MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu bị ETF loại: Chưa chắc đã xấu

Với những quyết định khó hiểu của hai quỹ hoán đổi danh mục (ETF) trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu có nên đầu tư theo ETF nữa hay không?

Hiện nay, khối ngoại vẫn tạo ra áp lực bán lên thị trường. Trong tuần thứ 2 của tháng 12, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên HSX và khoảng 75 tỷ đồng trên HNX.

Lực bán mạnh này tập trung tại các mã như VIC (-460 tỷ đồng), VCB (-81,6 tỷ đồng), PVD (-66,3 tỷ đồng), HQC (-45,8 tỷ đồng), MSN (-49 tỷ đồng). Trong tuần vừa qua, hai quỹ ETF cũng đã rút ròng hơn 350 tỷ đồng.

Thực tế, các quỹ ETF hoạt động tại Việt Nam vẫn đang chứng tỏ tầm ảnh hưởng đến nhà đầu tư nội, đặc biệt trong khoảng thời gian tái cơ cấu danh mục.

Nhìn chung, nhà đầu tư nội khá quan tâm đến danh mục sau kỳ xét lại vào cuối mỗi quý của FTSE Vietnam Index ETF và Vietnam Market Vectors ETF nhằm tìm kiếm lợi nhuận bất thường (abnormal return) từ các cổ phiếu thêm vào hay loại ra khỏi danh mục.

Điều này thể hiện qua việc từ 2011 đến nay, các công ty chứng khoán (CTCK) luôn đưa ra các dự báo cho kỳ tái cơ cấu danh mục của 2 quỹ, qua đó nhà đầu tư có thể hành động trước hoạt động mua và bán của 2 quỹ này.

Tuy nhiên, sau những bất ngờ thời gian gần đây, chẳng hạn việc "mua hớ" BID hay HHS, mã chứng khoán mà tất cả các CTCK đều cho rằng đủ điều kiện thêm vào danh mục FTSE ETF lại tiếp tục bị quỹ này "bỏ rơi" đã cho thấy việc đầu tư dựa trên 2 quỹ này không còn dễ dàng như thời gian trước đây.

Trước hết, những dự báo mà các CTCK đưa ra trong thời gian gần đây đều không khớp với hành động của ETF. Một câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư trong nước liệu có thể tiếp tục thực hiện "chiến lược ETF" được hay không?

Cụ thể, lợi nhuận đột biến đến từ việc thông tin cổ phiếu thêm vào danh mục được tận dụng trước 2 ngày thông tin chính thức công bố. Còn đối với cổ phiếu bị loại khỏi danh mục, khoảng thời gian này là 3 ngày sau khi công bố thông tin.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mặc dù bị loại nhưng trung bình mức lợi nhuận bất thường của các cổ phiếu này vẫn ghi nhận giá trị dương. Qua đó, có thể nhận xét rằng việc loại khỏi danh mục không phải là thông tin xấu với cổ phiếu như suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư.

Tương tự là lũy kế các khoản lợi nhuận bất thường, nhà đầu tư có thể nhận thấy trước ngày công bố thông tin (T=0), đồ thị tương đối thoải hơn và ít biến động, điều này cho thấy trạng thái nghi ngờ của nhiều nhà đầu tư và không mạo hiểm đầu tư theo dự báo kết quả cơ cấu danh mục của ETF.

Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy xu hướng cổ phiếu biến động khá mạnh trong vòng 3 ngày sau khi kết quả công bố đối với các mã thêm vào danh mục nhưng theo chiều hướng giảm dần do một số nhà đầu tư mua vào trước đó bắt đầu bán ra chốt lời.

Còn đối với thông tin cổ phiếu bị loại, đồ thị lũy kế lợi nhuận tiếp tục dẫn đến kết luận thông tin này không có tác động xấu đến giá cổ phiếu.

Để rõ hơn, nhà đầu tư có thể theo dõi 2 thời kỳ: năm 2011 - 2012 (thời điểm ETF bắt đầu tạo dấu ấn trên thị trường Việt Nam) và giai đoạn 2013 - 2015 (giai đoạn nhận thấy việc dự báo ETF bắt đầu có sự chênh lệch kết quả).

Trong giai đoạn 2011 - 2012, việc tìm kiếm lợi nhuận từ ETF thể hiện khá rõ khi mua vào và nắm giữ cổ phiếu thêm hay loại khỏi rổ trong khoảng thời gian (1 - 10 ngày) ngày đều có thể sinh lợi.

Tuy nhiên, từ giai đoạn 2013 - 2015, một điểm thú vị nghiên cứu này chỉ ra là hầu như việc mua và nắm giữ cổ phiếu vào rổ ETF thì tỷ suất sinh lợi khá thấp trong khi việc mua và nắm giữ cổ phiếu loại khỏi rổ lại tương đối cao.

Vẫn chưa có lý giải gì cho việc này. Gợi ý từ kết quả này có thể là việc mua bán của ETF đã diễn ra "khéo léo" hơn.

Nếu xem xét giữa các cổ phiếu thuộc danh mục FTSE ETF và VNM ETF thì nhà đầu tư sẽ nhận thấy diễn biến lũy kế lợi nhuận bất thường của các cổ phiếu thêm vào hay loại ra khỏi FTSE ETF không theo rõ ràng quy luật trong thời gian từ sau 2013 đến nay.

Vấn đề này có thể xuất phát từ việc bản chất 2 quỹ này khác nhau khi VNM ETF hoạt động như một quỹ ETF truyền thống và FTSE lại hoạt động theo phương pháp hỗn hợp (tức là có ứng dụng các sản phẩm phái sinh).

Chính vì phương pháp hoạt động khác nhau này nên mục tiêu chính của VNM ETF là 100% vận động theo Index đã được tạo ra, mua bán khối lượng lớn cổ phiếu theo kết quả cơ cấu lại danh mục mà không quan tâm đến giá trong khi FTSE lại mua bán khó đoán hơn.

Như vậy, với những kết quả thống kê có độ tin cậy chấp nhận được (90%) thì việc mua bán theo ETF vẫn còn có thể thực hiện được nhưng rõ rang khó khăn hơn.

Với những nhà phân tích chuyên nghiệp, trước diễn biến khó đoán của ETF, họ đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư là chỉ nên hành động sau khi ETF chính thức công bố kết quả tái cơ cấu danh mục và cổ phiếu bị loại khỏi danh mục chưa chắc sẽ diễn biến xấu (do trong nội dung này vẫn chưa giải thích được tại sao sau lợi nhuận lại đi ngược lại với thông tin bị loại khỏi danh mục nên không khuyến nghị mua vào những cố phiêu này) nên vẫn có thể cân nhắc mua vào, thậm chí có thể mua vào với giá rẻ khi mà VNM ETF sẽ bán mạnh vào phiên ATC trong ngày cuối cùng cơ cấu danh mục.

Cuối cùng, nhà đầu tư vẫn nên xem xét mua bán theo VNM ETF hơn là hành động dựa trên FTSE ETF vốn có cách thức hoạt động tương đối phức tạp.

Trên thị trường Việt Nam cũng có một số quỹ ETF nội vận động theo chỉ số VN30 cũng đang hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, đối với các quỹ ETF này do chênh lệch giữa NAV và giá chứng chỉ quỹ không cao nên rất khó tìm kiếm cơ hội kinh doanh chênh lệch giá.

Do đó, đây là sản phẩm tài chính chỉ giành cho những nhà đầu tư dài hạn, thụ động.

 

Theo LAM ANH

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên