Có nhiều kiến nghị được đưa ra, như khi tăng vốn điều lệ
nên để Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM có thông báo chấp thuận giao dịch
cổ phiếu trước, còn Sở Kế hoạch và Đầu tư ra giấy phép kinh doanh thay
đổi sau; tỷ lệ nhà đầu tư tham dự đại hội cổ đông nên là 51% thay cho
65% như quy định của Luật Doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục mở tài
khoản cho nhà đầu tư nước ngoài.
Các công ty còn cho rằng yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải
có lý lịch tư pháp sẽ làm mất rất nhiều thời gian. Họ cũng kiến nghị nới
rộng thời gian công bố báo cáo tài chính quí, năm... Những kiến nghị
khác chủ yếu xoay quanh việc công bố thông tin, công bố báo cáo tài
chính, nói rộng ra là sự minh bạch của thị trường.
Thực ra việc thực hiện thông tư mới về công bố thông
tin đã được UBCKNN chuẩn bị từ trước. Nhưng đến thời điểm này, nó
bỗng trở thành vấn đề được quan tâm bởi độ tin cậy của báo cáo tài
chính quí 4-2008, của cả năm 2008 trước và sau kiểm toán của một số
doanh nghiệp ngày càng giảm sút.
Những báo cáo lời giả lỗ thật, trước kiểm toán
thì lời, sau kiểm toán thì lỗ, hoặc trước kiểm toán lãi nhiều, sau
kiểm toán lãi ít đã làm “thâm thủng” lòng tin của nhà đầu tư. Câu
chuyện thể chế hóa lòng tin bằng những quy định chặt chẽ hơn trở
thành đòi hỏi bức xúc.
Ban đầu UBCKNN dự định báo cáo tài chính quí của
công ty niêm yết phải được kiểm toán soát xét. Nhưng khổ nỗi công ty
niêm yết có tới 350 đơn vị, mà doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện
được UBCKNN chấp thuận chỉ có mười mấy, kiểm toán quá tải là chắc
chắn.
Rốt cuộc, theo thông tư mới, chỉ có báo cáo bán niên
(sáu tháng) phải có soát xét của kiểm toán và báo cáo năm phải công
bố ý kiến của kiểm toán đi kèm. Thời hạn công bố báo cáo tài
chính cũng được nới lỏng: báo cáo quí trong vòng 30 ngày (từ trước
đến nay là 25 ngày); báo cáo bán niên 45 ngày và báo cáo năm 100
ngày.
Một điểm quan trọng khác của thông tư mới là công ty
niêm yết định kỳ sáu tháng phải báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được
từ đợt chào bán chứng khoán.
Có không ít doanh nghiệp đã sử dụng
không hiệu quả thặng dư từ các đợt phát hành cổ phiếu, thậm chí đã
biến thặng dư thành gánh nặng như đầu tư tài chính và thua lỗ.
Thông tư mới về công bố thông tin phù hợp hơn với
thực tế, song dường như nó vẫn chỉ là những bổ sung cho cái khung
của các quy định về công bố thông tin trước đây.
Điều mà các doanh
nghiệp và nhà đầu tư chờ đợi là một tinh thần mới trong công bố thông
tin, ngăn ngừa những sai phạm trong lĩnh vực này, thì thông tư mới đã
không toát lên được.
Trường hợp Bông Bạch Tuyết là một thí dụ. Ba năm
liền báo cáo tài chính có kiểm toán sai lệch, hậu quả chỉ có nhà
đầu tư hứng chịu, còn xử lý công ty kiểm toán, doanh nghiệp niêm yết
ra sao, đến giờ vẫn chưa rõ ràng.
Việc xử phạt các vi phạm về công bố thông tin cho đến
nay vẫn chủ yếu mang tính hành chính, phạt vài chục triệu đồng,
không đủ sức răn đe. Vì sao không có những quy định cụ thể với những
mức xử phạt nghiêm khắc hơn cho các sai phạm về công bố thông tin?
Xử lý sai phạm phải dựa trên cái khung thể chế hóa
lòng tin. Chẳng hạn, nếu có sự chênh lệch về số liệu trong báo cáo
tài chính trước và sau kiểm toán có thể bắt buộc doanh nghiệp đó
năm sau phải kiểm toán báo cáo tài chính từng quí. Và nếu sai phạm
lặp lại đến lần thứ hai, có thể hủy niêm yết. Nộp báo cáo tài
chính chậm mà không có lý do chính đáng có thể bị phạt hàng tỉ
đồng...
Mức phạt nặng sẽ buộc các doanh nghiệp phải chuyên
nghiệp hóa việc công bố thông tin, chuyên nghiệp hóa nghiệp vụ kế
toán. Với nhiều công ty niêm yết, việc công bố thông tin chưa được coi
trọng đúng mức. Chỉ khi nào bị xử lý nặng nếu sai phạm, họ mới
thấm thía cái giá phải trả.
Hiện nay, các thủ thuật trong báo cáo tài chính
được sử dụng ngày một tinh vi hơn. Có những khoản chi chỉ được doanh
nghiệp quyết toán vào cuối năm, nên mới có tình trạng ba quí đầu năm
làm ăn có lãi, quí 4 bỗng nhiên lỗ nặng nề.
Một số khoản thu, lợi
nhuận, thay bằng hạch toán đúng như thực tế, đã được dành cho năm
sau, để chia bớt lãi, để san sẻ lỗ, hoặc để nộp thuế ít hơn.
Tất cả các hành động đó đều ít nhiều nhắm đến
mục tiêu giữ cho giá cổ phiếu hoặc không tăng, hoặc không giảm theo ý
doanh nghiệp, đúng hơn là theo ý muốn của lãnh đạo doanh nghiệp, làm
lệch lạc giá trị công ty.
Trong khi nhà đầu tư trông chờ vào tính
trung thực của các báo cáo tài chính và thông tin công bố, các quy
định về công bố thông tin chưa đủ sức định hướng và chế tài các
doanh nghiệp hướng tới mục tiêu cuối cùng này.
Theo Hải Lý
TBKTSG