MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán đua nhau phát hành trái phiếu

Có thể kể tên các công ty chứng khoán đã và sẽ tiến hành phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân như Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Quản lý quỹ đầu tư Trí Việt (TVC), Chứng khoán Sài Gòn (SSI)…

- Các công ty chứng khoán ồ ạt phát hành trái phiếu nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của thông tư 36 lên hoạt động kinh doanh.

- Phát hành trái phiếu cho ngân hàng và các tổ chức tài chính tuy có lãi suất thấp, nhưng lại yêu cầu có tài sản đảm bảo.

- “Tận dụng” nguồn tiền nhàn rỗi trong thị trường từ các nhà đầu tư cá nhân, các CTCK đã phát hành nhiều đợt trái phiếu cho các đối tượng này.


Ngày 27/4/2015 vừa qua, Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã tiến hành ĐHCĐ thường niên thành công với việc thông qua toàn bộ các tờ trình.

Không nằm trong nội dung tờ trình được thông qua, một thông tin được chú ý không kém là việc công ty này bỏ ngỏ khả năng phát hành trái phiếu. Giá trị phát hành lên tới 1.000 đến 1.200 tỷ đồng (chia làm nhiều đợt). Thông tin về đối tượng, thời gian phát hành, khả năng chuyển đổi, thời hạn trái phiếu phát hành…. chưa được công bố cụ thể.

Trước đây, trong trả lời phỏng vấn với chúng tôi, ông Lê Đắc An – Giám đốc đầu tư chứng khoán Tân Việt (TVSI), một CTCK cũng đã phát hành thành công trái phiếu cho nhà đầu tư – cho rằng việc CTCK trực thuộc một ngân hàng mẹ phát hành trái phiếu có thể có sự ảnh hưởng từ thông tư 36 với nội dung siết chặt nguồn vốn cho vay đầu tư chứng khoán. Với các CTCK này, việc ưu tiên vay vốn từ các ngân hàng mẹ để sử dụng cho các hoạt động ký quỹ, từ lâu đã là một lợi thế so với các CTCK khác trên thị trường. Ảnh hưởng của thông tư 36, gần như ngay lập tức tác động lên nguồn tiền kinh doanh của các CTCK.

Ngày 24/4 vừa qua, SSI đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất thấp cho một trong những tổ chức có uy tín cao của Việt Nam – thông báo từ SSI cho hay. Với ưu điểm phát hành cho tổ chức tài chính, SSI đã thương lượng được mức lãi suất hấp dẫn. Việc một ngân hàng mua trái phiếu của công ty chứng khoán không bị xếp vào các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, vì vậy không bị giới hạn bởi điều khoản của thông tư 36.

Như vậy, trong năm 2015 SSI đã phát hành tổng cộng 800 tỷ đồng trái phiếu cho các đối tác. Trong đó 500 tỷ đồng phát hành đầu năm cho các cá nhân.

Không phải CTCK nào cũng có thể phát hành trái phiếu cho các tổ chức tài chính như SSI đã làm. Tuy nhiên đó chưa hẳn vấn đề của các CTCK. Để đổi lấy lãi suất thấp, trái phiếu phát hành cho các tổ chức tài chính thông thường buộc phải có tài sản đảm bảo. Nếu phát hành cho nhà đầu tư cá nhân, tài sản bảo đảm là không cần thiết. Điều khoản về tài sản đảm bảo có vẻ không giảm sức hấp dẫn của trái phiếu các CTCK.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên viên phân tích cho biết, trái phiếu của CTCK hấp dẫn chủ yếu nhờ vào quyền linh động cầm cố. Ví dụ, là nhà đầu tư có tài khoản tại CTCK phát hành trái phiếu, trái chủ có thể cầm cố trái phiếu đó để đầu tư chứng khoán. Trái phiếu của CTCK, vì vậy, giống như một khoản tiết kiệm khá linh động, khi nhà đầu tư vừa có thể thu được lợi nhuận, vừa có thể “rút ra” để mua cổ phiếu. Hình thức này hấp dẫn hơn hẳn việc giữ tiền mặt trong tài khoản mà không sinh lợi.

Trái phiếu dạng này hấp dẫn đến mức, đơn cử, VCBS đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân sau 200 tỷ đồng trái phiếu lần 1 cũng với đối tượng này. Việc VCBS phát hành trái phiếu thành công ngay cả khi công ty chưa hoàn thành báo cáo kiểm toán năm 2014, chứng tỏ sức hút của loại hình huy động vốn mới mẻ này.

Chứng khoán Tân Việt, sau khi phát hành thành công 184 tỷ đồng trái phiếu cho 56 nhà đầu tư, cũng “xin phép” ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành trái phiếu vay vốn từ các cá nhân, tổ chức trong thời gian tới. ĐHCĐ thường niên 2015 đã thông qua kế hoạch này, mặc dù chưa có phương án chi tiết.

Có thể kể tên các công ty chứng khoán đã và sẽ tiến hành phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân như Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Quản lý quỹ đầu tư Trí Việt (TVC), Chứng khoán Sài Gòn (SSI)…

Gần đây, ĐHCĐ chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đã thông qua việc công ty này được phép huy động vốn theo hình thức vay từ cổ đông với số tiền không quá 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là một hình thức huy động vốn từ các tổ chức phi tài chính. Vì vậy, đặc điểm trái phiếu của Chứng khoán Bản Việt có thể mang nhiều đặc điểm giống như trái phiếu phát hành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Đan Nguyên

Minh Thư

Tài chính Plus

Trở lên trên