MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNBC: Giá dầu có thể gây sức ép chứng khoán Việt Nam

Một yếu tố có thể gây sức ép lên thị trường chứng khoán Việt Nam năm tới: Việt Nam là một nước sản xuất dầu...

Hãng tin CNBC nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được thành quả tăng đáng nể trong năm nay, nhưng không rõ liệu triển vọng kinh tế tích cực có giúp giá cổ phiếu tăng cao hơn trong năm tới. Trong đó, giá dầu giảm có thể gây tác động bất lợi cho thị trường.

Ở thời điểm hiện tại, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2015 được các chuyên gia đánh giá là khá sáng sủa.

“Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu vĩ mô ấn tượng gồm mức tăng trưởng 6,2% và lạm phát dưới 5% trong năm 2015”, ngân hàng Deutsche Bank viết trong một báo cáo. Tuy vậy, Deutsche Bank cũng nhấn mạnh một số mối quan ngại đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới, gồm vấn đề nợ xấu và rủi ro từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phản ứng tích cực trước tình hình kinh tế. Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index tăng gần 13%, sau khi tăng khoảng 22% trong năm 2013. Tuy vậy, so với mức đỉnh đạt được vào tháng 9, chỉ số này đã giảm khoảng 10%.

Chưa rõ liệu bức tranh kinh tế tích cực có đưa được VN-Index lên những mức điểm cao hơn hay không, nhất là trong bối cảnh có những quan ngại về việc cấu trúc của thị trường chưa thực sự sẵn sàng cho sự tăng trưởng.

Ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành của PXP Asset Management Việt Nam, cho rằng, kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam đang diễn ra với tốc độ chậm chạp và nhiều doanh nghiệp được định giá ở mức cao.

“Nếu Việt Nam muốn có một thị trường chứng khoán đúng nghĩa, cần có sự tham gia của thêm nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vì các nhà đầu tư tổ chức trong nước chưa đủ chuyên nghiệp”, ông Snowball nói.

“Ngoài ra, việc tăng cung cho thị trường thông qua các vụ IPO thành công và có mức giá phù hợp, cũng như tăng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại cũng là cần thiết để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn”.

Những mối băn khoăn như vậy đã khiến một số nhà đầu tư tổ chức nước ngoài ngại vào Việt Nam.

“Ở thời điểm này, Việt Nam vẫn giống như một thị trường của các nhà đầu tư cá nhân. Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa sẵn sàng cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Jalil Rasheed, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của công ty Invesco, nhận xét. Ông Rasheed đề cập đến những khó khăn ở thị trường Việt Nam bao gồm khoảng thời gian dài để thực hiện các giao dịch và chuyển đổi tiền.

Cũng giống như ông Snowball, ông Rasheed lo thị trường chứng khoán Việt Nam không đủ nguồn cung cổ phiếu.

“Top 10 cổ phiếu lớn nhất đã chiếm 80-90% chỉ số và đa phần đều là cổ phiếu công ty nhà nước”, ông Rasheed nói. Ngoài ra, theo Rasheed, quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam chưa đạt chuẩn so với nhiều nước Đông Nam Á.

Còn một yếu tố nữa có thể gây sức ép lên thị trường chứng khoán Việt Nam năm tới: Việt Nam là một nước sản xuất dầu.

Từ mùa hè tới nay, giá dầu thô Brent tại London đã giảm từ mức 115 USD/thùng xuống dưới 70 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ còn tiếp tục giảm.

Ông Snowball nhấn mạnh, PetroVietnam Gas, công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất tại Việt Nam, đã dẫn đầu sự xuống điểm của thị trường trong thời gian gần đây.

Theo Diệp Vũ

thanhhuong

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên