MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Con dại cái mang"

Một khi chức năng kiến tạo lợi nhuận không còn, thì việc "khai tử" hay "bỏ rơi" đều không quá khó hiểu.

Trong hoạt động kinh doanh, việc một công ty mở các chi nhánh hay công ty con là điều không có gì lạ lẫm. Thực tế cho thấy, các công ty con làm được nhiều điều hơn là việc chỉ đơn thuần mang lại lợi nhuận cho công ty mẹ. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Không ít trường hợp, công ty con vướng phải những rắc rối làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cũng như hoạt động của công ty mẹ. "Con dại cái mang", cách xử lý của các công ty mẹ trong trường hợp này như thế nào? Chúng ta hãy cùng điểm qua 2 vụ kiện cáo gần đây liên quan đến 2 công ty con của Quốc Cường Gia Lai (QCG) và Công nghệ Tiên phong (ITD).

Yêu cầu phá sản có dễ?

Theo kết quả phiên xét xử sơ thẩm gần đây giữa Ngân hàng ACB và CTCP Thiết bị điện Thạch Anh (QEC) - công ty con của ITD, QEC thua kiện và tòa án buộc phải trả 53 tỷ đồng cho nguyên đơn là Ngân hàng ACB. Tất nhiên phía bị đơn không đồng ý với một phần phán quyết của tòa án và quyết định kháng cáo. 

Liên đới của ITD trong vụ kiện này là không thể phủ nhận. Đáng buồn thay, đó lại là trách nhiệm mà ITD phải gánh với vai trò là công ty mẹ của QEC, đã có các cam kết riêng trước đó trong việc QEC vay nợ ACB. 

Theo đó, cùng với CTCP Cơ điện Thạch Anh (một công ty con của ITD, cùng với ITD góp vốn vào QEC), ITD sẽ phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo thỏa thuận tại các thư bảo lãnh đã ký đầu tháng 12/2010. Trong tuyên bố tại ĐHCĐ trước đó, trước chất vấn của cổ đông, đại diện ITD cho biết trong trường hợp ACB không bán được hoặc bán dưới giá trị các tài sản thế chấp của QEC thì ITD sẽ phải thanh toán phần còn thiếu.

"Phần còn thiếu" là bao nhiêu, tài sản thế chấp là gì, khả năng thanh khoản thế nào.... đều không được tiết lộ. Chỉ có điều, ảnh hưởng của vụ việc này đến ITD không phải là nhỏ. Tổng khoản lỗ lớn nhất từ QEC có thể dự đoán là 111 tỷ đồng, chưa tính đến phần phải trả với Arteche và phần bảo lãnh tín chấp với ACB, ITD cho biết. 

Một nội dung quan trọng nữa đã được quyết định trong phiên ĐHCĐ thường niên 2013 của ITD. Đó là quyết định phá sản đối với QEC. Quyết định này được đưa ra không ngoài mục đích ngăn chặn tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của QEC đến kết quả kinh doanh của ITD. Tuy nhiên, nội dung này đã không còn mới mẻ. Còn nhớ, tại phiên họp bất thường của HĐQT ITD cuối tháng 9/2012, việc này đã được đưa ra một lần, cùng với quyết định bán, chuyển nhượng các tài sản của QEC đã thế chấp, cầm cố để thanh toán các khoản nợ của QEC được đảm bảo bằng các tài sản đó. 

Rõ ràng, vụ việc đã không được giải quyết triệt để. Việc cắt cơn đau không đơn giản như kế hoạch của ITD, mặc dù kế hoạch này đã cố "đi trước một bước". Đến cuối tháng 5/2013, tức sau đó 8 tháng, ACB mới quyết định khởi kiện QEC xung quanh khoản vay của công ty này với ACB. 

Thoái vốn, ai là người nhận chuyển nhượng?

Trước lùm xùm của công ty con là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nhà Quốc Cường, QCG đã có quyết định mạnh mẽ và dứt khoát, thoái vốn khỏi Nhà Quốc Cường (QCN). Mặc dù trước đó, khi biên bản án sơ thẩm được đưa ra, buộc QCN phải đền bù cho khách hàng, Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT QCG cho biết sẽ kháng cáo.

Khoản tiền QCN phải trả khách hàng thực ra không quá lớn: 258 triệu đồng. Khoản lỗ năm 2012 của QCN cũng không quá trầm trọng: 953 triệu đồng. Tuy nhiên, vốn góp của QCG vào Nhà Quốc Cường là không nhỏ chút nào, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay của QCG: 90% vốn điều lệ, tương đương 36 tỷ đồng.

Quyết định rút khỏi QCN là một quyết định khôn ngoan. Bằng cách này, QCG sẽ tránh được những ảnh hưởng của những vụ kiện cáo (có thể có) sắp tới. Bản án phúc thẩm quyết định bất lợi hay không cho QCN, từ nay cũng sẽ hoàn toàn không liên quan đến QCG. Và, mặc dù không nói ra, dù ít dù nhiều, việc chuyển nhượng vốn cũng sẽ đem lại cho QCG một khoản tiền nhất định, điều mà QCG thực sự đang rất cần. Điều đáng quan tâm, đối tượng và giá chuyển nhượng vốn trong thương vụ này không được phía QCG tiết lộ. 

Như vậy, trước "khủng hoảng" của công ty con, mỗi doanh nghiệp lại chọn cho mình một giải pháp riêng. Và dường như, không có giải pháp nào là "trọn nghĩa vẹn tình" được cả. Dù sao đi nữa, khi thành lập một công ty con, một doanh nghiệp luôn kỳ vọng công ty có thể gánh hộ một vài mảng hoạt động, mang lại lợi nhuận cho toàn doanh nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp. Một khi chức năng đó không còn, thì việc "khai tử" hay "bỏ rơi" đều không quá khó hiểu. 

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên