý rằng không nhiều đợt tăng điểm mạnh mẽ mà không bắt đầu từ động thái tích lũy lại nền tảng của các cổ phiếu dẫn đầu. Mọi nỗ lực tăng điểm nhanh chóng và vội vã đều không bền vững, mặc dù có thể thành công.” – BSC nhận định.

Biến động chỉ số và thanh khoản

VN-Index tiếp tục lao dốc rất mạnh trong tuần này và đã nhiều lần rơi khỏi mức 550 điểm. Trong ngày 9/12, khi VN-Index giảm tới 16,37 điểm và mức 555 xuất hiện thì lực cầu “bắt đáy” đã tăng mạnh khiến thanh khoản sàn này tăng vọt lên 2.888 tỷ. Điều lạc quan là vào ngày 12/12, khi lượng hàng này về tài khoản, VN-Index đã tăng 3,82 điểm và thanh khoản giảm mạnh được đánh giá là lạc quan khi lượng cung đã giảm.

Khối lượng bình quân tuần là 109,7 tỷ - tăng 6,3% và giá trị bình quân tuần là 1.895 tỷ - tăng gần 9% so với tuần trước.

Diễn biến tương tự như vậy, HNX-Index cũng giảm 3/5 phiên, kết thúc tuần tại 84,55 điểm – giảm 4,08 điểm so với tuần trước tương đương 4,6%.

Thanh khoản đã tăng khá cao so với tuần trước. KLGD khớp lệnh trung bình của sàn Hà Nội đạt 58 triệu đơn vị/ngày – tăng 11,5% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt hơn 872 tỷ/ngày – tăng 15%.

Giao dịch của khối ngoại

Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng tuần tứ 5 liên tiếp. Tuần này, khối ngoại đã bán ròng 110 tỷ, mạnh nhất là vào ngày 11/12 với giá trị bán ròng là 79 tỷ. Trong nửa đầu tháng 12 này, họ đã bán ròng 224 tỷ đồng.

Tại sàn này, khối ngoại bán ròng mạnh nhất các mã HAG (-148 tỷ đồng), KDC (-75 tỷ đồng), PVD (-65 tỷ đồng), GAS (-50 tỷ đồng), và HPG (-37 tỷ đồng). Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là MSN (57 tỷ đồng), VNS (34 tỷ đồng), VIC (32 tỷ đồng), VHC (29 tỷ đồng), và NBB (28 tỷ đồng).

Trên sàn Hà Nội, khối ngoại bán ròng cả 5 phiên với tổng giá trị bán ròng là 85,3 tỷ trong đó họ bán tới 43 tỷ trong phiên cuối tuần.

Giao dịch của khối tự doanh trên HOSE

Có vẻ khối tự doanh đánh giá tuần qua là thời điểm thích hợp để vợt hàng khi quay lại mua ròng 104,6 tỷ đồng. Trong ngày đầu tuần, tự doanh mua ròng 258,6 tỷ nhưng ngày 10/12, họ đã bán ròng một lượng tương đương.

Hải Long

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên