MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu "tồn kho"

Các công ty chứng khoán có thể có một lượng cổ phiếu tự doanh "bất đắc dĩ", mà đã như vậy thì khi có cơ hội sẽ phải lập tức xả hàng, thu tiền về.

Tại một số thời điểm, khi thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực, cổ phiếu tăng giá, lại xuất hiện thống kê về hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Nhưng thử đặt vấn đề, vài năm qua, các công ty gần như hạn chế hoạt động tự doanh, vậy tại sao vẫn có thể xuất hiện trong những thời điểm "nóng" của thị trường?

Chẳng hạn, hồi tháng 3, khi Vn-Index chạm ngưỡng 500 điểm, đã có những số liệu cho thấy bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán mua ròng. Còn trong tháng 5 vừa qua, khi Vn-Index vượt 500 điểm, lại có thống kê cho thấy hiện tượng chốt lời của khối tự doanh.

Đi tìm mục đích

Nói đến tự doanh hiệu quả, SSI là cái tên đầu tiên được nhắc đến, nhưng thực tế công ty này đã tách biệt hoạt động tự doanh sang công ty quản lý quỹ từ rất lâu. Cách đây vài tháng, lãnh đạo của VNDirect, một công ty chứng khoán trước đây cũng có thế mạnh về tự doanh, cũng tuyên bố sẽ chỉ dành vài chục tỷ đồng cho tự doanh.

Một công ty chứng khoán cũng có thế mạnh trong tự doanh là Kim Long (KLS) nhưng thị trường ngày càng nhiều rủi ro thì công ty này cũng sẽ buộc phải thận trọng hơn. Một số công ty chứng khoán lớn khác đã công bố định hướng tập trung cho môi giới, không tiến hành tự doanh. Còn với các công ty chứng khoán nhỏ, duy trì được hoạt động đã khó nói gì đến "thừa tiền" để "lướt sóng" trên thị trường.

Các con số thống kê cũng có thể chỉ ra sự thu hẹp trong hoạt động tự doanh. Giá trị giao dịch ròng (mua ròng hoặc bán ròng) của khối tự doanh các công ty chứng khoán thì giá trị cũng không lớn, trong tháng 5, các giá trị này dao động chỉ ở mức vài chục tỷ đồng mỗi tuần. Duy nhất chỉ có tuần từ ngày 6 - 10/5, giá trị bán ròng của tự doanh đạt hơn 140 tỷ đồng. Đầu tư trên thị trường thì ngày một khó khăn, trong khi chi phí để có thể duy trì bộ phận tự doanh hiệu quả cũng không phải là thấp.

Câu hỏi đặt ra ở đây là các giao dịch tự doanh ít ỏi trên thị trường, ngoài mục đích tìm kiếm lợi nhuận, vốn cũng ít ỏi, còn có mục đích nào khác hay không? Công ty chứng khoán đã hạn chế tự doanh, tức là hạn chế bỏ tiền ra mua vào, thì tại sao vẫn có cổ phiếu để bán ra, cổ phiếu đến từ đâu? Có thể nguồn cung cổ phiếu vẫn còn từ hoạt động những năm trước đây, mặc dù hạn chế nhưng cũng không có nghĩa là dừng hẳn tự doanh, cũng có mua vào bán ra đều đặn nên cũng sẽ có cổ phiếu. Tuy nhiên, còn một giả thiết khác cũng rất đáng chú ý.

Dùng tự doanh để xử lý giải chấp?

Trở lại với thời điểm 3, 4 năm trước đây, khi đó hoạt động cấp margin (giao dịch ký quỹ) của các công ty chứng khoán chưa được luật hóa, nên dẫn đến việc đua nhau cấp margin quá trớn, thị trường đảo chiều giảm điểm, dẫn đến áp lực giải chấp lớn.Cũng vì điều này, nên xử lý tài khoản margin thế nào cũng không đơn giản, và có rất nhiều cách để xử lý.

Một trường hợp xảy ra khá nhiều là công ty chứng khoán bán hết tài sản đảm bảo của khách hàng (ở đây là cổ phiếu) vẫn không thể lấy lại được số vốn đã cấp cho khách hàng do thị trường giảm quá nhanh. Nếu tiến hành bán ra, công ty chứng khoán sẽ bị mất vốn. Rồi cũng có trường hợp cổ phiếu bị mất thanh khoản, hoặc công ty chứng khoán đua lệnh không kịp lên cũng không thể giải chấp.

Chưa kể, nếu bán ra thì hạch toán thua lỗ cũng rất nặng nề. Những trường hợp này dẫn đến việc công ty chứng khoán có một lượng cổ phiếu tồn kho. Để xử lý lượng cổ phiếu tồn kho này, các công ty có nhiều cách, như tiếp tục thoả thuận với khách hàng để từng bước thu hồi nợ, chuyển số cổ phiếu sang tài khoản tự doanh.

Các công ty chứng khoán có thể có một lượng cổ phiếu tự doanh "bất đắc dĩ", mà đã như vậy thì khi có cơ hội sẽ phải lập tức xả hàng, thu tiền về. Vậy nên, khi công ty chứng khoán bán ra cổ phiếu tự doanh cũng có thể xem là động thái gián tiếp để xử lý cổ phiếu đã không thể giải chấp những năm trước đây.

Cũng liên quan đến câu chuyện tồn kho cổ phiếu, tại một số công ty chứng khoán, một số trường hợp khách hàng trước đây sử dụng margin đến lúc giá giảm mạnh không thể bán ra cổ phiếu để trả nợ nên cũng bỏ luôn tài khoản. Các công ty chứng khoán hoặc còn đang trong thời hạn cấp margin hoặc vì lý do nào đó không thể xử lý hết số cổ phiếu này.

Nhưng đến khi thị trường tăng điểm lại, nhiều cổ phiếu tăng giá trở lại, giúp cho các tài khoản "tồn kho" cổ phiếu trước đây gia tăng giá trị, có khi hòa vốn hoặc chỉ lỗ nhẹ. Nhờ vậy, nhà đầu tư cũng quay trở lại tiến hành bán ra để trả nợ công ty chứng khoán, rồi lại tiếp tục đầu tư, khách hàng và công ty từ chỗ lạnh nhạt lại tay bắt mặt mừng.

Theo Khiêm An

phuongmai

Thời báo kinh doanh

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên