MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu giá cổ phần trọn lô: Cần sớm có khung pháp lý

Rất nhiều DN và các Bộ, ngành, TCty vừakiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sớm nghiên cứu ban hành khungpháp lý cho cơ chế đấu giá cổ phần trọn lô.

Nếu thực hiện được cơ chế này như một mũi tên bắn 3 đích: Vừa giải quyết được bài toán thoái vốn ngoài ngành của các DNNN, đẩy nhanh quá trình CPH, Nhà nước thu được nhiều tiền hơn. Quan trọng hơn là khi nhà đầu tư mua cổ phần trọn lô, họ có cơ hội trở thành nhà đầu tư chiến lược….

“E ngại” vì vốn nhà nước lớn

Thời gian qua, hàng loạt các DN, TCty Nhà nước khi IPO được DN, giới đầu tư quan tâm sát sao. Tuy nhiên, dù giá bán có tốt đến mấy thì điều họ mong muốn nhất là quá trình chuyển giao vốn nhà nước tại DN thực sự thay đổi. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đặt câu hỏi liệu có thể là một ông chủ trong một bộ máy quản trị DN sau CPH hay vẫn chỉ là "bình mới, rượu cũ"? Vai trò nhà đầu tư như thế nào, có quyết định hay không?

Trường hợp Vietnam Airlines là một ví dụ, với vốn điều lệ hơn 14 nghìn tỷ đồng, vốn Nhà nước trên 10 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ cổ đông Nhà nước sau CPH vẫn là 75%. Như vậy, số cổ phần bán ra công khai qua IPO chỉ có trên 3,4%. Rồi một lượng lớn cổ phần của  Viglacera. Mặc dù ngành vật liệu xây dựng không cần Nhà nước nắm giữ nhưng vẫn có tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tới 91,48% vốn điều lệ. Khối lượng bán ra cho người lao động chỉ chiếm 0,55% vốn điều lệ, cho các cổ đông khác cũng chỉ chiếm 7,97% vốn điều lệ...

Đấu giá hơn 5,5 triệu cổ phần nhưng Cảng Nha Trang chỉ bán một số ít cho các nhà đầu tư nhỏ, ế gần 90% số cổ phần mang đi đấu giá. Cảng biển Hải Phòng và một số cảng biển khác khi IPO cũng chịu chung số phận khi không có nhà đầu tư chiến lược nhòm ngó. Cảng Quảng Ninh vừa đưa ra đấu giá 11,3 triệu cổ phần, song khi đấu giá chỉ bán được 7,5% số này và thu về trên 9 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - một nhà đầu tư chia sẻ, thực sự các nhà đầu tư rất e ngại sự chi phối của Nhà nước vẫn còn quá lớn sau CPH, nên cổ phần Viglacera dù bán nhỏ giọt nhưng vẫn ế. Và chỉ bán được hơn 19,4 triệu cổ phần, đạt 25% tổng số cổ phần đưa ra đấu giá.

Ông Hùng nhấn mạnh, rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phần những DN trong lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ vốn. Chính vì tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước vẫn còn áp đảo đã khiến cho các nhà đầu tư lớn e ngại. Bởi với họ, mục tiêu đầu tư là phải tham gia vào khâu quản trị DN, tái cơ cấu để tăng hiệu quả DN sau CPH.

Còn ông Nguyễn Văn Hải - Tổng Giám đốc kiểm toán AVA cho biết, nếu 100 DNNN CPH mà mỗi DN chỉ bán có vài ba %, thậm chí 10% vốn thì không bằng 20 DN nhưng bán 100% vốn Nhà nước. Do đó, việc thoái vốn của các DNNN, các TCty khỏi DN gặp vô cùng khó khăn, cho dù số lượng DN CPH ngày càng  nhiều …

Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép áp dụng cơ chế bán đấu giá trọn lô trong thời gian sớm nhất.

“Ngoài việc vốn Nhà nước tại DN chiếm tỷ lệ áp đảo khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà thì khung pháp lý cho việc thoái vốn cho DNNN vẫn chưa có” - Đây cũng là nguyên nhân gây cản trở cúa trình thoái vốn đồng thời dẫn tới CPH bị ế nặng trong thời gian vừa qua, TS Nguyễn Đình Cung-Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý KTTW khẳng định.

