MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông thiểu số tại Việt Nam ngại khiếu kiện

"Các cổ đông thiểu số tại Việt Nam ngại thực hiện quyền khiếu kiện không chỉ do tâm lý, thủ tục mà còn cả do vấn đề thi hành án kém hiệu lực" - Giám đốc Luật và kiểm soát nội bộ CTCK Sài Gòn cho biết.

Trong khi hạ một bậc xếp hạng của Việt Nam trong việc bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, Ngân hàng Thế giới hồi cuối tháng 10 vừa qua cũng cho biết Việt Nam chỉ đạt 1 điểm trong chỉ số thuận lợi khiếu kiện của cổ đông, mức thấp nhất trong số các thị trường quanh khu vực.

Số điểm này của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của khu vực là 6,4 điểm, và thậm chí còn thua cả Lào, quốc gia láng giềng mới phát triển thị trường chứng khoán từ năm 2011.

Trao đổi với phỏng vấn Người Đồng Hành, ông Nguyễn Kim Long - Giám đốc bộ phận Luật & Kiểm soát nội bộ của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – cho rằng có nhiều lý do khiến Việt Nam đạt số điểm thấp trong đánh giá của Ngân hàng Thế giới về điều kiện thuận lợi của cổ đông thiểu số trong vấn đề khiếu nại tố cáo, hay khởi kiện ban điều hành.

Thứ nhất là về mặt tâm lý, người dân Á Đông nhìn chung không thích kiện. Thứ hai là về mặt thủ tục, nó rắc rối, rườm rà. Thứ ba là về mặt ý thức của nhà đầu tư, họ chưa quen với việc kiện tụng, mà thường quen với việc gửi đơn kiến nghị hơn.

Ông Long cho biết khi có việc gì đó, các nhà đầu tư nhỏ thường khiếu nại lên Ủy ban chứng khoán (UBCK) hay Sở Giao dịch chứng khoán, chứ họ không thực hiện quyền kiện dù đây là quyền rất lớn và thực hiện triệt để hơn. Các cơ quan như Sở giao dịch hay UBCK cũng chỉ kiến nghị các công ty giải quyết chứ không được quyền trực tiếp giải quyết những vấn đề như quyền hủy nghị quyết Hội đồng quản trị, hủy nghị quyết của Đại hội cổ đông, vì những quyền này thuộc về tòa án.

Một yếu tố nữa khiến việc kiện tụng ít xảy ra là thi hành án. Ngay cả khi đã thắng kiện ở tòa, thì việc thi hành án cũng rất lâu.

“Ngay cả lúc khởi kiện cũng khó khăn, và đến kiện xong rồi cũng khó thực hiện thì thôi kiện làm gì” - ông chia sẻ.

Thêm vào đó, việc kiện là vì lợi ích chung của công ty, nhưng cổ đông thiểu số là người chịu thiệt ít hơn, nên cũng có tâm lý ngại khởi kiện.

Ông Long cho biết quyền của cổ đông nhỏ trong việc thực hiện khiếu nại tố cáo, hay khởi kiện ban điều hành là có, “quy định rất đẹp”, nhưng từ trước tới nay mới chỉ có 1-2 trường hợp thực hiện.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một trong những yếu tố khiến Việt Nam tụt bậc trong xếp hạng bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 do Ngân hàng Thế giới công bố hồi cuối tháng 10.

Theo ông Long vấn đề còn nằm ở tính hiệu quả trong các quy định về bảo vệ nhà đầu tư nhỏ chưa cao, dù các cơ quan nhà nước đã có cố gắng

Lấy trường hợp, các vụ mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, xét đi xét lại thì tất cả đều là do lỗi bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. Hay nói cách khác, cổ đông lớn lạm dụng vị thế trong ngân hàng để rút ruột và cuối cùng cổ đông nhỏ vốn bị mất sạch.

“Những vụ việc đấy là điểm trừ cho quản trị công ty ở Việt Nam, trong đó có xếp hạng bảo vệ cổ đông nhỏ,” ông Long đánh giá.

Một yếu tố nữa liên quan đến việc tụt bậc trong bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, theo ông Long, là chất lượng báo cáo tài chính. Nhiều báo cáo kiểm toán và báo cáo chưa kiểm toán gần đây chênh lệch nhau quá nhiều, thậm chí đảo ngược từ lãi thành lỗ, từ lỗ thành lãi, khiến người ta không khỏi nghi ngờ về chất lượng kiểm toán.

Tuy nhiên, nỗ lực bảo vệ nhà đầu tư nhỏ của Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng, như những quy định công bố thông tin ngày càng được đẩy mạnh.

Ông Long cho biết việc công bố thông tin của công ty cổ phần, và gần đây là công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, buộc doanh nghiệp đại chúng lên niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung, đang được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy Việt Nam đạt 7 điểm trong chỉ số về công bố thông tin, cao hơn mặt bằng chung của Đông Á-Thái Bình Dương khi khu vực này đạt số điểm trung bình là 5,5 điểm.

Kết luận, ông Long cho rằng chính sách của Việt Nam gần như là đầy đủ, nhưng cái chính là có khoảng cách xa giữa quy định và thực tế thực hiện.

 

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên