MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện lạ ở TNT

CTCP Tài Nguyên (TNT) đang trở thành đề tài đàm tiếu của giới đầu tư khi quý I vừa qua, doanh nghiệp này không hề ghi nhận khoản doanh thu nào.

Trong khi đó, 2013 được đoanh nghiệp này cho là “năm bản lề” của mục tiêu 5 năm (2011-2015).

“Trái đắng” bất động sản

Lĩnh vực tiền thân của TNT là khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng, nhưng đến năm 2009 TNT mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản. TNT đã liên tục tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng như hiện nay nhằm đổ vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Thế nhưng trong khi hiệu quả kinh doanh chưa như mong đợi (3 năm liên tiếp không chia cổ tức), TNT đã phải nhận “trái đắng” với khoản lỗ hơn 2,5 tỷ đồng trong năm 2012.

Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, ông Vũ Tuấn Hoàng, Tổng giám đốc TNT, cho rằng trong năm 2012 do ngành kinh doanh cốt lõi của TNT là bất động sản và vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề của thị trường nói chung. Vì thế, các dự án đang trong quá trình thực hiện chưa ghi nhận được doanh thu, dù TNT đã chủ động cắt giảm chi phí xuống mức tối thiểu nhưng doanh thu vẫn không như kỳ vọng, dẫn đến thua lỗ.

Dù vậy, ông Hoàng vẫn tự tin khi cho rằng khoản lỗ này chấp nhận được. Bước sang năm 2013, TNT sẽ tập trung ổn định hoạt động, tìm hướng kinh doanh mới phù hợp hơn để tăng doanh thu, tăng hiệu quả sử dụng vốn và hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Thậm chí, ngay trong báo cáo thường niên 2012, HĐQT của TNT vẫn mạnh miệng tuyên bố “2013 sẽ là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2011-2015). Không lâu nữa mọi người sẽ chứng kiến một TNT lớn mạnh, có uy tín và thương hiệu trên thị trường”. Và kết quả của lời hứa này là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của TNT trong cả quý I-2013 chỉ là con số 0 tròn trĩnh và lợi nhuận âm gần 235 triệu đồng.

Cũng như lần trước, TNT tiếp tục đổ lỗi cho các yếu tố khách quan như do kinh tế vẫn trong tình trạng suy thoái trầm trọng; quý I có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và nhiều kỳ lễ khác nên hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng; các dự án cũ vẫn trong quá trình thực hiện nên chưa ghi nhận được doanh thu…

Vung tay quá trán

Trong khi lãnh đạo TNT đổ lỗi cho yếu tố khách quan, có một thực tế ai cũng dễ dàng nhận ra là TNT “sa ngã” chính vì đầu tư quá trớn vào lĩnh vực bất động sản. Với vốn điều lệ chỉ 85 tỷ đồng, những dự án bất động sản TNT tham gia đều có diện tích lớn và vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chẳng hạn dự án khu nhà ở và văn phòng làm việc cao cấp Nhân Chính với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, dự án khu nhà ở đô thị Gia Lâm 1.500 tỷ đồng, dự án khu đô thị Tài Nguyên EcoCity 4.500 tỷ đồng…

Dù tham gia những dự án lớn nhưng lãnh đạo TNT lại không lường hết những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, TTCK lại trong giai đoạn ảm đạm nên vệc huy động vốn qua kênh đầu tư này cũng không thành công. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án của TNT bị đình trệ, thậm chí phải tạm ngừng thi công như dự án Nhân Chính (đã xong phần móng).

Không chỉ có các dự án bất động sản bị ngưng trệ, TNT còn bị lỗ nặng ở ngành kinh doanh cốt lõi là khai thác khoáng sản. Đó là dự án Chì kẽm Điện Biên. Dự án có diện tích khai thác 65ha, trữ lượng dự tính gần 1,6 triệu tấn, công suất thiết kế nhà máy 99.000 tấn/năm và tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị tạm ngừng khai thác.

Theo giải thích của TNT, vẫn là các nguyên nhân khách quan khiến dự án phải tạm ngừng: sự thay đổi của Luật Khoáng sản và quy hoạch khoáng sản của Việt Nam. Hiệu quả hoạt động đi xuống khiến CP TNT cũng liên tục xuống giá trong mắt NĐT.

CP của TNT chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 21-5-2010 với giá chào sàn l24.000 đồng/CP nhưng đến thời điểm hiện nay, TNT chỉ giao dịch ở mức giá 2.000 đồng/CP. Theo kế hoạch, ĐHCĐ 2013 của TNT sẽ được tổ chức vào ngày 29-6 tại Hà Nội. Với tình hình sản xuất kinh doanh bi đát như hiện nay, ĐHCĐ của TNT được dự báo sẽ rất nóng trước những chất vấn của các cổ đông.

Theo Kim Giang

phuongmai

Sài gòn đầu tư

Trở lên trên