MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy bản lĩnh và tham lam như… Warren Buffett?

Nếu VN-Index đạt 550 - 600 điểm vào cuối năm như những chuyên gia lạc quan đã dự báo thì sẽ là thảm họa nếu bán cổ phiếu khi VN-Index ở ngưỡng 300 điểm.

“Hãy tham lam khi mọi người sợ hãi" - nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett những ngày này được giới đầu tư toàn cầu thêm phần ngưỡng mộ khi ông bỏ ra hàng chục tỷ USD để mua cổ phiếu của GE hay Morgan Stanley, trong khi cả thế giới hiện đại lên ruột vì cơn bão tài chính đang hủy diệt những tổ chức tài chính lớn nhất nước Mỹ. TTCK Mỹ đã luôn trong tình trạng SOS.

Tin bão xa

Cớ gì nhà đầu tư Việt Nam cứ nhìn theo nước Mỹ? Điều này thì người viết không rõ, chỉ biết những ngày này, nhà đầu tư của chúng ta "ngày quên ăn, tối quên ngủ" vì câu chuyện ở bên kia bán cầu. Không chỉ tại Việt Nam, các nhà đầu tư từ Á sang Âu cũng thế thôi, vì nước Mỹ chưa bao giờ chỉ yên chuyện trong đường biên giới của mình.

Mức độ kịch tính của câu chuyện đang xảy ra tại nước Mỹ còn là một ẩn số để nhà đầu tư ra quyết định nên tham lam hay sợ hãi, khi cơn bão tài chính của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nồi cơm của cả thế giới đầu tư.

Khi Hạ viện Mỹ không thông qua liều thuốc trợ tim trọn gói trị giá 700 tỷ USD (số tiền quá lớn, nhưng hiệu quả không chắc chắn) thì ngay lập tức, khoảng 1.200 tỷ USD giá trị chứng khoán tại Mỹ đã bốc hơi chỉ trong 1 ngày 30/9. Nếu 700 tỷ USD là cái giá quá đắt, một số tiền kỷ lục bơm vào thị trường, thì sự bốc hơi của TTCK trong chỉ một ngày lại lớn hơn quá nhiều.

Chẳng thế mà sau đó, thứ Tư tuần qua, Thượng viện Mỹ không quá khó khăn với việc thông qua kế hoạch này, đồng thời Hạ viện Mỹ vào đêm 3/10 (theo giờ Việt Nam) cũng đã đồng ý chuẩn chi.

Nhưng cho dù TTCK Mỹ đã có thuốc cầm máu khẩn cấp dành cho các ngân hàng đang trên bờ vực phá sản, thì việc ông trùm của trường phái đầu tư giá trị, Warren Buffett bỏ tiền ra lúc này là đi ngược lại hướng đi của phần lớn nhà tài phiệt ở Mỹ cũng như Âu và Á.

Trên thực tế, phương án bỏ tiền ra lúc này rõ ràng là khá mạo hiểm vì rất nhiều tài sản của các nhà đầu tư châu Á và châu Âu tại Mỹ có thể mất trắng và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, cơn khủng hoảng có thể lan ra quy mô toàn cầu.

Theo kinh nghiệm "phòng chống bão lũ" của Việt Nam, chúng ta có thời thiệt hại nặng nề về người và của khi các bản tin thời tiết thường dùng khái niệm "bão xa" khiến người dân chủ quan không đề phòng.

Chứng khoán Việt Nam rẻ hay đắt?

Nhìn vào chỉ số VN-Index, giá trị chứng khoán tại TTCK Việt Nam hôm nay đã mất trung bình 60% so với giai đoạn cực thịnh trong chu kỳ 5 năm (giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2007) khi VN-Index đạt trên 1.100 điểm.

Sự mất mát này tưởng chừng quá lớn. Nhìn vào kết quả quý II và quý III của các công ty niêm yết, chúng ta có thể thấy rất nhiều DN đạt được tỷ suất lợi nhuận trên vốn từ 30% - 50%, nhưng giá cổ phiếu chỉ đạt 20.000 - 40.000 đồng, tương đương với chỉ số P/E khoảng 6 - 8 lần. Nhiều cổ phiếu của DN quy mô nhỏ hoặc niêm yết tại sàn HASTC còn có giá giao dịch thấp hơn và chỉ số P/E còn hấp dẫn hơn.

Xét một cách cảm tính, mặt bằng giá chứng khoán hiện nay là rẻ về giá giao dịch hay các chỉ số sinh lợi như ROE, ROA hay giá trị sổ sách… nếu không xét đến 2 yếu tố: kỳ vọng lợi suất đầu tư và khả năng tăng trưởng ổn định.

So với giai đoạn VN-Index trong khoảng 900 - 1.100 điểm (9 tháng cuối năm 2007), mặt bằng lãi suất ngân hàng hiện nay cao gấp gần 2 lần. Xét về khía cạnh đầu tư, với mặt bằng lãi suất như vậy thì nhà đầu tư thường mong muốn suất sinh lời thực tế cũng cao hơn gấp đôi hoặc hơn (do rủi ro tăng lên) hoặc họ sẽ gửi tiết kiệm hoặc đầu tư thật bảo thủ. Do đó, với kỳ vọng lợi nhuận đầu tư hiện nay đã cao hơn gần 2 lần, mức giảm giá chứng khoán 50 - 60% là khá hợp lý.

Nhiều người có lý khi cho rằng, giá trị DN hiện nay được đánh giá quá thấp và nếu bỏ ra số tiền gấp 2 lần giá trị của một DN niêm yết cũng khó mà gây dựng được một DN tương tự trong vòng 3 năm. Không những thế, DN niêm yết vẫn tăng trưởng và sinh lợi tốt.

Mệnh đề sau không có gì khiến nhà đầu tư phải băn khoăn nếu như tình hình vĩ mô năm 2008 của Việt Nam là ổn và hệ thống báo cáo là đáng tin vậy.

Trường hợp lời giả, lỗ thật của CTCP Bông Bạch Tuyết chỉ được phát giác sau 3 năm khiến chúng ta không thể hoàn toàn vô lo. Thực tế là diễn biến kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn đầy thách thức với DN và hoàn toàn có khả năng sẽ có thêm nhiều báo cáo đẹp nhờ thủ thuật kế toán.

Trên chuyến xe… đổ đèo

Mua một cổ phiếu tốt thì không bao giờ cần bán cả. Những nhà hiền triết vẫn thường khuyên như thế bởi ý nghĩa đơn sơ của việc đầu tư là: bạn mua một cổ phiếu với giá hợp lý thì càng giữ lâu, càng lời nhiều vì tiền lại sinh ra tiền, DN tốt sẽ ngày càng làm ra nhiều tiền hơn.

Phương pháp đầu tư này rất cao minh trừ khi bạn chọn lầm DN không tốt, mua giá cao và khi cả thị trường đều thua. Tất nhiên, có rất nhiều nhà đầu tư đủ cao minh để chọn đúng DN tốt và đủ kiên nhẫn để chờ mua được tại giá hợp lý.

Cuối cùng, mối lo ngại của tuyệt đại đa số chúng ta hiện nay là liệu tình hình khó khăn của nền kinh tế có thực sự được giải quyết hay không? DN sẽ ổn định và tăng trưởng hay lâm vào khó khăn, thậm chí phá sản?

Thực tế không ngọt ngào là kịch bản cả thị trường có thể tiếp tục thua trong quý IV/2008 và 6 tháng sau đó vẫn có một xác suất khá cao.

Nói cách khác, các nhà đầu tư có thể đang phải đối mặt với rủi ro do chu kỳ kinh tế phát triển chậm lại thay vì tăng tốc, nhiều ngành bước vào giai đoạn suy thoái thay vì phát triển cực thịnh và thậm chí có thể chứng khoán không còn là lựa chọn hợp thời trong các loại hình đầu tư giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009 vì một số yếu tố như sau:

1. Dấu hiệu đóng băng của thị trường bất động sản ngày càng rõ nét, áp lực thu hồi nợ vay giai đoạn cực sốt (11/2007 - 3/2008) căng thẳng. Hệ thống ngân hàng và các DN có dự án bất động sản sẽ gặp nhiều mất mát.

2. DN khó khăn về nguồn vốn trong khi mặt bằng lãi suất hiện vẫn cao gần gấp 2 lần so với 12 tháng về trước. Chính phủ mới đây cũng tiếp tục khẳng định chính sách thắt chặt tiền tệ, nên lãi suất khó giảm nhiều trong trung hạn.

3. Lạm phát đã được kiềm chế nhưng DN lại bắt đầu đối diện với nỗi lo về sức mua của thị trường nội địa và đặc biệt là thị trường xuất khẩu mạnh như Mỹ, Nhật Bản, EU đang gặp nhiều khó khăn.

4. Giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao do ảnh hưởng của lạm phát trong 6 tháng đầu năm, nên kết quả 6 tháng cuối năm sẽ khó đạt cao, xấu đẹp cũng phải khai thật, khai hết.

5. Lượng vốn mới bổ sung cho thị trường bất động sản và chứng khoán hiện chưa nhìn thấy. Người muốn bán cổ phiếu thu tiền nhiều hơn người muốn bỏ thêm tiền để mua.

Bạn có thể hình dung tình hình thị trường trong giai đoạn sắp tới như thế này: giá cả có thể đã hợp lý, nhưng giá trị của DN có thể còn giảm, vốn mới không đổ vào thị trường trong khi hàng hóa niêm yết mới sẽ tăng vào quý IV/2008.

Quan trọng nhất là đa số nhà đầu tư đều đang trong tư thế bảo thủ nên thường không bỏ quá 50% tài sản của mình vào chứng khoán, trái ngược hoàn toàn vào những gì họ đã làm 1 năm về trước.

Cuối cùng, khi tất cả các chuyên gia tài chính đều ngại bình luận cho những gì đang diễn ra, nội dung truyền thông ở khắp nơi trên thế giới đều cho thấy cảm giác giới đầu tư đang ngồi trên một chiếc xe đang đổ đèo. Nếu bạn can đảm, bản lĩnh và tham lam như Warren Buffett thì đó là cơ hội tốt vì mọi thứ đều có vẻ đang rẻ.

Theo Tâm Thiện
ĐTCK

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên