MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau những con số đột biến trong KQKD của các công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ bởi doanh thu môi giới quý 2 tăng tới 142% từ 71 tỷ đồng lên 172 tỷ đồng – cao nhất thị trường

Báo cáo tài chính quý 2/2015 của hầu hết các công ty chứng khoán trên thị trường đã được công bố, trong đó kết quả kinh doanh của một số công ty chứng khoán lớn ghi nhận những con số đột biến so với cùng kỳ năm 2014.

Bất ngờ doanh thu môi giới của Bản Việt

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã khiến các nhà đầu tư bất ngờ bởi doanh thu môi giới quý 2 tăng tới 142% từ 71 tỷ đồng lên 172 tỷ đồng – cao nhất thị trường. Thị phần môi giới của công ty này trên HOSE đã tăng từ 5,14% trong quý 2/2014 lên 7,99% trong quý này, còn trên HNX, VCSC lọt vào top 10 với thị phần gần 4%.

Theo BCTC thì tính đến cuối quý 2/2015, quy mô margin của Bản Việt đã tăng thêm 300 tỷ và đạt mức 1.293 tỷ đồng (VCSC ghi nhận trong phần hoạt động giao dịch ký quỹ tại khoản mục đầu tư ngắn hạn). Việc tăng quy mô margin là một chiếc chìa khóa giúp các CTCK thu hút khách hàng.

Bên cạnh đó, giá trị giao dịch toàn thị trường trong quý 2/2015 tăng 12% so với quý 2/2014 cũng là nguyên nhân thúc đẩy doanh số môi giới của VCSC khi thị phần tăng lên.

VCSC vốn là một công ty chứng khoán không cạnh tranh bằng phí khi phí giao dịch của họ có phần cao hơn so với các công ty chứng khoán khác. Nhưng với lợi thế riêng, chứng khoán Bản Việt kiếm được những hợp đồng tư vấn đầu tư cho khách hàng lớn, và thu phí từ những giao dịch quy mô lớn của các khách hàng này.

Tương tự như VCSC, doanh thu môi giới của chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng đã tăng vọt từ 13 tỷ lên hơn 30 tỷ. Điều này không chỉ diễn ra trong quý 2/2015 mà đã diễn ra từ các quý trước khi công ty này đẩy mạnh mảng môi giới bằng việc tăng số lượng nhân viên đồng thời tung ra những gói margin có quy mô lớn và lãi suất thấp hơn đối thủ.

Đột biến doanh thu bảo lãnh phát hành của VCBS

Trong khi đó, công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) lại có sự đột biến tại mảng bảo lãnh phát hành. Doanh thu bảo lãnh phát hành của VCBS riêng trong quý 2/2015 là 68,1 tỷ đồng – chiếm gần một nửa tổng doanh thu và là nguyên nhân chính giúp cho doanh thu của VCBS tăng 110%.

Năm ngoái, có thể thấy sự có mặt của VCBS trong những hợp đồng bảo lãnh phát hành cổ phiếu ra công chúng của những doanh nghiệp có truyền thống tăng vốn rất nhiều là Tập đoàn FLC (mã: FLC), Công ty Cổ phần Liên doanh đầu tư Quốc tế KLF (mã: KLF)… và năm nay là CTCP Nông dược H.A.I (mã: HAI). Theo VCBS, doanh thu từ những hợp đồng này được ghi nhận vào mảng tư vấn. Trong nửa đầu năm nay, VCBS đã có doanh thu bảo lãnh phát hành đột biến nhờ những hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu quy mô lớn với Masan, Sungroup, Vneco...

3 công ty chứng khoán BSC, VPBS và TechcombankSc cũng là những tên tuổi lớn trong mảng tư vấn và bảo lãnh phát hành. Trong đó, doanh thu tư vấn của BSC trong quý 2/2015 đã tăng hơn 107% và đạt hơn 23 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm tăng 140%. Doanh thu tư vấn của VPBS tăng ít hơn, chỉ gần 70% nhưng con số tuyệt đối cao hơn với 32,4 tỷ doanh thu.

Riêng TechcombankSc, vốn ghi nhận các khoản doanh thu từ tư vấn, bảo lãnh phát hành vào “doanh thu tư vấn” nhưng trong quý 2/2015 đã tách biệt. Theo đó, doanh thu tư vấn chỉ có 1,1 tỷ nhưng doanh thu bảo lãnh phát hành chứng khoán quý 2 là 45 tỷ. Dù vậy, tổng 2 khoản này vẫn chỉ bằng một nửa của quý 2 năm trước.

Các công ty chứng khoán mạnh về tư vấn, bảo lãnh phát hành đều có ngân hàng mẹ đứng sau và được hưởng lợi từ mối quan hệ tín dụng của ngân hàng mẹ với các khách hàng lớn. Dường như trong quý 2 vừa qua, những CTCK có ngân hàng mẹ là ngân hàng có vốn sở hữu nhà nước đã chiếm ưu thế hơn.

Và một điểm nhấn nhỏ trong mảng tự doanh từ IBSC

Một công ty chứng khoán “nhỏ” nhưng đã trở nên nổi tiếng gần đây là chứng khoán IBSC (mã: VIX) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của mảng tự doanh. Như chúng tôi đã từng đề cập từ cuối năm trước, VIX nổi tiếng với hình ảnh của một cổ đông lớn “lướt sóng” đối với khá nhiều cổ phiếu trên sàn. Trong năm 2015, VIX cùng với Công ty quản lý quỹ Vietinbank và CTCP SCI (mã: S99 – CTCP Sông Đà 909 trước đây) tiếp tục đi theo con đường này và đã đạt được thành quả. Theo đó, riêng quý 2, doanh thu tự doanh của VIX tăng 69% lên hơn 34 tỷ đồng – đóng góp 84% vào tổng doanh thu của công ty.

Theo ông Ngô Phương Chí – chủ tịch HĐQT của IBSC, việc công ty đầu tư ngắn hạn những cổ phiếu trên sàn là một trong các khâu của chuỗi chiến lược đi từ IB – môi giới – tự doanh theo định hướng hoạt động của IBSC, và đó không phải là “lướt sóng”.

Bảo Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên