MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn khác về cổ phiếu Thế giới di động

Ngày 14/07/2014, cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đã có phiên giao dịch đầu tiên tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM với giá tham chiếu là 68.000 đồng/cổ phiếu.

Chỉ sau 3 phiên giao dịch, thị giá của MWG đã tăng lên tới 93.000 đồng/cổ phiếu, mức tăng tương ứng là 36,7%.

Sau khi mời nhà đầu tư phân tích về cổ phiếu Thế giới di động, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, dưới đây là tổng hợp một số phân tích từ nhà đầu tư, xin đăng tải để độc giả có thêm góc nhìn đa chiều hơn về cổ phiếu MWG.

Xét về cơ cấu cổ đông: Cổ đông lớn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chiếm khoảng trên 46% , cổ đông nước ngoài chiếm 48,18%. Tổng cộng là khoảng trên 94%, như vậy số cổ đông nhỏ, cán bộ CNV nắm giữ MWG chỉ chưa tới 6% ( tương ứng 3,7 triệu cổ phiếu ). Cơ cấu cổ đông khá cô đặc, làm nguồn cung hạn chế.

Cổ  đông lên sàn để thoái vốn

Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào đầu tháng 2/2014, khi được hỏi về kế hoạch đưa cổ phiếu MWG lên sàn chứng khoán, ông Trần Kinh Doanh – Phó tổng giám đốc MWG đã trả lời:

“Khi một doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, mục tiêu huy động vốn từ công chúng là rất lớn. Nhưng đối với Thế giới Di động, chúng tôi không có nhu cầu đó vào lúc này. Lên sàn chủ yếu xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Cách đây nhiều năm, chúng tôi đã cam kết sẽ lên sàn để một số cổ đông thoái vốn thuận lợi.”

Thêm một thông tin đáng lưu ý nữa, là đã có 4 trong 5 thành viên sáng lập của công ty là ông Nguyễn Đức Tài, ông Trần Lê Quân, ông Điêu Chính Hải Triều và ông Trần Huy Thành Tùng đều đã chuyển nhượng lượng lớn cổ phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng ( tính theo thị giá 68.000/cp ) trước thời điểm MWG chính thức lên sàn.

Theo đăng ký kinh doanh của MWG, đến ngày 3/6, 4 người trên trực tiếp sở hữu 28,72 triệu cổ phiếu, tương đương 45,8% cổ phần. Tuy nhiên khi chốt danh sách cổ đông để niêm yết, lượng sở hữu của họ chỉ còn 3,43 triệu cổ phiếu. Như vậy, gần 25,3 triệu cổ phiếu đã được chuyển nhượng đi ngay trước khi tiến hành niêm yết.

 Phần lớn số cổ phiếu trên – 19,7 triệu cổ phiếu – được chuyển nhượng cho các công ty riêng thuộc sở hữu của 4 lãnh đạo đó.

Các chỉ tiêu tài chính

Doanh thu thuần: 9.499 tỷ đồng ( 2013 ) , dự kiến năm 2014 là 15.993 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế: 255 tỷ ( 2013 ), dự kiến năm 2014 là 469 tỷ đồng

Ngày 17/4 vừa qua là ngày chốt quyền nhận cp thưởng (1000:669), cổ tức bằng cp (1000:3720). Điều này góp phần khiến cho EPS của MWG dự kiến sẽ giảm từ 24.315 đồng năm 2013 xuống chỉ còn 7.400 đồng/cp trong năm 2014.


Nguồn: FPTS

Khi đem so sánh các chỉ tiêu tài chính của MWG với các công ty cùng ngành trong nước và Thế giới, một số nhà đâu tư đã cho ý kiến rằng, P/E hiện tại của MWG ở mức 12,5 là cao, MWG nên được định giá ở mức P/E thấp hơn so với mức trung bình ngành vào vùng 7-8 là hợp lý.

Lý do: Một doanh nghiệp lớn của Mỹ có chuỗi siêu thị khá nổi tiếng và phủ toàn nước Mỹ như Best Buy (mã BBY), và một số các doanh nghiệp như PET, FPT của Việt Nam cũng chỉ giao dịch quanh mức P/E là 8 – 9.

Bản chất MWG có lợi thế với hệ thống phân phối hàng điện tử, điện thoại và linh kiện điện thoại phủ sóng cả nước nhưng đây là lợi thế cạnh tranh không bền vững vì bất cứ 1 doanh nghiệp nào có vốn có thể thâm nhập thị trường phân phối sản phẩm tương tự với mức giá rẻ hơn để cạnh tranh với MWG vì suy cho cùng người tiêu dùng vẫn ưu tiên về giá nếu cùng 1 sản phẩm.

Doanh thu MWG hiện tại tập trung vào thị trường nội địa và việc tập trung nguồn vốn để tiếp tục mở rộng thêm các chi nhánh ở thị trường nội địa sẽ khiến MWG gặp trở ngại trong việc mở rộng thị trường quốc tế.

Đây rõ ràng là 1 điểm yếu khi phải phụ thuộc vào 1 thị trường trong khi FPT hiện tại đang hoạt động khá nhiều mảng ngoài mảng bán lẻ và đẩy mạnh dàn trải doanh số sang thị trường quốc tế hiện cũng chỉ định giá ở mức P/E = 8.

Nếu so về thương hiệu thì thực chất MWG còn thua rất xa so với Best Buy, thế mạnh của Best Buy là ở không chỉ có hệ thống phân phối khá phủ sóng ở thị trường có sức tiêu thụ lớn như Mỹ, Best Buy còn đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ ở các thị trường quốc tế, điều mà MWG vẫn chưa làm được.

Với mức giá này, MWG có đáng để đầu tư hay không?

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, việc mỗi người dân sở hữu ít nhất 1 chiếc điện thoại smartphone không còn là điều mới mẻ. Việc họ có bỏ tiền ra để mua thêm điện thoại nữa không thì còn phải phụ thuộc vào giá cả và sự cải tiến công nghệ.

Theo phân tích của FPTS, tăng trưởng doanh thu của MWG được dự báo đột biến trong khoảng 2013 - 2014, từ mức 9.499 tỷ lên 15.993 tỷ. Nhưng trong 4 năm tiếp theo, từ 2015-2018  doanh thu sẽ tăng trưởng thấp hơn nhiều từ 10,6%  ( 2014-2015) đến khoảng 11% trong 3 năm tiếp theo. (xem đồ thị bên dưới)

Nguyên nhân do nhu cầu các thiết bị di động là có giới hạn và đã gần tiệm cận ngưỡng bão hòa, do dó năm 2014 có lẽ đã là năm tăng trưởng đỉnh điểm của MWG và doanh nghiệp đã bắt đầu bước sang giai đoạn tăng trưởng thấp từ năm 2015 trở đi.

 Nguồn: FPTS

Các nhà sản xuất điện thoại cũng đang phải cạnh tranh nhau gay gắt, trong bối cảnh phân khúc điện thoại giá rẻ đang dần chiếm lĩnh thị trường. Dự báo thị trường bán lẻ trong tương lai cũng sẽ có sự phân hóa và cạnh tranh nhau khốc liệt giữa nhà cung cấp để tranh giành thị phần.

Khi được hỏi về việc có kế hoạch đầu tư vào cổ phiếu MWG trong tương lai hay không, một nhà đầu tư đã nêu quan điểm:

Theo nghi vấn của tôi thì việc MWG tăng trần 3 phiên trở lại đây sau khi lên sàn có thể là hoạt động “đẩy giá” MWG lên để thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời cũng giúp các cổ đông hiện hữu của MWG có thể thoái vốn ở giá cao ngất ngưỡng.

>> Thế giới Di động: 4 lãnh đạo chủ chốt đã chuyển nhượng lượng cổ phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng

Vương Nguyên

anhnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên