MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đoán xem cổ phiếu JVC ngày đầu tuần sẽ như thế nào?

Trao đổi với một lãnh đạo của JVC, chúng tôi được biết, trụ sở số 18 vốn là phòng khám đa khoa phục vụ cho xe khám lưu động nhưng đang được sửa chữa để nâng cấp. Hiện văn phòng của công ty đã chuyển sang địa chỉ số 36 BT5 - KĐT Pháp Vân

3 phiên giao dịch cuối tuần qua, với những thông tin không chính thống và có tính chất tiêu cực được lan truyền trên thị trường chứng khoán liên quan đến hoạt động của CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (mã: JVC), cổ phiếu này đã giảm sàn liên tiếp với khối lượng dư bán lên đến hàng triệu đơn vị.

Đến ngày 13/06/2015, bằng văn bản trên website của công ty, CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật mới có thông báo chính thức về những tin đồn nói trên. Theo đó, văn bản này cho biết công ty vẫn đang hoạt động bình thường. Trong dự án đầu tư mua sắm thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, JVC là đơn vị cung cấp dịch vụ sau bán hàng, hiện đang trong giai đoạn chấm thầu, chưa có kết quả và hiện nay, JVC không nhận được bất kỳ khiếu nại nào về dự án này.

Thứ 2 sẽ cháy hàng hay call margin?

Sau 3 ngày “hoảng loạn” vì sự nhiễu loạn thông tin, các cổ đông của JVC mới có thể thở phào nhẹ nhõm phần nào khi đã có một thông tin chính thức. Tuy nhiên, do tin ra vào cuối tuần, nhà đầu tư chưa thể hành động ngay, sự nghi ngờ vẫn đang chất đống và trên các diễn đàn tiếp tục nổ ra các cuộc tranh luận về tính thật, giả của thông tin trên cùng diễn biến giá cổ phiếu JVC trong ngày thứ 2 tới.

Những người đang giữ cổ phiếu này và không thể bán được trong 3 phiên vừa qua, đã không khỏi vui mừng, tin rằng có khả năng vào thứ 2, cổ phiếu JVC sẽ “cháy hàng” do nỗi lo được giải tỏa. Thực tế đã có nhà đầu tư liên hệ với những người muốn bán để đặt mua JVC sau khi tin được công bố.

Nhưng không thể không thừa nhận rằng, với áp lực tâm lý trong 3 phiên qua, rất nhiều người đã muốn thoát hàng ngay và luôn trong thứ 2. Thông tin công bố như một liều thuốc tinh thần để họ kỳ vọng có thể bán được vào phiên này. Một số người thận trọng hơn, cho biết sẽ bán ¾ số lượng cổ phiếu đang nắm và giữ lại ¼ để “nương theo gió” trong những ngày sau đó.

Một ý kiến khác cho rằng, dù JVC đính chính thông tin như thế nào thì vào thứ 2, muốn thoát hàng cũng phải là người may mắn và kiên quyết bán sàn bởi vì nguyên nhân chính khiến cổ phiếu này rơi vào tình trạng dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị như trên là do các công ty chứng khoán đã cắt margin của cổ phiếu JVC.

JVC vốn được đánh giá là một cổ phiếu có cơ bản tốt, được nắm giữ bởi nhiều tổ chức lớn như DI Asian Industrial Fund, Dragon Capital, Vietnam Equity Holding… Thanh khoản của JVC luôn tính bằng số lượng triệu cổ phiếu.

Chính vì thế, tỷ lệ cho vay margin đối với cổ phiếu này tại các công ty chứng khoán đều khá lớn.

Khi tin đồn không tích cực được lan truyền, một loạt các CTCK đã cắt margin đối với JVC. Điều đó càng tạo nên sự lao dốc của cổ phiếu. Và vào thứ 2, áp lực call margin vẫn rất lớn do nhà đầu tư còn đang phân vân trong hành động và lực cầu chưa có ngay để đẩy giá cổ phiếu lên. Khi cổ phiếu bị call margin, lượng hàng đổ vào thị trường lại tiếp tục tạo nên một lượng cung lớn và cổ phiếu chưa thể “hồi sức” nếu không có một lượng cầu áp đảo.

Lượng cầu này có thể kỳ vọng từ đâu?

Với tỷ lệ nắm giữ lớn (đi kèm sự thiệt hại lớn khi cổ phiếu lao dốc), các nhà đầu tư tổ chức của JVC và cả chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng (người đang nắm giữ 13,3 triệu cổ phiếu) được kỳ vọng là các đối tượng tạo nên lực cầu để … cứu giá cổ phiếu.

Một bài học đắt giá

Trong những ngày “khủng hoảng JVC” xảy ra, dù chỉ trong 3 ngày nhưng điều khó hiểu nhất chính là sự im lặng của Ban lãnh đạo JVC. Thông tin “cóp nhặt” ban đầu, và cũng không chính thức là Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng đang đi công tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, trên một trang tin điện tử đã đăng các bức ảnh chụp trụ sở chính của CTCP Thiết Bị Y Tế Việt Nhật tại địa chỉ Biệt thự số 18 - BT5 - KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội - cũng chính là phòng khám đa khoa Việt Nhật, đang đóng cửa và dán một mảnh giấy có nội dung "Phòng khám đang sửa chữa". Điều này càng tạo nên sự nghi ngờ đối với nhà đầu tư về việc hoạt động của công ty bị ngừng trệ.

Tuy nhiên, trao đổi với một lãnh đạo của JVC, chúng tôi được biết, trụ sở số 18 vốn là phòng khám đa khoa phục vụ cho xe khám lưu động nhưng đang được sửa chữa để nâng cấp lên phòng khám đa khoa gia đình chất lượng cao. Hiện văn phòng của công ty đã chuyển sang địa chỉ số 36 BT5 - KĐT Pháp Vân (cũng chính là địa chỉ của Công ty con là CTCP Kyoto Medical Science) để làm việc trong lúc chờ phòng khám số 18 được nâng cấp.

Dù có vậy, ngay cả văn bản được JVC công bố trên website cũng chưa thể khiến nhà đầu tư tin tưởng. Trên các diễn đàn lại nổ ra một cuộc tranh luận, “mổ xẻ” độ thật giả về con dấu và chữ ký của văn bản khi chữ ký của Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng được ký bằng bút mực đen chứ không phải mực xanh!

Đại diện nói trên của JVC thừa nhận màu mực đó là một sơ suất, và sự “khủng hoảng” về truyền thông trong những ngày qua sẽ là một bài học lâu dài đối với tất cả các thành viên của công ty. Vào thứ 2 này, HĐQT của công ty sẽ tiếp tục họp để có phương án xử lý tình huống này một cách hiệu quả nhất.

Dù sao, để giải tỏa những sự nghi ngờ của nhà đầu tư, một văn bản như thế là chưa đủ. HĐQT của JVC, và đặc biệt là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Văn Hướng cần phải xuất hiện trước truyền thông và đại diện các nhà đầu tư để trả lời các câu hỏi cần thiết.

Bảo Ngọc

Tài chính Plus

Trở lên trên