Theo ông Cung, chủ trương thoái vốn ngoài ngành là rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc thoái vốn cần có cơ chế hợp lý hơn để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho DN, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư đối với một số dự án đầu tư quan trọng mang tính chiến lược…

Đấu giá trọn lô - một mũi tên bắn ba đích

Qua thực tiễn tư vấn cho các DN thoái vốn, đại diện Cty CK Phố Wall cho biết, vì chưa có quy định pháp lý cho phép các DN bán cổ phần trọn lô, nên đã làm chậm tiến độ thoái vốn. Mặt khác các DN khó bán vốn, nếu bán được thì khó đạt giá cao. Ngoài “nút thắt” chưa có cơ chế đấu giá trọn lô, theo  Cty CK Phố Wall, một số quy định pháp lý chưa rõ, hoặc còn thiếu cũng đang khiến cho hoạt động thoái vốn của các DN gặp khó. Cụ thể như khi DN thoái vốn tại các quỹ đầu tư thì phải đấu giá chứng chỉ quỹ, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể nên DN khó mà thực hiện.

Theo ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ Giao thông Vận tải, để thúc đẩy nhanh quá trình CPH, thoái vốn Nhà nước tại các DN trực thuộc, bộ này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý cho cơ chế đấu giá cổ phần trọn lô. Nếu thực hiện được cơ chế này như một mũi tên bắn ba đích, đó là vừa giải quyết được bài toán thoái vốn ngoài ngành diễn ra nhanh hơn, Nhà nước thu được nhiều tiền hơn, mà quan trọng hơn là khi nhà đầu tư mua cổ phần trọn lô, họ có cơ hội trở thành nhà đầu tư chiến lược. Sự xuất hiện của họ tại DN sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới quản trị, công nghệ, giúp DN hoạt động hiệu quả hơn sau khi Nhà nước thoái vốn.

Theo ông Minh, từ thực tế CPH ở Bệnh viện GTVT cho thấy, chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT một số các cơ chế ưu đãi cho bệnh viện như: Được kế thừa một loạt chính sách ưu đãi đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong lĩnh vực y tế công lập, trong đó có việc thuê đất, miễn tiền thuê đất; thuế suất thu nhập DN 10% trong suốt thời gian hoạt động. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì nguồn ngân sách cấp chi thường xuyên hàng năm cho bệnh viện này để trả lương cho người lao động (25 tỷ đồng/năm) trong vòng ba năm sau khi CPH. Đồng thời đề xuất bệnh viện GTVT được áp dụng cơ chế tính giá viện phí đặc thù, phù hợp với chi phí đầu vào thực tế và do HĐQT bệnh viện quyết định… Chính nhờ tính tăng ưu đãi này mà CPH của bệnh viện GTVT diễn ra rất nhanh và được nhiều nhà đầu tư ngoại săn mua.

Để tháo gỡ khó khăn đang phát sinh trong quá trình DN thoái vốn, ông Trần Hữu Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép áp dụng cơ chế bán đấu giá trọn lô trong thời gian sớm nhất.

 

Bán cả lô không có nghĩa là bán tống, bán tháo

 

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục phó Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính:

CPH mà chỉ bán vài phần trăm vốn Nhà nước thì chỉ mất thời gian, không hiệu quả. Vì vậy, nên bán trên 51%, thậm chí cả 100% với những đơn vị không cần nắm cổ phần nào của Nhà nước.

Thực tế, đúng là vừa qua với một số DN lớn, đã có NĐT quan tâm và tỏ ý muốn “ôm” cả lô, chứ không muốn mua lẻ tẻ, nhưng bán cả lô không có nghĩa là sẽ bán tống, bán tháo mà phải chọn đúng nhà đầu tư có năng lực, nguồn lực.

Điều được cần chú ý là việc bán trọn lô cổ phần DNNN phải tuân thủ điều kiện chặt chẽ để tránh bán rẻ giá vốn, gây thất thoát cho Nhà nước. Cục Tài chính DN sẽ xuống từng đơn vị DN đang còn vướng mắc trong việc CPH để tháo gỡ. Song, lộ trình để bán và tìm cổ đông chiến lược cũng sẽ mất thời gian. Bộ Tài chính sẽ gấp rút nghiên cứu về cơ chế bán trọn lô để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Cụ thể, đối với những DNNN thuộc danh mục, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ vốn như dệt may… thì không có lý do gì phải giữ lại, mà sẽ bán với khối lượng lớn để NĐT có đủ khả năng mạnh dạn bỏ tiền vào mua. Mua được lượng lớn cổ phần, NĐT nắm quyền điều hành, quản trị trong tay thì họ mới mạnh dạn “xuống” tiền.

Tuy nhiên, vì chưa có quy định pháp lý cho phép các DN bán cổ phần trọn lô, nên một mặt làm chậm tiến độ thoái vốn, mặt khác các DN khó bán vốn, nếu bán được thì khó đạt giá cao. Ngoài ra, điều mà nhà đầu tư đang quan tâm, là họ cần lịch biểu rõ ràng. Hơn nữa, để chủ động lựa chọn, nên công bố thông tin sớm hơn thì thu hút vốn tốt hơn. Cùng với đó cần thể chế hóa, buộc các DNNN gắn đấu giá với giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán để dễ dàng chuyển nhượng, chứ lâu nay vẫn tồn tại tình trạng, DN đấu giá xong rồi mới đưa lên sàn giao dịch thì đọng vốn. Vì thế, cũng cần có chế tài xử lý đối với DN CPH xong nhưng thờ ơ, không niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán. Do vậy, tới đây, cũng sẽ đổi mới cách tìm, chào bán cổ phần cho cổ đông để hút NĐT, tránh tâm lý không thiện cảm, thiếu thông tin như lâu nay.

Nếu không để nhà đầu tư tham gia quản trị, CPH sẽ rất chậm

 

 

Ông Hoàng Nguyên Học - Phó Tổng giám đốc TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC):

Năm 2015, SCIC phải thoái vốn tại hơn 300 DN, trong đó có trên 100 Cty đại chúng và niêm yết. Thế nhưng, 3 tháng đầu năm 2015, SCIC mới bán được 22 DN, từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ rất nặng nề, vì tính ra trung bình phải bán 1 DN/ngày thì mới hoàn thành mục tiêu đề ra. Thực sự là SICIC rất đau đầu khi bán được 1 DN.

Hiện theo quy định tại Quyết định số 51 của Thủ tướng, SCIC được bán cổ phần tại các  DN kinh doanh thua lỗ thấp hơn mệnh giá. Có thể nói, cơ chế này tạo sự linh hoạt, dễ dàng hơn khi bán vốn. Nhưng khó khăn rất lớn khi có DN, SCIC chỉ bán  được với giá có 500 đồng/cổ phần.

Cũng theo quy định, Thủ tướng yêu cầu SCIC mua lại cổ phần của các DN hoặc mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, điều kiện để mua lại khi DN bán đấu giá không được, bán thỏa thuận không xong. Và chỉ mua lại khi NHNN không xử lý được, không nhận về và không bán chỉ định cho ngân hàng thương mại nào được.

Ngoài ra Thủ tướng yêu cầu xem xét mua theo tinh thần đầu tư kinh doanh vốn phải có hiệu quả, có lãi. Nhưng SCIC phải mua lại DNNN sau khi nhà đầu tư khác không mua, đây cũng là một nguyên nhân khiến CPH của các DN nhà nước bị ế và quá trình thoái vốn gặp nhiều khó khăn.

Hiện còn hơn 10 DN mà SCIC đã bán vốn, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước tại những DN này còn khá cao, nhưng rất khó để bán tiếp. Nếu Thủ tướng Chính phủ, rồi Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý cho phép bán đấu giá trọn lô, tôi nghĩ các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao, kể cả với những DN đã niêm yết…

Hiện nay có những DN thông báo bán 49% cổ phần nhưng nhà đầu tư yêu cầu phải bán cao hơn và đòi mua 51%. Thiết nghĩ, Nhà nước cần phải "mở" hơn, nếu không để nhà đầu tư tham gia quản trị, việc CPH sẽ rất chậm. Và việc đấu giá trọn lô cổ phần sẽ khiến DN hào hứng tham gia hơn, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp muốn nắm giữ cổ phần chi phối.

 

Theo Phương Hà

 

PV

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên