Dòng tiền quanh quẩn
Dòng tiền vẫn đang quanh quẩn tìm cơ hội trong quý II và nếu thanh khoản vẫn duy trì 3.000-4.000 tỷ đồng mỗi phiên thì sự đột phá có thể diễn ra.
Báo cáo nêu rõ, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng đều tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu đã tăng trở lại, tồn kho thành phẩm cũng đã giảm.
Tuy vậy, việc làm vẫn giảm dù ở mức độ thấp lần đầu tiên kể từ tháng 6/2013. Bên cạnh đó, tốc độ tăng chi phí đã chậm lại và các công ty đã giảm nhẹ giá bán hàng do áp lực về cạnh tranh.
Liên quan đến thị trường tiền tệ và tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết, trong quý I/2014, NHNN đã mua vào khoảng 7,7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại tệ nhưng vẫn không gây áp lực lên mức lạm phát.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/3 đã tăng 0,01% so với cuối năm trước nhờ đẩy mạnh giải ngân trong những ngày cuối quý I, Thống đốc tỏ ra lạc quan đối với việc hoàn thành chỉ tiêu này trong cả năm.
Bên cạnh đó là một số thông tin hỗ trợ khác từ nền kinh tế, như thông tin GDP quý I/2013 được Tổng cục Thống kê công bố với mức tăng 4,96%, so với cùng kỳ năm 2013 tăng 0,2%. Trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt là 4,69% và 5,95% so với mức tăng cùng kỳ là 4,59% và 5,68%.
Với thị trường chứng khoán, kết thúc quý I/2014, nhà đầu tư được chứng kiến hàng loạt cơ hội của thị trường, công ty chứng khoán vui với thanh khoản cao giúp doanh thu môi giới và doanh thu khác tăng mạnh. Chẳng hạn, chỉ số Vn-Index tăng 17,24% so với đầu năm.
Bình quân mỗi ngày, sàn HoSE giao dịch 132,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh với giá trị 2.126 tỷ đồng. Khối lượng khớp lệnh và giá trị khớp lệnh tăng lần lượt là 68,41% và 112,11% so với quý IV/2013.
Khối lượng và giá trị giao dịch thỏa thuận cũng tăng mạnh 13,4% và 21,44% so với quý IV/2013. Khối ngoại liên tục bán ròng trong tháng cuối cùng của quý I. Tính chung cả quý, khối ngoại vẫn mua ròng 15,83 triệu cổ phiếu trên HoSE với tổng giá trị 870 tỷ đồng.
Tương tự, HNX chốt quý I đạt 89,44 điểm, tăng 31,84% so với đầu năm. HNX cũng chứng kiến sự bùng nổ về thanh khoản khi khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên lên đến 83,22 triệu cổ phiếu, gấp đôi quý trước và giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 842 tỷ đồng, tăng 168% so với quý trước. Khối ngoại mua ròng 18,22 triệu cổ phiếu nhưng bán ròng gần 70 tỷ đồng xét về giá trị trên HNX...
Tất cả những thông tin trên cho thấy nền kinh tế đang phục hồi ổn định. Đây là điều tích cực cho thị trường chứng khoán và được giới đầu tư trung và dài hạn rất kỳ vọng. Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, trong mấy ngày qua, thị trường dù có vài phiên giảm điểm, song chủ yếu xuất phát từ sự cộng hưởng lực bán tại cùng một thời điểm.
Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn đang quanh quẩn tìm cơ hội ở chứng khoán trong quý II. Ngoài ra, dòng tiền đang xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu, chứ không phải chốt lãi và rời đi.
"Thị trường đang trông chờ hành động của khối ngoại. Khối ngoại đã bán ròng khá nhiều trong tháng cuối cùng của quý I nhưng đúng ngày cuối quý lại dốc tiền mua ròng. Đây cũng có thể dự đoán là dấu hiệu mua ròng trở lại của khối ngoại", một chuyên viên của Bảo Việt nói.
Theo quan điểm của các chuyên gia Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), lượng margin trên thị trường hiện đang khá cao. Điểm tích cực này chính là thể hiện dòng tiền vẫn luôn hiện hữu trong thị trường và có dấu hiệu hoạt động mạnh hơn khi thị trường điều chỉnh.
Cụ thể, thời gian qua, giá trị giao dịch trung bình của thị trường lên rất cao. Có thời điểm giá trị giao dịch là 4.000 tỷ đồng/phiên, tỷ lệ margin được đẩy lên mức tối đa 1:1 thì dòng tiền đòn bẩy mỗi phiên tương ứng 2.000 tỷ đồng.
Giả sử trong 3 ngày T, T+1, T+2 tổng giá trị margin rơi vào tầm 6.000 tỷ đồng, có thể, mỗi công ty chứng khoán lớn có vốn điều lệ 1.000-2.000 tỷ đồng, nhưng vốn còn phải được phân bổ cho các hoạt động khác, chẳng hạn đầu tư hay tự doanh, có khi vẫn đang nằm trong một số khoản phải thu.
Rõ ràng, những thông tin công bố sau đại hội cổ đông và kỳ vọng lạc quan với kết quả kinh doanh quý I/2014 vẫn đang phát huy vai trò hỗ trợ đối với giá cổ phiếu, mặc dù tác động này không quá rộng và chỉ xuất hiện tại một vài nhóm ngành nhất định.
Và trong bối cảnh không có thông tin kinh tế vĩ mô nào tiêu cực tác động tới diễn biến điều chỉnh này, lập luận được cho là hợp lý nhất chính là việc thị trường đã tăng liên tục và đã đến lúc phải chuẩn bị cho một giai đoạn mới: giai đoạn điều chỉnh, tích lũy.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mức điều chỉnh sẽ không quá sâu và nhà đầu tư theo quan điểm trung - dài hạn vẫn có thể tìm thấy cơ hội tốt cho danh mục của mình. Còn trong ngắn hạn, thị trường sẽ chịu tác động trực tiếp từ thông tin của kết quả kinh doanh quý I/2014 của doanh nghiệp niêm yết sắp được công bố.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia tài chính cũng phân tích rằng, có lẽ rủi ro lớn nhất của margin hiện nay là thanh khoản của thị trường. Nếu thị trường vẫn duy trì mỗi phiên khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng thì dòng tiền margin vẫn có thể "vô tư” dịch chuyển.
Nhưng nếu thanh khoản chỉ tầm 2.000 tỷ đồng và kéo dài vài tuần, lúc đó nhà đầu tư có thể e ngại và thanh khoản càng xuống. Áp lực trả lãi vay margin, hoặc các công ty chứng khoán ngại rủi ro thanh khoản có thể kéo đến việc bán ra.