MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Hàng nóng” trên TTCK: Nên mừng hay lo?

Kỳ vọng đối với các “hàng nóng” hiện nay đa phần lại là tính hiệu quả của tái cấu trúc nhằm đem lại sự phục hồi cho doanh nghiệp và từ đó là giá cổ phiếu.

Những tháng cuối năm 2013 đang chứng kiến một đợt sóng mới không chỉ chứng kiến sự tăng giá của những cổ phiếu lớn có cơ bản tốt như REE, HPG,... mà đặc biệt còn là hiện tượng tăng nóng của nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ.

Những tháng cuối năm 2013 đang chứng kiến một đợt sóng mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn trầm lắng giữa năm. Đợt sóng này không chỉ chứng kiến sự tăng giá của những cổ phiếu lớn có cơ bản tốt như REE, HPG,... mà đặc biệt còn là hiện tượng tăng nóng của nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ.

Mặc dù các chỉ số chứng khoán chung không tăng nhiều khi mà các cổ phiếu lớn chỉ biến động ở mức độ vừa phải thì rải rác đó đây là những cuộc bứt phá ngoạn mục, đầy hấp dẫn của lớp cổ phiếu mà dân trong nghề chứng khoán thường gọi là “hàng nóng”. VNH tăng trần 27 phiên liên tiếp từ 1,800 đồng/cp lên 7,000 đồng/cp, KMR tăng từ 2,400 đồng lên đến 10,000 đồng/cp, và gần đây có PXM tăng từ 600 đồng/cp lên 1,700 đồng/cp, MCG từ 3,900 đồng lên 6,300 đồng/cp…

Chọn đúng “hàng nóng” và đi hết quãng đường tăng giá của cổ phiếu này đối với một nhà đầu tư là một cơ hội vàng hiếm có; chính điều này cũng là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn lớn lao của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong lúc nhiều nhà đầu tư đang mừng rỡ vì nắm giữ được “hàng nóng” hoặc phấn chấn đi tìm ngôi sao tiếp theo của thị trường thì đây đó cũng đã bắt đầu có những lời cảnh báo thận trọng về hiện tượng đầu cơ giá lên và tâm lý bầy đàn đối với “hàng nóng”.

Nhiều nhà đầu tư e ngại rằng hiện tượng “hàng nóng” có thể là dấu hiệu chấm dứt xu hướng tăng giá chính của thị trường chứng khoán chung và thị trường có thể trở lại giống như quãng thời gian năm 2010-2011: Khi sự nhộn nhịp của các cổ phiếu “hàng nóng” chấm dứt, thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào một giai đoạn suy thoái kéo dài từ 2011 đến đầu năm 2013.

Theo quan điểm của người viết, mặc dù hiện tượng “hàng nóng” cho thấy sự tồn tại của một số yếu tố tiêu cực vốn có trên thị trường chứng khoán Việt Nam như tâm lý đầu cơ bầy đàn, yếu tố làm giá cổ phiếu,… nhưng hiện tượng “hàng nóng” hiện nay lại có nhiều điểm rất khác so với giai đoạn năm 2010-2011 đề cập ở trên.

1. Sự khác biệt ở sự biến động giá của các cổ phiếu lớn

Ở giai đoạn năm 2010-2011, nhiều cổ phiếu lớn đã giảm sâu, bao gồm cả những ngôi sao sáng hiện nay như REE và HPG, khiến cho nền tảng chung của thị trường chứng khoán bị lay động. Niềm tin vào đầu tư giá trị dài hạn sụt giảm, từ đó kích thích tâm lý đầu cơ ngắn hạn tăng cao.

Còn quá trình tăng giá của năm nay lại củng cố vững chắc từ các cổ phiếu lớn. Sóng tăng lần này trước hết bắt đầu ở các cổ phiếu hàng đầu như VNM, GAS… rồi đến REE, HPG… sau đó mới lan dần đến các cổ phiếu vừa và nhỏ như PTB, SCL, và rồi dần trở nên nóng hơn với các hiện tượng KMR, VNH… hay gần đây nhất là TNT, MCG…

Một quá trình tăng như vậy thông thường được dẫn dắt bởi niềm tin về đầu tư giá trị vào doanh nghiệp trở lại, nhà đầu tư đã sẵn sàng để nắm giữ cổ phiếu một cách lâu dài hơn, kỳ vọng bền vững hơn, chứ không hẳn chỉ là một con sóng đầu cơ ngắn hạn.

2. Sự khác biệt ở mức giá và kỳ vọng của các cổ phiếu nhỏ - hàng nóng:

“Hàng nóng” ở giai đoạn năm 2010-2011 có mức giá bình quân cao hơn rất nhiều so với “hàng nóng” hiện nay. Ngôi sao tiêu biểu của giai đoạn đó là PVA, đã có lúc chạm đến 120,000 đồng/cp trong khi đa phần các “hàng nóng” hiện nay đều có mức giá chỉ vài nghìn đồng. Vì vậy một chu kỳ tăng mạnh của “hàng nóng” hiện nay cũng không đẩy mức giá lên quá cao, vượt quá cảm nhận về rủi ro của nhà đầu tư, từ đó cho phép quá trình tăng giá kéo dài.

Đặc điểm của các “hàng nóng” ở giai đoạn năm 2010-2011 là kỳ vọng lợi nhuận khổng lồ từ những dự án khủng như bất động sản hoặc khai khoáng, hoặc nghị quyết chia thưởng hấp dẫn…, còn kỳ vọng đối với các “hàng nóng” hiện nay đa phần lại là tính hiệu quả của tái cấu trúc nhằm đem lại sự phục hồi cho doanh nghiệp và từ đó là giá cổ phiếu. Đặc điểm này thường là tín hiệu cho thấy tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư đã bắt đầu phục hồi sau một giai đoạn dài khủng hoảng niềm tin do thị trường chứng khoán suy thoái.

Tóm lại, mặc dù vẫn tồn tại một số yếu tố tiêu cực trong hiện tượng “hàng nóng” hiện nay cần được giảm trừ, người viết tin tưởng rằng nhà đầu tư Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để có thể tìm được cho mình những cơ hội đầu tư có lợi nhuận tốt với rủi ro thấp.

Tất nhiên, để tìm được cổ phiếu tăng giá tốt, ngoài vận may, nhà đầu tư còn cần phải bỏ ra nhiều công sức chắt lọc từ hàng nghìn cổ phiếu trên thị trường, và người viết hi vọng sẽ tiếp tục được chia sẻ với độc giả ở kỳ sau: Các đặc điểm và tín hiệu để nhận biết “hàng nóng”.

Theo Nguyên Quân

phuongmai

Công lý

Trở lên trên