MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 6/5: PVD tăng cùng giá dầu, OGC giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp

Trong đêm qua, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 trên sàn Nymex (WTI) đã tăng lên trên 60 USD/thùng và đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2015 và điều này đã tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu dầu khí.

PVD: Tăng 1.500đ (2,7%) lên 56.500đ

Thông tin giao dịch:

Trong bối cảnh thị trường giao dịch ảm đạm, không mấy tích cực như hiện nay thì ngược lại nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt PVD lại có những diễn biến khá tích cực và đóng vai trò nâng đỡ thị trường trong phiên giao dịch hôm nay.

Kết thúc phiên giao dịch, PVD tăng 2,7% lên 56.500đ, khối lượng giao dịch của PVD đạt 1,12 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào hơn 470 nghìn đơn vị PVD. Nhìn chung, thanh khoản PVD đã cải thiện hơn so với phiên giao dịch trước tuy nhiên vẫn dưới ngưỡng trung bình 20 phiên giao dịch gần nhất.

Kể từ giai đoạn đầu tháng 4 tới nay, PVD đã liên tục tăng điểm cùng với sự hồi phục của giá dầu thế giới. Tính chung, PVD đã tăng trưởng 33% kể từ khi tạo đáy. Hiện tại, PVD đang tiệm cận ngưỡng kháng cự ngắn hạn tương ứng vùng giá 58.000đ.

Thông tin đáng chú ý:

Thông tin đáng chú ý nhất với nhóm cổ phiếu dầu khí là việc giá dầu thế giới liên tục hồi phục trong thời gian gần đây. Trong đêm qua, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 trên sàn Nymex (WTI) đã tăng lên trên 60 USD/thùng và đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2015.

Mới đây, PV Drilling thông báo sẽ mua tối đa 2 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch được thực hiện từ 23/04/2015 đến 23/05/2015.

 

OGC: Giảm 200đ (Giảm sàn) xuống 3.400đ

Thông tin giao dịch:

Ngay từ những phút đầu phiên giao dịch, cổ phiếu OGC đã tiếp tục bị bán sàn và trong suốt cả phiên, cổ phiếu này chỉ giao dịch tại một mức giá đó. Với diễn biến tiêu cực này, OGC đã có phiên giao dịch thứ 4 liên tiếp giảm sàn.

Mức giá 3.400đ hiện tại tiếp tục là mức giá thấp nhất của OGC kể từ khi niêm yết và OGC đã liên tục thiết lập “kỷ lục” đáng buồn này trong thời gian qua.

Khối lượng khớp lệnh của OGC tiếp tục duy trì ở mức rất thấp với chỉ gần 250 nghìn đơn vị, trong khi đó, lượng dư bán sàn của cổ phiếu này lại lên đến gần 13 triệu đơn vị. Điều này cho thấy áp lực bán lên OGC là rất lớn.

Thông tin đáng chú ý:

Trước quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng của Ngân hàng nhà nước, một công ty chứng khoán đã đánh giá rằng, Tập đoàn Đại Dương có khả năng sẽ mất 2.944 tỷ đồng. Hiện OceanGroup đang sở hữu trực tiếp 20% cổ phần tại Oceanbank.

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2014 được công bố, OGC đã ghi nhận khoản lợi nhuận 404,4 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ) - tăng mạnh so với 55,4 tỷ đồng năm 2013. Đáng lưu ý, mặc dù là kết quả kinh doanh hợp nhất, đây chỉ là kết quả tạm tính khi OGC chưa ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh quý 4/2014 của công ty liên kết là Ngân hàng Đại Dương.

Mới đây, OGC công bố đã bán 2,46 triệu cổ phần OCH của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương, giảm số lượng cổ phần nắm giữ từ 133,46 triệu đơn vị (66,73% vốn điều lệ) xuống còn 131 triệu đơn vị, tương đương 65,5% vốn điều lệ OCH.

Hoàng Anh

Hoàng Anh Tú

Tài chính Plus

Trở lên trên