MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu Bất động sản - sóng tăng chỉ mới bắt đầu?

Từ thời điểm tháng 10/2013 đến nay, nhóm cổ phiếu Bất động sản (BĐS) là một trong những nhóm nằm trong tốp dẫn đầu về thanh khoản trên thị trường.

Sau giai đoạn nhà đầu tư mua vào ồ ạt những cổ phiếu nóng mệnh giá thấp như FLC, HQC, HDG… thì đến thời điểm này, dòng tiền đã có dấu hiệu thay đổi xu hướng khi chuyển sang “quan tâm” tới những cổ phiếu Bất động sản có các yếu tố cơ bản tốt nhưng chưa tăng giá.

Xu hướng đầu tư cổ phiếu bất động sản

Từ thời điểm tháng 10/2013 đến nay, nhóm cổ phiếu Bất động sản (BĐS) là một trong những nhóm nằm trong tốp dẫn đầu về thanh khoản trên thị trường. Trong đó, hiện tượng tăng giá trở lại của nhóm cổ phiếu bất động sản có thị giá thấp đã trở thành một kênh thu hút, dẫn dắt dòng tiền nóng với giao dịch hết sức sôi động và đôi khi đi ngược cả thị trường chung để tăng giá.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì đã có những thay đổi đáng kể trong “khẩu vị” của nhà đầu tư. Họ đã khắt khe, kỹ càng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu. Thống kê sơ bộ cho thấy, các mã được lựa chọn thường theo các tiêu chí như thị giá thấp, thanh khoản cao; có kết quả kinh doanh dự báo là khả quan hoặc có biến chuyển từ xấu sang tốt trong thời gian tới; có các yếu tố cơ bản tốt, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng chưa thu hút được sự chú ý của dòng tiền do thanh khoản còn thấp.

Việc cổ phiếu nhóm BĐS tăng giá là do thu hút được “dòng tiền nóng” trên thị trường. Dòng tiền này liên tục luân chuyển giữa các mã trong nhóm với kỳ vọng đạt được mức lợi nhuận cao trong ngắn hạn đã tạo thành những “sóng lớn”. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại bắt nguồn từ chính những chuyển biến trong nội tại của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, với FLC, chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2013, giá của cổ phiếu này đã tăng 155% từ mức thấp nhất 4.900 đồng/đơn vị ở khoảng đầu tháng 11 lên mức cao nhất là 12.500 đồng/đơn vị trong phiên giao dịch ngày 20/12. Điểm mấu chốt của mức tăng trưởng về giá ấn tượng như vậy đến từ đến từ kết quả kinh doanh (KQKD) được đánh giá tương đối khả quan của FLC trong năm 2013.

Chỉ riêng quý 3, doanh thu thuần của FLC đã đạt gần 350 tỷ đồng, tăng mạnh 86%, qua đó nâng luỹ kế 9 tháng lên gần 1.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương mức tăng 150% so với cùng kỳ. Việc tăng mạnh doanh số giúp công ty có lãi sau thuế tăng đột biến lên mức 26 tỷ đồng trong quý 3 và 46 tỷ đồng sau 9 tháng và đạt mức tăng trưởng 630% so với cùng kỳ.

Với HQC, diễn biến giá của cổ phiếu này cũng có mức tăng 65% trong vòng gần 3 tháng kể từ mức giá 5.200 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất 8.600 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cuối tháng 12/2013. Doanh thu của HQC có sự cải thiện mạnh mẽ nhờ các dự án Cheery 1, 2. Riêng quý 3/2013 doanh thu thuần đạt 99,2 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng 15,12 tỷ đồng tăng mạnh so với mức lãi ròng hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ và nâng mức lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2013 lên gần 28 tỷ đồng, tăng 103% so với 9 tháng đầu năm 2012.

Trường hợp của HDG cũng tương tự như vậy, việc giá vốn giảm mạnh do chi phí lãi vay giảm khiến lợi nhuận cải thiện rõ nét. Doanh thu thuần 9 tháng đạt 567,72 tỷ, lợi nhuận ròng 57,4 tỷ đồng tăng 288% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến tích cực này đã khiến giá HDG tăng 91% trong vòng 3 tháng cuối năm 2013.

Và trong những phiên giao dịch cuối năm 2013 và đầu 2014, mã HLD của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLAND đã dần thu hút được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Nếu nói về hoạt động, công ty có lẽ là một trong những doanh nghiệp BDS có hiệu quả nhất ở khu vực phía Bắc với chỉ số tài chính được đánh giá là “đẹp và lành mạnh”. Về quy mô, HUDLAND có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, ở mức trung bình so với ngành hiện tại nhưng hoạt động hiệu quả nhờ được thừa hưởng những lợi thế từ sự hỗ trợ của Tổng công ty HUD.

Còn về mặt chiến lược, HLD tập trung khai thác các thị trường ngách với quy mô dự án vừa sức nhưng có tốc độ bán hàng rất nhanh nhờ công tác điều tra, đánh giá nhu cầu của khách hàng trong khu vực dự án được thực hiện một cách nghiêm túc. Công ty có một số dự án khá nổi bật như Khu biệt thự và liền kề Vân Canh, Palm Garden, Green House. Và hiện tại, cơ bản các căn hộ đã bán gần hết sản phẩm mà không phải hạ giá trong khi thị trường BDS nhìn chung vẫn còn tương đối trầm lắng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2012 của HLD đạt 97,7 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt 25% thực tế là mức trả cổ tức cao (do vùng giá giao dịch của cổ phiếu này trước đây chỉ ở mức 14-15.000 đồng/cổ phiếu). Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2013 đạt mức 48,4 tỷ đồng và theo dự báo của một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS thì khả năng doanh thu năm 2013 sẽ vào khoảng 450 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng hơn 100 tỷ đồng. Khi đó EPS dự kiến là 5.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù kết quả này là giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên đạt được như vậy cũng đã là rất ấn tượng so với mặt bằng chung của ngành.

Những dự báo năm 2014

Thị trường bất động sản đã và đang xuất hiện những tín hiệu chuyển mình khá tích cực khi tổng lượng tồn kho có chiều hướng giảm dần. Chính sách hỗ trợ thị trường BĐS của Chính phủ như giảm lãi suất cho vay, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất, hỗ trợ vốn và lãi suất vay mua nhà, tập trung thiết lập quỹ dự phòng, hỗ trợ gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng… sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp BĐS hồi phục trong năm 2014.

Kết hợp với những kinh nghiệm có được từ Thái Lan, giá cổ phiếu BĐS sau khủng hoảng đã tăng hơn 20 lần so với vùng đáy, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng trong năm 2014, giá cổ phiếu BĐS của Việt Nam sẽ là một trong những nhóm cổ phiếu có sức bật mạnh mẽ nhất.

Theo Hà Nguyễn

phuongmai

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên