Cổ phần hóa “e ngại” thị trường chứng khoán
Từ năm 2011 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa được 114 DN, trong đó có 30 tổng công ty nhà nước, 21 DN vốn nhà nước trên 100 tỷ đồng.
Cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty nhà nước đồng nghĩa với việc một lượng hàng lớn được đưa vào thị trường chứng khoán (TTCK), giúp doanh nghiệp (DN) dễ dàng huy động vốn,. Tuy nhiên, hiện nay, khi TTCK còn nhiều bất ổn, giá cổ phiếu xuống thấp… dường như không nhiều DN mặn mà cổ phần hóa.
Từ năm 2011 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa được 114 DN, trong đó có 30 tổng công ty nhà nước, 21 DN vốn nhà nước trên 100 tỷ đồng. Năm 2014-2015 sẽ có hơn 430 DN được cổ phần hóa, trong đó nhiều DN với số vốn hàng nghìn tỷ đồng sẽ được đưa ra công chúng thông qua cổ phần hóa. Có thể kể đến những cái tên được giới đầu tư quan tâm như: Vinatex, MobiFone, Vietnam Airlines… Vì vậy, dự báo, TTCK năm 2014 - 2015 sẽ đa dạng nguồn hàng với sự tham gia của hàng loạt các tên tuổi nói trên.
Theo ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), việc hàng loạt tập đoàn, tổng công ty lớn tiến hành IPO thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa chủ trương của Đảng và nhà nước về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DN nhà nước bởi các DN này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế; tạo ra bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; mang lại cơ hội lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, sẽ giúp cho TTCK có thêm nhiều hàng hóa mới, chất lượng, đồng thời nhà đầu tư cũng có thêm cơ hội lựa chọn.
Tuy nhiên, ngoài những DN lớn nêu trên, không ít DN nằm trong diện phải cổ phần hóa “e ngại” IPO, niêm yết cổ phiếu do những diễn biến không tốt của TTCK.
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ đầu năm đến tháng 4/2014, HNX tổ chức 19 phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng nhưng chỉ có khoảng 40% DN thực hiện bán hết 100% số cổ phần chào bán (CIENCO4, Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI)... Còn lại, các phiên đấugiá có khối lượng bán với tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 15% tổng số cổ phần chào bán.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính): “Muốn cổ phần hóa được, phải tìm ra người mua. Nếu nhiều người bán mà không hoặc ít có người mua thì không thể thực hiện thành công cuộc chào bán. Trước khi cổ phần hóa, cần có sự chuẩn bị, có những hành động thiết thực”. |
Nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài lớn chưa tham gia vào TTCK Việt Nam nhiều do quy mô của các DN đã và chuẩn bị cổ phần hóa nhỏ, tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài thấp. Bên cạnh đó, họ cho rằng chất lượng hàng hóa chưa đi cùng với tính công khai, minh bạch thông tin của DN thực hiện IPO. Đã xảy ra hiện tượng các DN thực hiện IPO xong nhưng cố tình kéo dài thời gian niêm yết cổ phiếu, chậm trễ công bố thông tin, gây hệ lụy không tốt cho cổ đông, nhà đầu tư.
Ngoài ra, việc chào bán cổ phiếu ra công chúng đang gặp phải một số vấn đề vướng mắc bởi cơ chế, chính sách như: Quy định chào bán dưới mệnh giá; DN bị lỗ thì không được chào bán ra công chúng. Có trường hợp, sau khi cổ phần hóa, DN ngoài việc phải thực hiện chế độ báo cáo, giải trình với UBCKNN về hoạt động trong quá trình sản xuất - kinh doanh vẫn chịu sự chi phối của các quy định về kiểm tra, giám sát như khi chưa cổ phần hóa. Vì vậy, đã có kiến nghị cần xem xét ban hành cơ chế giao UBCKNN làm đầu mối quản lý nhà nước đối với các DN nhà nước đã cổ phần hóa, tránh chồng chéo như hiện tại.
Bên cạnh lý do khách quan nêu trên, một số DN chưa muốn cổ phần hóa, niêm yết cổ phiếu bởi chưa có nhu cầu huy động vốn hoặc không thấy hết lợi ích của việc này; khả năng chuyển nhượng chứng khoán của các DN vẫn còn, số lượng và tỷ lệ cổ đông ngoài DN không cao.