MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền lớn từ “đô” đang rậm rịch sang chứng khoán

Sau một thời gian găm giữ để bảo toàn và có cả sự bảo thủ, một bộ phận dòng vốn hẳn đã chảy từ “đô” sang chứng khoán, có thể là cả từ vàng.

Liệu đó có phải là một sự sửa sai? Câu trả lời tùy thuộc vào triển vọng của thị trường chứng khoán sau Tết. Hay, chuyển đổi sang VND gửi tiết kiệm cũng là một lựa chọn đáng kể.

Tết Giáp Ngọ đã cận kề. Thị trường vẫn sôi động. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán đang đón cái Tết ấm lòng hơn nhiều năm trước…

Trong một lần trò chuyện với VnEconomy cuối năm 2013, một lãnh đạo chuyên trách về lĩnh vực ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước tính toán: nếu thị trường chứng khoán có xu hướng tốt và khởi sắc sẽ là một cú hích đối với các nguồn vốn đang găm giữ ở vàng và ngoại tệ.

Đến nay, cận kề trước kỳ nghỉ Tết khá dài, hẳn nhiều nhà đầu tư đang chiêm nghiệm một khác biệt thú vị: “đồng tiền không ngủ”, không nghỉ Tết sớm như thường thấy những năm trước trên sàn chứng khoán; chỉ số và giá nhiều cổ phiếu vẫn tăng, dòng tiền quy mô lớn vẫn thúc đẩy nên một thị trường mạnh với nhiều kỳ vọng.

VN-Index đã tăng khoảng 12% chỉ trong vòng một tháng. Nhiều mã cổ phiếu cũng đã tạo khả năng sinh lời 20 - 30% trong thời gian ngắn cho các nhà đầu tư. Nhìn sang thị trường chứng khoán, những quyết định găm giữ vốn ở vàng và ngoại tệ hẳn chạnh lòng…

Có một ví dụ để so sánh. Trong chuyến công tác phía Nam tháng 8/2012, người viết trò chuyện với một nhà đầu tư xoay quanh bài viết “Tạm biệt USD…” trên VnEconomy. Ý kiến phản hồi là: “Nói gì thì nói, nắm giữ USD vẫn yên tâm hơn và chắc chắn có lợi. Tỷ giá không thể kìm được lâu và sẽ bùng lên thôi”.

Khẳng định quan điểm của mình, ý kiến trên cho biết sẽ mua ngay 10.000 USD. Quyết định này nhận được sự tán đồng của phần lớn những người tham gia cuộc trò chuyện.

Thời điểm đó, tỷ giá USD/VND ở khoảng 20.870 - 20.875 VND. Nếu giữ đến nay, tỷ giá tham chiếu ở giá mua vào của các ngân hàng thương mại là 21.040 VND, tức chênh lệch chưa đầy 1%. Nếu gửi ngân hàng, có thêm vài phần trăm lãi suất. Tổng thể, lợi ích nắm giữ không đáng kể nếu chuyển đổi sang VND và gửi tiết kiệm.

So sánh lợi ích găm giữ và chuyển đổi là rõ ràng, chênh lệch rất lớn, thế nhưng có nhiều lựa chọn tương tự như quyết định của nhà đầu tư trên. Điều này được kiểm chứng ở những con số thống kê.

Giữa năm 2013, có chuyên gia lo ngại khi nói về tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ khá cao, ở mức hai con số. Đặc biệt, tiền gửi ngoại tệ của dân cư đã chuyển từ trạng thái âm đến dương đáng kể, và của doanh nghiệp tăng khá cao vào cuối năm 2013.

Đầu tháng 1/2014, trao đổi với VnEconomy về diễn biến của dữ liệu thống kê trên, phó tổng giám đốc chuyên trách ngoại hối của một ngân hàng lớn tỏ ra bất ngờ. Ông hoài nghi: “Găm giữ và tích tụ vốn ở ngoại tệ như vậy có vẻ là phi kinh tế, nếu tính toán theo lợi ích. Nhưng với xu hướng hiện nay, sẽ dồn để rồi bán lại và chuyển đổi thôi”.

Xu hướng mà vị lãnh đạo ngân hàng trên nói là kỳ vọng khá rõ ràng trong điều hành tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đã “chốt”. Năm 2014 nếu tăng cũng không quá 2%. Lần này, cam kết của nhà điều hành trở nên chắc chắn và quyết liệt hơn, khi Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức chỉ đạo giữ cho được mức độ ổn định đó.

Rồi cũng bán ra thôi. Thực tế, từ đầu tháng 1/2014 đến nay, có thể nói người dân và doanh nghiệp đã và đang ồ ạt bán ra ngoại tệ. Giá USD mua vào của các ngân hàng thương mại liên tục giảm, giá bán ra cuối tuần qua cũng đã chính thức rơi dưới mức mua vào 21.100 VND của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước mua vào trong khoảng một tháng qua đã đủ để so sánh với lượng mua ròng của cả năm 2013! Dĩ nhiên, năm 2013 có những tác động đặc thù đến lượng mua ròng, trong đó có gắn kết với nguồn ngoại tệ dùng cho đấu thầu vàng và cả yêu cầu tăng cường sức mạnh cho an ninh quốc phòng…

Đầu năm mới, thị trường đón tin vui: tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Phía sau sự cải thiện này hẳn có đóng góp quan trọng của tiềm lực dự trữ ngoại hối quốc gia, đã gia tăng nhanh từ năm 2012 đến nay, và đang có triển vọng tốt hơn nữa ở thời điểm này.

Người dân và doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán lại ngoại tệ. Nếu theo lẽ của cung - cầu, tỷ giá đã có thể đã giảm mạnh hơn nữa trước nguồn cung lớn. Song, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên giá mua vào ở mốc 21.100 VND. Đúng hơn, đây là một chốt chặn, ngược với sự “mong đợi” phá giá mạnh VND mà một số chuyên gia, tổ chức từng dự tính, khuyến nghị trong năm 2013.

Trong diễn biến trên, ngoài kỳ vọng đã “chốt” với cam kết giữ ổn định của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2014, có yếu tố chuyển đổi mang tính mùa vụ cho nhu cầu tiêu dùng và chi trả cận Tết, hẳn còn có tác động từ sự “sốt ruột” của nhà đầu tư và tổ chức đầu tư trước sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán.

Sau một thời gian găm giữ để bảo toàn và có cả sự bảo thủ, một bộ phận dòng vốn hẳn đã chảy từ “đô” sang chứng khoán, có thể là cả từ vàng. Liệu đó có phải là một sự sửa sai? Câu trả lời tùy thuộc vào triển vọng của thị trường chứng khoán sau Tết. Hay, chuyển đổi sang VND gửi tiết kiệm cũng là một lựa chọn đáng kể.

Theo Minh Đức

phuongmai

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên