Đột phá M&A ngành đường
Động thái sáp nhập (M&A) giữa CTCP Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) và CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) sẽ tạo bước đột phá trong việc hình thành những doanh nghiệp mía đường lớn mạnh, đủ sức bước vào hội nhập.
Tìm hướng chuyển mình
Nếu như năm 2012, sự kiện Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT) mua lại gần 23% cổ phần của BHS là sự kiện lớn của ngành đường thì hiện nay câu chuyện Công ty CP Đường Ninh Hòa (NHS) sáp nhập vào BHS ở thời điểm này cũng gây không ít sự chú ý trên thị trường.
Tại sao NHS đang là doanh nghiệp (DN) có mức tăng trưởng ổn định nhất trong số các công ty niêm yết của ngành đường lại chấp nhận sáp nhập hoàn toàn và trở thành công ty con của BHS?
Trước hết, về lợi ích, sau khi tiến hành hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), DN có thể chủ động bố trí nguồn vốn, cơ cấu lại các khoản đầu tư hợp lý để tiết giảm chi phí lẫn tăng quy mô của DN và giảm nguy cơ cạnh tranh giữa các DN cùng ngành. Ngay như thương vụ sáp nhập NHS vào BHS, bên cạnh những lợi ích nội tại thì mục tiêu lớn hơn của ngành đường trong nước là tạo ra những DN có quy mô sản xuất lớn, tương hỗ với nhau về nguồn nguyên liệu, thị trường và lợi thế cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Nếu nhìn một cách khách quan, cả BHS và NHS đều là DN niêm yết sở hữu những thế mạnh trong ngành đường. Điển hình như NHS, tuy là DN có quy mô và doanh thu nhỏ (so với nhóm 4 công ty niêm yết đầu ngành) nhưng hoạt động khá hiệu quả. Đơn cử là năm 2013, trong khi nhiều DN mía đường lỗ hoặc có kết quả kinh doanh sụt giảm nhưng NHS vẫn tăng trưởng đều đặn với doanh thu tăng 12% so và lợi nhuận sau thuế tăng 23% so với 2012.
Do sở hữu vùng mía riêng nên NHS có thể chủ động trong việc kiểm soát giá thành. Năm 2010, diện tích vùng nguyên liệu của NHS đạt mức 7.000ha, chủ yếu trực thuộc nông trường của công ty; đến niên vụ mía 2013-2014, con số này đã tăng lên 10.300ha. Đây là lợi thế để NHS giảm giá thành sản xuất.
Ngược lại, BHS là DN có quy mô doanh thu cao nhất so với các DN niêm yết trong ngành đường nhưng nguồn nguyên liệu mía, nhất là diện tích nông trường trực thuộc luôn là nỗi băn khoăn. Dù sở hữu vùng nguyên liệu lên đến 11.000ha nhưng chỉ có 1.000 là thuộc sở hữu của công ty. Do đó, năm 2014, mục tiêu của BHS vẫn là tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía trực thuộc và giải bài toán hạ giá thành sản phẩm.
Những tiền đề này sẽ giúp BHS có đủ lượng đường thô để phục vụ sản xuất, cung ứng cho nhà máy tinh luyện đường RE - một sản phẩm thế mạnh của BHS và đang dẫn đầu thị phần đường tinh luyện của cả nước. Đồng thời, BHS sẽ khắc phục được nhược điểm tỉ lệ chi phí vốn quá cao trên doanh thu mà BHS luôn vấp phải lẫn nâng cao khả năng sản xuất đường của hai đơn vị. Theo đó, sản lượng đường sản xuất bình quân hàng năm của BHS sẽ tăng đáng kể, ước gần 240.000 tấn đường, mức lớn nhất so với năng lực sản xuất đường thành phẩm của các công ty cùng ngành.
Bên cạnh đó, cả hai còn được lợi về đầu ra khi cùng sở hữu lượng lớn khách hàng ở hai khu vực và kết hợp được thế mạnh riêng của mỗi bên về sản phẩm.
Hiện tại, BHS đang chiếm 70% thị phần đường bán lẻ cả nước. Nếu cộng với chi phí sản xuất của nhà máy BHS sau sáp nhập giảm đáng kể sẽ có thị phần cả khu vực Nam Bộ và duyên hải miền Trung. Đồng thời BHS sẽ đủ sức cạnh tranh với đường ngoại về giá cả lẫn chất lượng khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn.
Thêm vào đó, sau khi sáp nhập, năng lực tài chính, quy mô của BHS sẽ được nâng cao đáng kể. Với quy mô vốn tăng gấp đôi, BHS - NHS có thể xem xét để phân bổ hợp lý các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất.
Do vậy, việc tận dụng thế mạnh của nhau, hạn chế hoặc thậm chí là loại bỏ điểm yếu chính là lợi ích của bất kỳ thương vụ M&A nào. Dĩ nhiên BHS và NHS cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
A.D