MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông nhỏ bị tước quyền chất vấn

Lấy lý do là do số lượng cổ đông nhiều, không có nhiều thời gian, HĐQT chỉ ưu tiên trả lời những câu hỏi của các cổ đông lớn.

Ngày 16.6, công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 1 để lấy ý kiến cổ đông trong việc thông qua đề xuất thực hiện chuyển nhượng các dự án bất động sản (dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM; dự án căn hộ Hoa Sen Riverview – Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM và quyền sử dụng đất tại 123 Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP.HCM); chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept (trong đó Hoa Sen Group góp 45% vốn).

Bên cạnh đó là nội dung sửa đổi điều lệ công ty: chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật thay cho trước đây là tổng giám đốc. HĐQT cũng đề xuất giảm số lượng thành viên HĐQT từ bảy xuống năm thành viên, theo cơ cấu HĐQT hoạt động chuyên trách và độc lập.

Mất “người tài” trong vòng 18 ngày

Câu chuyện từ chức của ông Phạm Văn Trung chỉ sau 18 ngày tại vị làm nhiều cổ đông thắc mắc.

Dù rằng doanh nghiệp này đã có thư gửi tới cổ đông trình bày lý do dẫn tới quyết định này và dành không ít lời có cánh cho ông Trung, khẳng định tân tổng giám đốc có những tố chất quan trọng (trung thực, được đào tạo bài bản, tạo sự đồng thuận cao, uy tín, tài năng, sức trẻ...) mà Hoa Sen đang cần ở những người lãnh đạo kế tiếp của tập đoàn, rằng đây là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí CEO tập đoàn đồng thời cũng cho biết ông Trung đã có đơn từ chức và xin thôi việc với lý do cá nhân, nhưng không ít cổ đông vẫn không bằng lòng. Đã có cổ đông yêu cầu HĐQT công ty nên để ông Trung trả lời lý do với các cổ đông để họ yên tâm.

Từ bỏ “lĩnh vực mũi nhọn”

Trong khi đó, giải trình về chuyện bán các dự án bất động sản và phần vốn góp tại dự án cảng quốc tế, bác bỏ thông tin rằng công ty bán dự án vì thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Lê Phước Vũ – chủ tịch công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen cho rằng thị trường bất động sản đang không được như kỳ vọng, do đó công ty buộc phải hạn chế đầu tư vào các ngành không thuộc sở trường, tập trung vào mảng sản xuất kinh doanh chính.

Tuy nhiên, còn nhớ cách đây chưa tới hai năm, trong buổi lễ động thổ dự án Phố Đông Hoa Sen, cũng chính vị chủ tịch này phát biểu rằng trong kế hoạch trung và dài hạn của Hoa Sen Group, bất động sản được xác định là lĩnh vực mũi nhọn, tập trung phát triển.

Ông Lê Phước Vũ cho biết hiện nay tập đoàn đang cần vốn đối ứng cho phần vốn vay dự án nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ. Trong năm 2010, tập đoàn Hoa Sen đã lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn cho dự án này nhưng không thành công.

Cũng theo ông Vũ thì hiện tại đã có một số đối tác tìm hiểu về các dự án trên để nhận chuyển nhượng. Và công ty chắc chắn có lợi nhuận từ thương vụ này do giá vốn trước đây thấp hơn hiện tại. Dự kiến việc chuyển nhượng này sẽ đem về cho tập đoàn hơn 300 tỉ đồng.

Sợ “câu hỏi phá rối”

Bên cạnh câu chuyện quản trị công ty, các cổ đông tham dự cũng đã có ý kiến khá gắt về cách điều hành đại hội, đặc biệt là quyền được chất vấn HĐQT. Lấy lý do là do số lượng cổ đông nhiều, không có nhiều thời gian, các cổ đông được yêu cầu góp ý bằng phiếu và HĐQT chỉ ưu tiên trả lời những câu hỏi của các cổ đông lớn.

Theo lý giải của ông chủ tịch HĐQT, ông chỉ muốn nhận những câu hỏi có tính xây dựng vì có rất nhiều đối thủ của công ty mua chỉ khoảng vài ngàn cổ phiếu và luôn có những câu hỏi phá rối. Nếu trả lời hết những câu hỏi này thì không có thời gian và không đáng phải trả lời vì không có tính xây dựng.

Điều này đã bị phản ứng gay gắt của các cổ đông nhỏ. Những cổ đông cho biết dù đầu tư nhiều hay ít thì cũng là tiền mà họ bỏ ra do đó họ phải được quyền chất vấn.

Theo Bảo Anh
SGTT

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên