MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu: Sức hấp dẫn cuối năm

Trong sự tăng điểm chung của thị trường chứng khoán, sức nóng cổ phiếu vẫn tập trung ở một số ngành.

Bất động sản

Mặc dù diễn biến giá của nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) đã không còn nóng sốt như các tháng 6, 7, nhưng nhìn chung, đây vẫn là nhóm cổ phiếu có tăng trưởng cao hơn đà tăng của chỉ số thị trường. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng "cổ phiếu BĐS đã nhận được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực".

Thông tư 08 về nhà ở xã hội khiến phân khúc có quy mô nhỏ và vừa tiếp tục thu hút khách. Đặc biệt, dự thảo liên quan đến nới lỏng điều kiện sở hữu BĐS cho người nước ngoài, Việt kiều và tài sản hình thành trong tương lai có thể được dùng để thế chấp đã mở ra những hứa hẹn tăng trưởng mới cho thị trường BĐS.

Theo báo cáo tổng hợp của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch BĐS thành công tăng cao, đạt hơn 4.000 giao dịch tại Hà Nội và 4.100 giao dịch tại TP.HCM. Tính ra, tỷ lệ hấp thụ tại 2 thị trường này đều tăng mạnh ở mức 17% tại TP.HCM và 14% ở Hà Nội.

Với lượng tiêu thụ cải thiện đó, tổng giá trị hàng tồn kho ở thị trường BĐS đã giảm 35% so với cùng kỳ 2013. Các doanh nghiệp BĐS cũng tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 277.469 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2013.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được đẩy nhanh tiến độ cho vay với số vốn cam kết đến tháng 5 là 3.954 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.760 tỷ đồng cuối năm 2013 và số tiền đã giải ngân là 2.156 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BĐS tăng 64,9% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD.

Ở dòng vốn đầu tư gián tiếp, Mutual Fund Elite gây chú ý khi gom mạnh cổ phiếu BĐS như DIC, DIG thuộc DIG Group; HQC của Địa ốc Hoàng Quân; Fecon (FCN); An Dương Thảo Điền (HAR); Vạn Phát Hưng (VPH). Hay quỹ cổ phiếu BĐS của Saigon Asset Management (SAM) đã đạt tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) trong 6 tháng 2014 là 25,8% trong khi VNIndex chỉ 15,6% tính theo USD.

Dầu khí

Gần đây, tâm điểm của thị trường luôn là nhóm cổ phiếu dầu khí. Trong tháng qua, khi VN-Index hay HNX-Idex chỉ đạt tăng trưởng chưa tới 0,5% thì nhóm cổ phiếu năng lượng, bao gồm cổ phiếu dầu khí đạt tăng trưởng về giá lên tới 47%.

Các cổ phiếu như PVS (Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam), PVE (Tư vấn thiết kế Dầu khí), PVG (Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Bắc), PVC (Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí), PGS (Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Nam)... liên tục bứt phá.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân của sự bứt phá mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu dầu khí là vì nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu dầu khí sẽ được hưởng lợi lớn từ các siêu dự án có giá trị hàng chục tỷ USD sắp sửa đổ vào Việt Nam. Đơn cử, Exxon Mobil - tập đoàn năng lượng Mỹ đang xúc tiến các bước để phát triển mỏ Cá Voi Xanh, trị giá 20 tỷ USD.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng rất yên tâm khi thấy tất cả các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn diễn ra ổn định và đúng tiến độ. Đặc biệt, việc PVN công bố kế hoạch đầu tư 100.000 tỷ đồng cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong năm 2014, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong ngành.

Thực tế, các doanh nghiệp dầu khí như GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam), PVC, PGS, CNG (CNG Việt Nam)... đều có kết quả kinh doanh rất khả quan. Lợi nhuận quý 2/2014 của PVC tăng thêm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ do Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận được chia hơn 65 tỷ đồng từ Công ty TNHH Dung dịch khoan M-I Việt Nam.

Được biết, thông qua hai công ty con là DMC WS (PVC sở hữu 100%) và M-I Việt Nam (PVC sở hữu 51%), PVC hiện giữ vị thế độc quyền cung cấp dung dịch khoan trong nước và được hưởng lợi rất lớn từ việc tăng tiền đầu tư 100.000 tỷ đồng của PVN.

Hay PVS cũng là đơn vị hưởng lợi lớn từ kế hoạch tái cấu trúc của PVN. Riêng PGS hưởng lợi trực tiếp khi phân phối khí CNG ra thị trường thông qua việc đầu tư vào Công ty CNG Việt Nam (307 tỷ đồng) với ưu đãi về thuế doanh nghiệp và thuế cổ tức.

Với Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), các giàn khoan mà công ty sở hữu đều hoạt động với hiệu suất cao (đạt 98 - 99%) với giá cho thuê theo ngày tăng 15% so với cùng kỳ 2013.

Số lượng giàn khoan thuê tăng trưởng mạnh. Vì thế, doanh thu 6 tháng 2014 của PVD đã tăng mạnh trên 52% và lợi nhuận gộp của PVD cũng tăng trên 30%. PVD, PVS, PVC đều có lợi nhuận 6 tháng vượt 80% kế hoạch năm đề ra.

Dệt may

Hiện tại, dù Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn trong vòng đàm phán nhưng ngành dệt may đang rất được kỳ vọng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng tháng 7, dệt may đã vượt qua điện thoại và linh kiện để trở thành nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (12,4 tỷ USD).

Sang những tháng cuối năm 2014, khi nhu cầu mua sắm phục vụ các dịp lễ ở các thị trường nói trên tăng lên, giới chuyên gia tin rằng, cơ hội để các doanh nghiệp dệt may tiếp tục bứt phá là lớn. Cụ thể, những doanh nghiệp dệt may niêm yết lớn như May Thành Công ( TCM), GMC (May Sài Gòn) đều đã có đủ đơn hàng để sản xuất đến hết năm 2014. GMC còn lên kế hoạch sản xuất cho đến tháng 5-2015.

Xét hiệu quả lợi nhuận, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn hưởng lợi từ việc giá các nguyên liệu đầu vào như bông, sợi, vải trên thế giới tiếp tục đi xuống. Điển hình, giá bông kỳ hạn giao tháng 12/2014 trên thị trường Hoa Kỳ đã giảm 24% so với đầu năm.

Khi bông và các nguyên liệu khác trong chuỗi sản xuất như sợi, vải được kéo giảm, các doanh nghiệp ngành may như Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), May Phú Thịnh - Nhà Bè (NPS) sẽ hưởng lợi theo. Với triển vọng nhiều thuận lợi đó, cổ phiếu dệt may được đánh giá sẽ còn tiếp tục hấp dẫn.

Theo NGỌC THỦY

thanhhuong

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên