MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm?

Giá cổ phiếu xuống mức đủ thấp có thể sẽ hấp dẫn dòng tiền quay trở lại thị trường. Thống kê cho thấy hai sàn hiện có 171 cổ phiếu có P/E dưới 5.

Kể từ năm 2006 đến nay, thông thường thị trường năm nào cũng có một con sóng lớn. Năm 2006 và 2007 VN-Index đi vào uptrend mạnh, nhưng năm 2008 cho dù rơi từ 900 điểm xuống dưới 400 điểm, Vn-Index cũng có một đợt sóng phục hồi nhẹ lên gần 600 điểm; đến năm 2009, VN-Index tăng từ 235 điểm lên 600 điểm. Nhưng đến năm 2010, đồ thị VN-Index gần như một đường nằm ngang.

Kể từ ngày 13/09 khi HoSE bắt đầu chính thức nới thời gian giao dịch, thanh khoản trên hai sàn sụt giảm hẳn. Tính từ ngày 01/10/2010 (18 phiên trở lại đây), khối lượng giao dịch khớp lệnh (không tính thỏa thuận) trên sàn HoSE chỉ đạt 27,8 triệu cổ phiếu/phiên, nếu tính giao dịch thỏa thuận là 31,2 triệu cp/phiên, đạt giá trị bình quân 796,6 tỷ đồng/phiên.

Bình quân giao dịch trong tháng 9 là 42,4 triệu đồng/phiên, đạt giá trị bình quân 1.116 tỷ đồng. Như vậy, bình quân giao dịch trong tháng 10 đã giảm 26,4% về KLGD và giảm 28,66% về giá trị so với tháng 9.


Nguồn: HoSE

Không phải tin tức vĩ mô quá xấu, nhưng thực sự với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, năm 2010 là một năm quá khó khăn. Các tin tức doanh nghiệp tốt hầu như không tác động đến giá cổ phiếu, nhà đầu tư nhỏ lẻ ngơ ngác nhìn bluechips gần như bị bỏ qua, trong khi những PVA, HTV, VTV, LTC... tăng trần hàng chục phiên mà không hiểu tại sao, đến khi NĐT nhỏ lẻ tham gia cuộc chơi của những “đội lái” thì chỉ thấy mất mát. Và lòng tin cứ giảm dần! Nhà đầu tư nhỏ lẻ rút dần khỏi cuộc chơi của các “cá mập”.

Các yếu tố tác động đến giá cổ phiếu

GDP: GDP quý III của cả nước tăng trưởng 7,16%, một điểm sáng trong các tin tức vĩ mô được đưa ra trong thời gian vừa qua, GDP 9 tháng của cả nước tăng 6,25%, cả năm khả năng GDP cả nước đạt 6,7%, cao hơn chỉ tiêu đặt ra đầu năm là 6,5%.

Lạm phát: CPI tháng 10 của cả nước tăng 1,05% so với năm trước tiếp tục tạo ra bất ngờ đối với giới đầu tư, vì hầu hết giới phân tích cho rằng CPI tháng 10 sẽ nằm trong khoảng từ 0,8% - 0,9% khi CPI TP.HCM chỉ tăng 0,45%. Như vậy, nếu so với tháng 12/2009, CPI cả nước đã tăng 7,58% và khả năng chỉ tiêu kiềm chế lạm phát dưới 8% trong năm nay khó có thể đạt được. Liên tiếp 2 cơn bão đổ vào miền Trung vừa qua đã làm giá cả tăng vọt, hàng hóa chuyển giữa hai miền Bắc – Nam bị gián đoạn sẽ là một trong các yếu tố đẩy CPI tháng 11 lên cao.

Lãi suất: Tính tại thời điểm gần nhất 19/10, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động có kỳ hạn 3 tháng phổ biến ở mức 8-11%/năm, trên 3 tháng phổ biến ở mức 11 – 11,2%/năm. Lãi suất cho vay từ 12,5% - 14,5% (kỳ hạn ngắn), từ 13,5% - 15,5% (kỳ hạn trung và dài hạn).

Tuy nhiên theo một khảo sát của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam 36% doanh nghiệp được khảo sát cho thấy không thể chịu được mức lãi vay từ 12% - 13% trở lên trong lâu dài.

Trong khi đó, mức lãi suất vay USD dao động 5,5 – 6% đối với ngắn hạn và 6-7% trung dài hạn đối với các NHTMNN; khoảng từ 5,5% -6,5% ngắn hạn và 6,5% - 8% trung, dài hạn đối với NHTMCP. USD tự do ngày một tăng mạnh sẽ là gánh nặng kép cho những doanh nghiệp vay USD trong thời gian qua.

Chứng khoán thế giới: Chỉ số Dow Jones của Mỹ đã vượt ngưỡng 11.000 điểm vào ngày 09/10/2010. Trong 3 tháng, DJ đã tăng 6,79%, S&P500 tăng 7,29%, Nasdaq tăng 9,25% trong khi VN-Index giảm 12% (từ 500 điểm trong tháng 7 giảm xuống 440 điểm vào ngày 22/10). TTCK Mỹ đã tận dụng từng tin tốt về nền kinh tế để tăng điểm trong khi VN-Index thời gian qua dường như “miễn nhiễm” với toàn bộ các diễn biến trên thị trường quốc tế cũng như các tin tức trong nước. “Thị trường phản ứng mạnh hơn với tin xấu và hoàn toàn lờ đi các tin tốt”, nhận xét của một nhà đầu tư.

Kết quả kinh doanh quý 3: Đã có 13 công ty công bố lỗ thì có tới 9 công ty trong ngành chứng khoán, trong đó KLS lỗ “nặng” nhất với âm 193 tỷ đồng, tiếp theo là BVS (lỗ 83,6 tỷ đồng), HPC, CTS…

Nhóm các công ty tăng trưởng mạnh trong quý 3 hầu hết là các công ty được lợi về giá như đường (BHS, NSH, SBT, SEC), cao su tự nhiên (DPR, HRC), sữa (VNM), điều (LAF)…Bên cạnh đó, một số công ty mặc dù doanh thu tăng mạnh nhưng do giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến lợi nhuận giảm mạnh như SFN, DRC, TMP, CSM…

KQKD quý 3 sẽ không có nhiều tác động tích cực tới thị trường.

Nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng: Tính từ đầu tháng 10, khối ngoại đã mua ròng liên tục cả 16 phiên với tổng giá trị đạt 1.248 tỷ đồng – vượt giá trị mua ròng trong cả tháng 9 là 1.177 tỷ đồng. Việc khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu được kỳ vọng sẽ khiến thị trường khó có thể giảm sâu trong thời gian tới.

"Cửa" nào cho chứng khoán cuối năm 2010?

Các NĐT khó có thể trông đợi thị trường hồi phục nhờ các thông tin vĩ mô. Tuy nhiên, khi giá cổ phiếu xuống mức thấp, sẽ hấp dẫn dòng tiền quay trở lại.

Theo thống kê của chúng tôi, tính tại ngày 22/10/2010, có 117 cổ phiếu có PE dưới 5; 327 cổ phiếu có P/E từ 5 – 10 trên hai sàn Hà Nội và TP.HCM.

Trên sàn HoSE, 30 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ có giá dưới mệnh giá, 58 cổ phiếu có giá từ 10.000 – 15.000 đồng/cp; 38 cổ phiếu có giá từ 15.000 – 20.000 đồng/cp.

Trên sàn Hà Nội, có 30 cổ phiếu có giá dưới 10.000 đồng/cp, 92 cổ phiếu có giá từ 10.000 – 15.000 đồng/cp, 86 cổ phiếu có giá từ 15.000 – 20.000 đồng/cp.

Thị trường chứng khoán đang đứng ở thế "tiến thoái lưỡng nan" không chỉ đối với NĐT trong nước và NĐT nước ngoài. Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao, khối ngoại đang bị "lỗ kép" khi đã chuyển một lượng lớn ngoại tệ sang VND để mua cổ phiếu. Áp lực giải ngân của khối ngoại để đối phó với việc VND mất giá sẽ là yếu tố nâng đỡ thị trường trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, hầu hết các công ty chứng khoán đều cho rằng, xu hướng thị trường hiện là cơ hội mua vào tốt trong một tới hai tháng tới.


Các cổ phiếu biến động mạnh nhất trong 3 tháng qua trên HSX (Nguồn: CafeF)



Các cổ phiếu biến động mạnh nhất trên sàn HNX trong 3 tháng qua (Nguồn: CafeF)

Phương Mai

phuongmai

Trở lên trên