MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt nhân sự cấp cao, cổ đông lớn đua nhau chốt lãi

Khi nhà đầu tư đang "say" với cơ hội thị trường, ồ ạt mua, ồ ạt bán thì không nhiều người quan tâm đến việc đã có ai đó rời thị trường, chốt lãi và ra đi.

Có những phiên giảm sâu, có đợt thị trường đi ngang thách thức sự kiên nhẫn của người cầm cổ phiếu…nhưng, chốt lại, cho đến bây giờ thì thị trường chứng khoán đến bây giờ vẫn được cho là giao dịch tốt, tăng điểm tốt so với các thị trường trong khu vực. Và, cùng với đó là tài sản của các nhà đầu tư cầm cổ phiếu cũng đã tăng đáng kể so với đầu năm.

Cũng bởi thế, nhu cầu chốt lãi cao. Thống kê của chúng tôi cho thấy, thời gian gần đây, nhân sự cấp cao tại hàng loạt công ty đã đăng ký thoái vốn.

Nội bộ mạnh tay chốt lãi

PXS của CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí được coi là cổ phiếu biến động mạnh thời gian qua cũng đã chứng kiến việc chốt lãi của hàng loạt cổ đông nội bộ. Có lẽ, đây cũng là cổ phiếu "bị" cổ đông nội bộ thoái vốn mạnh nhất thời gian qua. Từ Chủ tịch HĐQT, Phó TGĐ đến trưởng ban kiểm soát và rồi cả người thân, gia đình của các lãnh đạo đều bán ra một phần, có người bán hết cổ phiếu đang nắm giữ.

Tính theo mức giá đã điều chỉnh do vấn đề thưởng cổ phiếu thì HDG của Tập đoàn Hà Đô cũng đã có mức tăng ấn tượng hơn gấp đôi so với đầu năm 2014. Mức tăng giá khủng này tất yếu “kích thích” mong muốn chốt lãi của những người nắm giữ cổ phiếu nói chung. Lãnh đạo công ty cũng thế! Hành động chốt lãi của nhiều cổ đông nội bộ như Ông Lê Thanh HIền (TV. HĐQT); Ông Đỗ Văn Bình (Trưởng BKS); Ông Nguyễn Đức Toàn (ủy viên HĐQT) liên tục bán/đăng ký bán ra cổ phiếu từ tháng 7 trở lại đây. Đổi lại, Venner Group của Singapore mua vào và hiện cùng các bên liên quan nắm giữ hơn 8% vốn của Hà Đô.

Thống kê của chúng tôi cho thấy, rất nhiều lãnh đạo, cổ đông nội bộ và có liên quan nội bộ đã và đang mạnh tay chốt lãi. Chỉ tính riêng mấy ngày gần đây, trên 2 sàn, những "lá đơn" đăng ký bán vốn liên tục được đưa ra như:

-PVD: Ông Trần Văn Hoạt - TV.HĐQT đã bán 10.000 cp

-POT: Ông Lê Thanh Sơn - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc - đã bán 6.259 CP

-PVC: Ông Tôn Anh Thi - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc - đăng ký bán 4.800 CP

-PVE: Bà Ngô Thị Thúy Hằng - Thành viên BKS - đã bán 2.000 CP

-APC-Chiếu xạ An Phú: Tổng giám đốc Nguyễn Thành Lập đăng ký bán toàn bộ gần 28 nghìn cổ phiếu.

-TS4-Thủy sản Số 4: Bà Đào Thị Bích Hằng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ đăng ký bán 16.000 cổ phiếu giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ 18.060 cổ phiếu còn 2.060 cổ phiếu. Bà Võ Thị Thanh Trang là Phó TGĐ của TS4 cũng đã hoàn tất giao dịch bán 25.000 cổ phiếu TS4 giảm lượng cổ phiếu sở hữu còn 50.045 cổ phiếu.

-VNL-Vinalink: Dù lượng cổ phiếu này không quá nhiều, Ông Nguyễn Thành Nam là em trai ông Nguyễn Nam Tiến hiện là Chủ tịch HĐQT, TGĐ cũng đã bán sạch 7.690 cổ phiếu đang nắm giữ.

Tổ chức lớn cũng thoái vốn

Đáng chú ý nhất thời gian gần đây là PVCombank. Ngân hàng này sau một thời gian im hơi lặng tiếng sau khi tái cơ cấu đã bắt đầu xuất hiện lại thị trường chứng khoán trong hoạt động bán vốn ồ ạt. Chỉ tính riêng 1 tháng trở lại đây, lượng cổ phiếu mà ngân hàng này đăng ký bán ra rất lớn. Cụ thể:

-PVCombank đăng ký bán tiếp 10 triệu cổ phiếu PVS sau khi đã bán 5 triệu cổ phiếu công bố hồi đầu tháng 9.

-Sau khi bán thỏa thuận thành công 4 triệu cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVComBank) tiếp tục đăng ký bán toàn bộ 4,55 triệu cổ phiếu PVD (1,65% vốn điều lệ) mà ngân hàng này sở hữu với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác cũng bị ngân hàng này đăng ký bán ra khi thị trường đã tăng đáng kể từ đầu năm và nhà đầu tư vẫn đang "say" trong đầu tư như: PHC của Phục Hưng; PVL của Địa ốc dầu khí..

Theo tính toán của chúng tôi, nếu thoái vốn thành công như đã đăng ký, PVCombank sẽ thu về được khoảng 1.400 tỷ đồng trong đó khoảng 600 tỷ đồng đã có kết quả giao dịch thành công.

Thị trường chứng khoán tăng cao, giao dịch mạnh là cơ hội cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu hiện thực hoá lợi nhuận. Đây là nhu cầu tất yếu của những người rót tiền mua cổ phiếu đầu tư.

Khi nhà đầu tư đang "say" với cơ hội thị trường, ồ ạt mua, ồ ạt bán thì không nhiều người quan tâm đến việc đã có ai đó rời thị trường ra đi. Có để ý chăng thì cũng chỉ là một thoáng xuất hiện trong đầu với ý nghĩ "Ai đó chỉ là phần nhỏ của thị trường, đâu cần quan tâm quá mức". Chưa bao giờ thị trường chứng khoán lại chứng kiến việc thay máu cổ đông lớn như bây giờ nhưng có lẽ với khối lượng giao dịch khổng lồ hiện tại thì vấn đề này có lẽ đang không được quan tâm đúng mức!

Phương Chi

thanhhuong

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên