MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 28/5: EIB nổi sóng, HHS bất ngờ “nhận bàn thua” vào phút cuối

Ngoài ra, FLC cũng thu hút sự chú ý với việc tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp sau khi chủ tịch Trịnh Văn Quyết đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu.

HHS: Giảm 900đ (3,1%) xuống 27.800đ

Thông tin giao dịch:

Trong khoảng thời gian gần đây, HHS là một trong những cổ phiếu “nóng” nhất trên thị trường với mức tăng điểm vượt trội. Với kết quả kinh doanh tích cực, không bất ngờ khi HHS thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư và thị giá đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm.

Phần lớn thời gian giao dịch của HHS diễn ra với mức giá xanh và ổn định quanh vùng giá 29.500đ. Mọi thứ có thể coi là “đẹp” với HHS cho tới những phút cuối cùng của phiên ATC. Kể từ thời điểm 14h40’, lệnh bán số lượng lớn với giá ATC đã được tung ra và điều đó đã khiến HHS kết phiên giao dịch trong sắc đỏ.

Đây là điều khá bất ngờ với HHS bởi mọi chuyện chỉ thay đổi chỉ trong 5 phút giao dịch cuối cùng, từ mức tăng trên 3%, cổ phiếu này đã quay đầu giảm 3,1%.

Thanh khoản HHS trong phiên đạt 2,4 triệu đơn vị, thấp hơn so với những phiên giao dịch gần đây. Điều này cho thấy áp lực cung lên HHS trong phiên giao dịch hôm nay là không thực sự lớn.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng đã giảm đà mua khi chỉ mua vào 18 nghìn đơn vị trong phiên và điều này là một phần nguyên nhân khiến HHS không có sự bứt phá trong phiên giao dịch hôm nay.

Thông tin đáng chú ý:

Hiện tại, Mutual Fund Elite đang là cổ đông ngoại lớn nhất tại Hoàng Huy với tỷ lệ sở hữu 7,27%. Cổ đông ngoại lớn thứ 2 tại doanh nghiệp này là The Ton Poh Thailand Fund hiện đang sở hữu 5,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,32% cổ phần tại Hoàng Huy.

Theo KQKD tháng 4 được công bố, HHS ghi nhận 529,2 tỷ đồng doanh thu và 54,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong đó công ty mẹ HHS có doanh thu 185,5 tỷ đồng, LNST đạt kỷ lục 32,6 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà HHS mẹ từng đạt được (trước đó mức cao nhất là tháng 11/2014 với lợi nhuận 28,2 tỷ đồng).

 

EIB: Tăng 800đ (Tăng trần) lên 13.200đ

Thông tin giao dịch:

Phiên giao dịch hôm nay tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng với nhiều mã tăng điểm mạnh, điều này đã góp công lớn trong việc đưa Index tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay.

Cũng giống như phiên giao dịch trước đó khi ACB “nổi sóng”, bộ 3 VCB, CTG, BID đã không còn là tâm điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch hôm nay. Thay vào đó là sự xuất hiện của EIB khi cổ phiếu này đã tăng trần và là cổ phiếu duy nhất trong nhóm ngân hàng có mức tăng ấn tượng như vậy.

Giao dịch của EIB là khá ấn tượng ngay từ đầu phiên giao dịch và ngay trong buổi sáng, cổ phiếu này đã tăng hết biên độ lên 13.200đ và những diễn biến tích cực đó vẫn được duy trì đến hết phiên giao dịch.

Khối lượng giao dịch EIB đạt gần 1,9 triệu đơn vị, khá cao so với khối lượng giao dịch thường thấy ở EIB. Hết phiên giao dịch, EIB vẫn còn dư mua giá trần, điều này cho thấy lực cầu dồn vào EIB là khá mạnh.

Thông tin đáng chú ý:

Theo báo cáo tài chính của Eximbank, đến hết quý 1/2015 ngân hàng đạt tổng tài sản 145 nghìn tỷ đồng, giảm 16 nghìn tỷ tương đương 10% so với cuối năm 2014. Cho vay khách hàng (tín dụng) giảm 5,6% với dư nợ 82.264 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 2% ở mức xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng.

Theo thông tư 02 về trích lập dự phòng thì trong quý 1, Eximbank không trích lập dự phòng rủi ro và số dự phòng quý 1/2015 sẽ được ghi nhận trong báo cáo tài chính riêng quý 2/2015 của ngân hàng.

Nhờ vậy, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 545 tỷ đồng ở quý 1, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương đương và đạt 422 tỷ đồng.

Về nợ xấu, Eximbank có hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm hơn 100 tỷ so với cuối năm 2014 và chiếm 2,47% trên tổng dư nợ.

 

FLC: Tăng 600đ (Tăng trần) lên 9.500đ.

Thông tin giao dịch:

Sau khi thị trường chung tạo đáy vào giữa tháng 5, nhìn chung mặt bằng các cổ phiếu đều tạo đáy theo và có nhịp hồi phục khá tốt. FLC, cổ phiếu có tính đầu cơ rất cao trên thị trường cũng không nằm ngoài quy luật đó và đã có tăng mạnh sau khi tạo đáy 7.500đ vào ngày 18/5.

Tuy vậy, FLC chỉ thực sự giao dịch bùng nổ trong 2 phiên giao dịch gần đây với việc tăng trần 2 phiên liên tiếp cùng thanh khoản khá lớn. Trong phiên giao dịch hôm qua là 19 triệu và hôm nay là hơn 25 triệu đơn vị được giao dịch. Kết phiên giao dịch, FLC vẫn còn dư mua với số lượng lớn gần 14 triệu đơn vị tại mức giá trần cho thấy lực cầu vào FLC là rất lớn.

Vì có tính thị trường cao nên thông thường đà tăng, giảm của FLC cũng đi theo VnIndex. Do đó, nếu thị trường chung còn diễn biến tích cực trong thời gian tới thì khả năng giảm điểm của FLC không được giới đầu tư đánh giá cao.

Thông tin đáng chú ý:

Thông tin đáng chú ý nhất với FLC là việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu FLC. Thời gian giao dịch dự kiến từ 1/6 đến 1/7/2015, phương phức giao dịch là thoả thuận và khớp lệnh. Đây có lẽ là thông tin khiến FLC tăng mạnh trong 2 phiên gần đây.

Trước giao dịch, ông Quyết nắm giữ 31.673.040 cổ phiếu, tương ứng 8,45% vốn điều lệ. Như vậy, khi thực hiện xong giao dịch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của mình lên mức 15,12% vốn điều lệ, tương ứng với 56.673.040 cổ phiếu FLC.

Ngày 15/5/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn số 2292/UBCK-QLPH chấp thuận phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% từ nguồn vốn chủ sở hữu của CTCP Tập đoàn FLC.

Theo BCTC quý 1 mới được công bố, FLC đạt doanh thu thuần 651,8 tỷ đồng, lãi ròng 83,48 tỷ đồng tăng tương ứng 81% và 138,86% so với cùng kỳ năm 2014.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên