MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc môi giới KIS: Tại sao sàn Hà Nội và HCM không để cùng biên độ?

Năm 2012 KIS đã cử 17 nhân viên sang Hàn Quốc tập huấn đồng thời cử các chuyên gia từ Hàn Quốc sang giới thiệu cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.

CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam tiền thân là CTCP Chứng khoán Gia Quyền, năm 2010 KIS Hàn Quốc mua 49% cổ phần của EPS và đổi tên công ty thành CTCP KIS Việt Nam. Sau 2 năm 2010 và 2011 lỗ hơn 106 tỷ đồng, năm 2012 KIS lãi 1,07 tỷ đồng nhờ kết quả kinh doanh quý 4 đạt hơn 750 triệu đồng.

Chúng tôi đã có trao đổi với ông Cha Hun Do, giám đốc môi giới KIS về định hướng của công ty trong năm 2013.

Thưa ông, hiện có làn sóng đầu tư của các công ty Hàn Quốc đầu tư vào CTCK tại Việt Nam (như trường hợp của KIS, Kenaga, Golden Brigde), ông có thể cho biết lý do gì khiến KIS Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam và bên Hàn Quốc có muốn tăng vốn lên 100% tại KIS Việt Nam không?

Trước khi đầu tư tại VN chúng tôi đã có các nghiên cứu sâu về thị trường Việt Nam và nhận thấy rằng về mặt giá trị, thị trường Việt Nam hiện vẫn đang ở mức thấp và do đó nếu đầu tư vào thị trường này sẽ mang lại lợi nhuận cao và đó là lý do khiến chúng tôi muốn đầu tư vào Việt Nam

Đối với các công ty khác tại Hàn Quốc tôi khó nói nhưng công ty KIS Hàn Quốc rất muốn mở rộng tỷ lệ nắm giữ tại CTCK ở Việt Nam nhưng ở thời điểm hiện tại thì khả năng chưa cho phép.

KIS là một công ty chứng khoán nhỏ, định hướng năm 2013 KIS sẽ phải làm gì để có thể cạnh tranh với các CTCK bản địa khác?

Hiện tại công ty chứng tôi đang cố gắng mở rộng quy mô tại Việt Nam. Chúng tôi dự kiến kể từ đầu tháng 3 năm nay sẽ phát triển dịch vụ đặt lệnh trên Iphone để giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc giao dịch.

Năm 2013 chiến lược chính của chúng tôi là nâng số lượng nhân viên đang công tác tại công ty từ mức 70 người lên khoảng 95 người.

Mục tiêu thứ 2 là nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao nghiệp vụ cho các nhân viên. Chúng tôi cố gắng hàng năm đưa các nhân viên tại Việt Nam sang Hàn Quốc tập huấn đồng thời có sự hỗ trợ từ công ty mẹ Hàn Quốc mở các cuộc hội thảo để đưa các chuyên gia từ Hàn Quốc sang giới thiệu cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2012 chúng tôi đã cử 17 nhân viên sang Hàn Quốc tập huấn và có thể trong năm năm 2013 chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mở các đợt tập huấn như vậy.

Ông có gặp khó khăn gì khi đầu tư tại Việt Nam không?

Không có quá nhiều khó khăn khi đầu tư tại Việt Nam. Có một điểm hơi bất tiện một chút là các quy chế trên thị trường Việt Nam khiến chúng tôi chưa thể cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi mong rằng các quy định dành cho các NĐT hoặc các CTCK sẽ được mở rộng để giúp chúng tôi trong việc đầu tư tại Việt Nam.

Ví dụ, các quy định liên quan đến giao dịch trên thị trường. Tại sao hôm nay (thứ ba) tôi mua đến thứ 6 mới bán được, điều này rất bất ổn, hôm nay tôi mua giá rất tốt nhưng vài hôm sau giá giảm khiến tôi bị lỗ, thị trường Hàn Quốc những năm 50 đã rất phát triển và đã cho phép NĐT nước ngoài được mua bán ngay cùng 1 phiên.

Thêm điểm nữa là thị trường tại Việt nam có sàn Hà Nội và HCM nhưng hai sàn này lại áp dụng các quy chế khác nhau khiến chúng tôi rất bối rối, tại sao sàn HOSE áp dụng biên độ 7% trong khi sàn Hà Nội biên độ lại 10%, tại sao không áp dụng cùng một biên độ cho 2 sàn?

Chúng tôi là công ty nước ngoài nên thu hút rất nhiều vốn nước ngoài tại Việt Nam nhưng thủ tục mở tài khoản cho NĐT cũng bị mắc kẹt. Những quy định cứng nhắc như vậy gây khó khăn cho việc nâng lợi nhuận của chúng tôi lên.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai

phuongmai

Trở lên trên