MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp tranh thủ "kiếm lời" từ cổ phiếu quỹ

Có nhiều lý do để các công ty đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ, nhưng lý do được các công ty “ưa chuộng” nhất đó là bình ổn giá cổ phiếu.

Mua cổ phiếu quỹ để bình ổn giá cổ phiếu

Có nhiều lý do để các công ty đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ, nhưng lý do được các công ty “ưa chuộng” nhất đó là bình ổn giá cổ phiếu. Các công ty đang có một lượng tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu có thể gom mua cổ phiếu của chính mình, một mặt sẽ làm cho lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống, lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) sẽ cao hơn, lượng cung bán ra ít đi khiến cổ phiếu không bị bán ồ ạt. Ngoài ra, khi doanh nghiệp công bố mua cổ phiếu quỹ cũng tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư và khiến cổ phiếu tăng.

Gần đây, thị trường nhận được thông tin NHTMCP Á Châu (mã ACB) đăng ký mua lại tối đa 55,48 triệu cổ phiếu quỹ (5,92% lượng lưu hành), với giá từ 12.000-19.000 đồng/cp từ 5/6 - 4/7/2013.

Hiện thị giá của ACB đang ở mức 16.500 đồng/cp, mặc dù đã tăng khoảng 17% so với đáy thiết lập vào cuối tháng 11/2012 nhưng so với thời điểm trước khi sự cố bầu Kiên xảy ra, giá cổ phiếu ACB vẫn thấp hơn khoảng 34% và so với mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng khác như VCB, CTG, STB, giá cổ phiếu ACB vẫn ở mức thấp và có lẽ đó là lý do khiến HĐQT ACB quyết định chi hơn 900 tỷ mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ như vậy.

Mua Giá Thị giá Thời gian
EBS 1,200,000 ≤ 10,000 7,900 12/6-11/7
ACB 55,480,000 12,000-19,000 16,500 5/6-4/7
PGI 1,500,000 ≤ 8,000 7,900 chưa có
TIX 700,000-1,300,000 theo quy định 18,500 4/6-4/7
STP 664,000 theo quy định 8,900 22/5-20/6
MPC 630,560 29,364 26,000 10/4-9/5
VTB 88,140 8360 9,900 11/1-8/2
KLS 4,100,000 9000-10000 8,700 9/1-7/2
STB 100,000,000 13000-15000 17,600 16/11/12-13/1/13

Một số doanh nghiệp khác công bố mua cổ phiếu quỹ giai đoạn này là CTCP Sách giáo dục tại Hà Nội (mã EBS) đăng ký mua 1,2 triệu cp từ 12/6-11/7 với giá không cao hơn 10.000 đồng/cp, thị giá EBS hiện tại 7.900 đồng/cp; Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (mã PGI) đăng ký mua tối đa 1,5 triệu cp quỹ, CTCP SXKD XNK Dịch vụ và đầu tư Tân Bình (TIX) đăng ký mua từ 700-1,3 triệu cổ phiếu quỹ từ 4/6 – 4/7, CTCP Công nghiệp Thương Mại Sông Đà (mã STP) đăng ký mua 664.000 cổ phiếu quỹ từ 22/5-20/6 ...

Tuy nhiên không hẳn công ty nào mua cổ phiếu quỹ với giá hời, như trường hợp của CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS) đã mua 4,1 triệu cp trong giai đoạn đầu tháng 1/2013 với giá khoảng 9.000-10.000 đồng/cp nhưng thị giá hiện tại của KLS chỉ 8.700 đồng; hay như CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) đã mua hơn 630.500 cp quỹ từ 10/4-9/5, giá mua bình quân 29.364 đồng/cp nhưng đến nay giá MPC chỉ ở mức 26.000 đồng/cp. Giá MPC giảm mạnh trong 3 tuần trở lại đây do MPC đã thông qua việc hủy niêm yết để phát hành cổ phiếu cho đối tác ngoại.

Mua cổ phiếu quỹ để tránh thâu tóm

Ngoài việc bình ổn giá cổ phiếu, cũng có trường hợp công ty mua cổ phiếu quỹ để “phòng thủ” trước sức ép thâu tóm của các đối tác bên ngoài. Như trường hợp của Sacombank trong tháng 11/2012 đăng ký mua vào 100 triệu cổ phiếu quỹ với mục tiêu “góp phần bình ổn giá thị trường chứng khoán và bảo vệ lợi ích cổ đông Sacombank”. Sacombank đã chi khoảng 1.300 tỷ mua cổ phiếu quỹ trong 2 tháng từ 16/11/2012-13/1/2013.

Nghị quyết thông qua việc mua lại 100 cổ phiếu quỹ STB do ông Đặng Văn Thành - thời điểm đó vẫn đang là đương kim Chủ tịch ký ngày 25/10/2012. Động thái này như một đòn “tự vệ” cuối cùng của ông Thành để níu giữ Sacombank nhưng hành động “tự vệ” này đã muộn.

Ngày 3/11, ông Thành bị miễn nhiệm chức Chủ tịch Sacombank và ông Phạm Hữu Phú lên thay.

Việc mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ STB vẫn diễn ra, thời điểm đó giá cổ phiếu STB khoảng 13-14 nghìn đồng/cp, hiện nay giá STB là 17.600 đồng/cp (so với số tiền bỏ ra mua cổ phiếu quỹ, giá trị cổ phiếu bây giờ đã tăng khoảng 400-500 tỷ, tương đương 35%).

Theo Nghị quyết tháng 4/2013 vừa qua, STB sẽ bán 100 triệu cổ phiếu quỹ trên cho đối tác ngoại với giá 30.000 đồng/cp, tức là gấp đôi giá mua vào và lợi nhuận thu về sẽ khoảng 1.600 - 1.700 tỷ đồng, tuy nhiên chênh lệch lợi nhuận không được hạch toán vào báo cáo tài chính mà sẽ được ghi ở phần “thặng dư vốn cổ phần”.

Bán cổ phiếu quỹ khi đã “có lời”

Trong khi một số doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ thì ở chiều ngược lại, khá nhiều doanh nghiệp đăng ký bán ra cổ phiếu quỹ khi đã “lời” một tỷ lệ nhất định do giá cổ phiếu trong 5 tháng vừa qua tăng khá mạnh.

Như trường hợp của Tổng CTCP Bảo hiểm NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BIC) đăng ký bán hết 1 triệu cổ phiếu quỹ từ 7/5-5/6, số cổ phiếu quỹ này BIC mua vào trong giai đoạn đầu tháng 1/2012, lúc đó giá mua vào chỉ quanh 6.000 đồng/cp nhưng nay giá BIC là 9.200 đồng/cp, mức sinh lời 53% trong 4 tháng.

Hay như Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí (mã PET) đã bán toàn bộ 788.880 cổ phiếu quỹ từ 25/4-22/5 với giá bình quân 18.674 đồng/cp, số cổ phiếu quỹ này PET mua trong giai đoạn tháng 6/2011 với giá khoảng 10.000 đồng/cp, đến nay tỷ lệ sinh lời khoảng gần 87%, giá của PET đã tăng gấp đôi trong 6 tháng qua, từ mức 10.000 đồng/cp vào cuối tháng 11/2012 lên 20.700 đồng/cp ngày 24/5.

Bán Giá Thị giá Thời gian
SRF 1,340,000 40,000 32,500
HSC 329,560 thị trường 21,200 12/6-12/7
AGF 80,000 ≤52,525 31,000 28/5-26/6
STB
100,000,000
30,000


PET 788,880 18,674 20,700 25/4-22/5
EFI 138,000 7,000 7,000 26/4
CII
7,500,000

1/2011-4/2013
SBT 419,640 14,880 14,300 25/3-2/4
BIC 1,000,000 6,000 9,200 7/5-5/6
BKC 561,500 13000-14000 12,200 22/4-21/5
Các mã đăng ký bán cổ phiếu thời gian qua

Không có nhiều doanh nghiệp “may mắn” như CTCP Kỹ nghệ lạnh (mã SRF) khi tìm được đối tác chiến lược mua nước ngoài mua cổ phiếu quỹ với giá cao hơn thị giá 25%. Công ty này đã bán 1,34 triệu cổ phiếu quỹ cho công ty Taisei Oncho Co.Ltd với giá 40.000 đồng/cp trong khi thị giá trên sàn của SRF chỉ ở mức 32.500 đồng. Điều này một mặt doanh nghiệp vừa có thêm vốn để sản xuất kinh doanh trong khi không cần phải phát hành thêm cổ phiếu.

Một số doanh nghiệp khác bán cổ phiếu với giá cao hơn giá mua vào như CTCP Bonbour Tây Ninh (mã SBT) đã bán gần 420.000 cổ phiếu quỹ với giá bình quân 14.880 đồng/cp từ 25/3 – 2/4, SBT đăng ký bán ra tòan bộ 8,89 triệu cổ phiếu quỹ nhưng sau đó công ty này chỉ bán ra chưa đến 5% lượng đăng ký do “giá không đặt kỳ vọng”. Trong khi lượng cổ phiếu quỹ này SBT mua vào trong thời kỳ đầu năm 2011, giá SBT chỉ ở mức quanh 8.000 đồng/cp.

Một số doanh nghiệp đăng ký bán cổ phiếu quỹ thời gian qua có CTCP Chứng khoán HCM (mã HSC) đăng ký bán toàn bộ gần 330.000 cổ phiếu quỹ từ 12/6- 12/7, AGF đăng ký bán 80.000 cổ phiếu quỹ từ 28/5026/6 (giá mua vào khoảng 23.000 đồng/cp trong giai đoạn tháng 8/2010); BKC đã bán 561.500 cổ phiếu quỹ, EFI đã bán 138.000 cổ phiếu quỹ.

Cần phải nhấn mạnh rằng chênh lệch giá bán cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp không được hạch toán vào lợi nhuận trên bảng kết quả kinh doanh, chênh lệch này được hạch toán trong phần “thặng dư vốn cổ phần” và làm tăng giá trị sổ sách của doanh nghiệp (book value). Dù sao, doanh nghiệp cũng có thêm một phần tiền để bù đắp vốn lưu động mà không cần phải đi vay.

Vừa qua, Sở GDCK TP.HCM vừa “nới” quy định giao dịch cổ phiếu quỹ theo đó lượng đăng ký mua/bán tối đa trong 1 phiên của doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10% và biên độ giá ±3,5% so với giá tham chiếu thay vì 3 đơn vị yết giá như trước (giá mua không cao hơn 3,5% so với giá tham chiếu; giá bán không thấp hơn 3,5% so với giá tham chiếu).

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên