MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều ít biết về 10 thương vụ M&A đáng chú ý nhất 2014

Không nhiều những chi tiết xung quanh các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) được công bố rộng rãi ra truyền thông.

Cùng BizLIVE và Nhóm nghiên cứu M&A Vietnam Forum điểm lại những thông tin quan trọng về 10 thương vụ M&A đáng chú ý nhất trong năm 2014 vừa qua.

Sữa Ba Vì – Vinacapital và Quỹ Daiwa PI Partners (Nhật Bản)

Tập đoàn VinaCapital, Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và Daiwa PI Partners – nhà đầu tư tài chính hàng đầu Nhật Bản, công bố hoạt động hợp tác mới nhất. Theo đó, VOF và Daiwa PI Partner liên kết đầu tư chiến lược và dài hạn vào CTCP Sữa Quốc Tế (IDP).

Với tổng giá trị đầu tư khoảng 45 triệu USD (trong đó VOF đóng góp 80%), VOF và Daiwa PI Partners sẽ là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 70% cổ phần của IDP.

IDP được biết đến với thương hiệu sữa tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn và sữa chua uống nhãn Ba Vì, Love’in Farm và Love’in Farm KUN.

Kinh Đô – Mondelèz International (Mỹ)

Theo thông báo của Mondelez, Tập đoàn đã mua lại 80% số vốn của công ty Kinh Đô, chuyên chế biến bánh, kẹo, với giá 370 triệu USD.

Mondelez International là một công ty hàng đầu của Hoa Kỳ trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất sôcôla, bánh quy, kẹo cao su, kẹo, cà phê và đồ uống dạng bột, bao gồm nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Oreo, Chips Ahoy!, Milka, Cadbury… với tổng doanh thu hàng năm đạt gần 36 tỷ USD. Mondelēz International nắm giữ số 1 vị trí trên toàn cầu trong sản xuất bánh quy, sô cô la, kẹo, đồ uống và giữ vị trí số 2 trong kẹo cao su và cà phê.

 

Hiện nay, Mondelēz International cũng là đơn vị thu mua lượng lớn cà phê của Việt Nam.

Theo thông báo của Mondelez, Tập đoàn đã mua lại 80% số vốn của công ty Kinh Đô, chuyên chế biến bánh, kẹo, với giá 370 triệu đô la. Khoản đầu tư vào bánh kẹo của Kinh Đô chính là khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn này tại thị trường Việt Nam.

Metro Việt Nam và Tập đoàn Berli Jucker (BJC)

Ngày 7/8, Tập đoàn Metro (Đức) đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. BJC mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam, tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan.

Câu chuyện thành công của Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy và tăng cường với năng lực hoạt động hiệu quả và khả năng mở rộng thị trường của tập đoàn BJC. Về phía BJC cũng tin tưởng đây là bước ngoặt đưa BJC lên vị trí mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực Đông Nam Á.

Metro có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Hiện Metro Cash & Carry Việt Nam có 19 trung tâm trên cả nước với 3.600 nhân viên, đạt doanh thu 516 triệu euro trong tài khóa 2012-2013.

Ocean Group – Vin Retail

Ngày 3/10, Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC) công bố đã bán 100% cổ phần tại CTCP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail). Trong đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) đã mua lại 70% cổ phần và đổi tên thành CTCP Siêu thị VinMart.

Ocean Retail hiện đang quản lý chuỗi 9 siêu thị bán lẻ Ocean Mart và 4 cửa hàng tiện lợi Ocean Mart Express. Trong đó, Ocean Mart có 2 siêu thị quy mô lớn đặt tại 2 khu phức hợp Times City và Royal City của Vingroup.

Power Buy – Nguyễn Kim

Nguyễn Kim, một trong những chuỗi kinh doanh điện máy lớn nhất Việt Nam, đã được một công ty trực thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group mua lại 49% cổ phần.

Một nguồn tin đã tiết lộ rằng Power Buy, một công ty kinh doanh chuỗi điện máy hàng đầu Thái Lan thuộc tập đoàn Central Group, đã đầu tư vào Nguyen Kim Trading Joint Stock Co. (Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Kim) – đơn vị đang sở hữu một chuỗi trung tâm kinh doanh hàng điện máy lớn trong cả nước.

Như vậy Central Group là đơn vị nối tiếp Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan thâu tóm các hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam.

FPT -  RWE Slovakia

FPT đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn RWE về việc mua lại Công ty RWE IT Slovakia (đơn vị thành viên của Tập đoàn RWE).

Theo thỏa thuận này, RWE IT Slovakia sẽ trở thành công ty 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi tên thành FPT Slovakia.

RWE IT Slovakia được thành lập năm 2004, hiện có trên 400 nhân viên, trong đó phần lớn là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực SAP (các giải pháp quản trị nguồn lực).

Là đơn vị thành viên của tập đoàn RWE, RWE IT Slovakia  tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là các giải pháp SAP và “Smart Home” cho công ty mẹ.

Cũng theo thỏa thuận trên, RWE sẽ trở thành khách hàng lớn nhất của FPT Software tại thị trường châu Âu với hợp đồng trị giá nhiều chục triệu USD trong vòng 5 năm.

Đường Biên Hòa sáp nhập với đường Ninh Hòa

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) đã thông qua phương án nhận sáp nhập CTCP Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1.

Theo đó, BHS sẽ sở hữu 100% NHS theo phương thức phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu NHS đang lưu hành theo tỷ lệ 1:1. Sau khi hoán đổi cổ phiếu, CTCP Đường Biên Hòa sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất 100% vốn điều lệ của NHS và CTCP Đường Ninh Hòa sẽ được đăng ký chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên. 

Theo thông tin từ lãnh đạo của BHS, sau thương vụ sáp nhập này, BHS sẽ có vùng nguyên liệu tăng gấp đôi lên 23,500 ha, công suất thiết kế nhà máy của BHS dự kiến sẽ tăng lên đến 11,700 tấn mía/ngày (TMN). Ngoài ra, BHS sẽ đứng thứ hai về quy mô vốn và sản xuất trong tổng số 38 doanh nghiệp đường đang hoạt động.

FIT – TSC Cần Thơ

7/2014, Công ty Cổ phần Đầu tư F.I.T (mã FIT) đà hoàn tất việc góp vốn đầu tư vào Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC).

Việc góp vốn đầu tư đã được HĐQT F.I.T thông qua ngày 21/07/2014 với hình thức mua 7,5 triệu cổ phần TSC phát hành riêng lẻ. Tổng giá trị đợt góp vốn là 75 tỷ đồng đã đưa F.I.T chính thức trở thành cổ đông lớn của TSC.

Ban điều hành F.I.T hiện đang tiếp tục xúc tiến đàm phán với các cổ đông khác của TSC để nâng sở hữu của F.I.T tại TSC lên trên 75%. Và nếu nắm giữ thành công tỷ lệ này, TSC sẽ trở thành công ty con của F.I.T.

Kinh Đô – Vocarimex

Năm 2014, thực hiện chiến lược tăng trưởng, Kinh Đô tập trung một số thương vụ đầu tư lớn có thể kể đế như mua cổ phần tại Vocarimex, đầu tư vào Phin Deli và hợp tác toàn diện với Sài Gòn Vewong.

Vocarimex là công ty chiếm lĩnh thị trường dầu ăn với tỉ lệ cổ phần nắm giữ đáng kể trong một số công ty con và công ty liên kết, theo đó về mặt hợp nhất công ty chiếm 76% thị phần bán lẻ. Hầu hết doanh thu lợi nhuận là từ hợp nhất và công ty mẹ chỉ sở hữu một nhà máy chế biến và chiếm thị phần nhỏ trên thị trường bán lẻ.

KDC đã trở thành cổ đông chiến lược của Vocarimex. Theo bản công bố thông tin vừa được công bố thì cổ đông chiến lược của Vocarimex gồm có KDC (24% cổ phần) và Công ty chứng khoán VPBS (8% cổ phần). Với mức giá khởi điểm đấu giá là 11.300 đồng/cp thì số tiền mà KDC bỏ ra sẽ vào khoảng hơn 330 tỷ đồng.

Smartlink và Banknetvn

Ngày 22/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2327/QĐ-TTg chấp thuận cho hưởng miễn trừ tập trung kinh tế sau sáp nhập đối với Banknetvn và Smartlink.

Thời hạn được hưởng miễn trừ tập trung kinh tế là 5 năm và tự động gia hạn sau mỗi 5 năm nếu các bên tham gia tập trung kinh tế không vi phạm các điều kiện và nghĩa vụ cho hưởng miễn trừ.

Có thể nói, đây là điều kiện quan trọng nhất cho phép hai công ty thực hiện được việc ký kết Hợp đồng sáp nhập, hoàn tất các thủ tục cuối cùng để Công ty sau sáp nhập có thể đi vào hoạt động trong Quý I/2015.

Quyết định miễn trừ tập trung kinh tế được cấp cho hai công ty do việc sáp nhập là cần thiết để tạo dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và vì lợi ích của mọi tầng lớp dân cư Việt Nam.

Theo ĐẶNG MINH

PV

BizLive

Trở lên trên