MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HTL chưa là hàng hiệu

HTL (CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long) đã tăng trần 4 phiên liên tiếp, đạt mức giá 184.000 đồng/CP và trở thành CP có thị giá cao nhất trên sàn CK.

Hàng hiệu thường có giá cao, nhưng suy luận ngược lại chưa chắc đúng và HTL có thể là một minh chứng.

Được giá nhờ ít hàng?

HTL có vốn điều lệ (VĐL) 80 tỷ đồng, tương đương số CP lưu hành là 8 triệu CP và đã lên sàn HOSE được 4 năm. Chỉ sau 9 tháng năm 2015, lợi nhuận (LN) sau thuế của HTL đã đạt xấp xỉ 102 tỷ đồng, EPS của CP này đạt hơn 12.700 tỷ đồng. Thậm chí nếu tính EPS trong 4 quý gần nhất của HTL, con số lên đến hơn 17.300 đồng/CP.

Với EPS vào loại cao nhất thị trường như vậy, dù thị giá lên đến hơn 18.0 P/E của CP này tính theo 9 tháng hay 4 quý cũng chỉ trên dưới 10 lần. Tức HTL là 1 CP có “chất” thực sự và mức giá này cũng chưa phải gọi là “đắt cắt cổ” hay phi lý. Tất nhiên, việc CP tăng giá không đơn thuần chỉ nằm ở yếu tố định giá hay nền tảng cơ bản, mà còn phải có yếu tố thị trường và điều này HTL cũng có lợi thế.

Khoảng 1 năm qua, ô tô là một trong những nhóm CP tăng “bốc” nhất thị trường và tất nhiên HTL cũng được hưởng lợi. Thêm một lợi thế nữa của HTL chính là số CP lưu hành của công ty vào loại thấp nhất tại HOSE, nói theo ngôn ngữ của thị trường thì “hàng ít” nên dễ tăng mạnh. Minh chứng rõ nhất là trong 10 phiên giao dịch gần nhất, tính đến 28-10 của HTL, KLGD trung bình chỉ hơn 1.700 CP/phiên, thậm chí có phiên không có giao dịch, phiên chỉ khớp được 500 CP.

Trong thời buổi hàng hóa trên sàn ngày một nhiều và sự phân hóa khắc nghiệt hơn, CP cần có những đặc điểm riêng biệt để thu hút các NĐT và HTL có khá nhiều. Lượng CP lưu hành thấp, EPS “khủng”, ngành hot có thể khiến giá CP tăng mạnh, nhưng lợi ích dành cho TTCK, cho NĐT và cho cả doanh nghiệp cần phải xem xét thêm.

Gần đây, HHS (CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy) là CP ô tô nổi bật nhất cũng đã phát hành CP để tăng VĐL từ gần 1.100 tỷ đồng lên hơn 2.330 tỷ đồng, con số này gấp gần 30 lần VĐL của HTL. So với một số công ty trong ngành khác như TMT hay HAX, VĐL của HTL cũng kém hơn. Dù vốn không phải là lợi thế cạnh tranh duy nhất cho doanh nghiệp, nhưng rõ ràng vốn lớn thì lợi thế lớn.

Hơn nữa, với một doanh nghiệp trong ngành thương mại, dịch vụ như HTL, nhu cầu vốn là rất lớn. Ở đây có thể lập luận rằng, nếu VĐL thấp có vể vay vốn từ ngân hàng, nhưng điều dễ thấy là nếu vay quá nhiều, tỷ lệ nợ/vốn sẽ bị đội lên cao và tất nhiên công ty cũng phải chịu nhiều chi phí về lãi vay. Trước mắt, khi ngành kinh doanh ô tô vẫn đang phục hồi và tăng trưởng, miếng bánh của ngành sẽ chia đều cho nhiều công ty, nhưng về lâu dài chắc chắn mỗi đơn vị phải đi tìm lợi thế cho riêng mình.

Chỉ mới là lợi thế

Tất nhiên, HTL hoàn toàn có đủ điều kiện để tăng VĐL khi công ty có EPS cao, ngành cũng đang thuận lợi và nhìn trong cơ cấu cổ đông cũng có cả các tổ chức ngoại. Tuy nhiên, tăng vốn như thế nào vừa để tạo ra lợi thế cho công ty vừa giữ được sự hấp dẫn cho CP là một thách thức.

Do VĐL chỉ dưới 100 tỷ đồng, vào loại nhỏ, nên nếu tiến hành tăng vốn từ từ theo từng giai đoạn, việc bổ sung vốn có thể trở nên chậm, trong khi nếu tăng với tỷ lệ cao sức ép dành cho công ty trong việc duy trì tăng trưởng cũng lớn.

Thí dụ, nếu tăng vốn lên gấp đôi, câu hỏi đặt ra có thể là LN có tăng tương ứng được gấp đôi hay không? Câu trả lời nếu là có thì đợt tăng vốn có thể diễn ra cực kỳ thuận lợi và lợi thế ở đây là công ty còn thu hút được thêm nhiều NĐT, đặc biệt khi giá CP được điều chỉnh giảm, trở nên rẻ hơn về mặt thị giá.

Nhưng nếu công ty không duy trì được mức độ tăng trưởng nói riêng và kỳ vọng của NĐT nói chung, CP có thể gặp nhiều thách thức. Điều này cần phải xem xét vì có không ít công ty, với quy mô VĐL nhỏ có thể kinh doanh rất hiệu quả, nhưng khi vốn lớn bắt đầu chững lại. Vậy nên, một công ty nếu có thể tăng vốn mạnh, tăng nhanh chưa chắc đã tốt, vì những rủi ro về hiệu quả sử dụng vốn cũng cần phải xem xét.

Rõ ràng, xét về mặt định giá HTL chưa phải đắt, nhưng việc thị giá vào loại cao nhất thị trường có thể khiến nhiều người e ngại và càng e ngại hơn khi thanh khoản quá thấp dù có muốn mua cũng rất khó. Như vậy, có tiền cũng chưa chắc đã mua được HTL cho đủ số lượng mình cần tại một mức giá hợp lý.

Để trở thành “hàng hiệu” sản phẩm cần phải tạo ra sự yên tâm cho NĐT. Rõ ràng HTL có thực lực, nhưng còn là một cái tên quá mới và cũng chỉ mới “lên đỉnh” về mặt thị giá trong thời gian ngắn và cần phải thêm thời gian dài để khẳng định mình.

Nếu CP này có thể giữ vững vị thế trong hoạt động, cũng như sự ổn định cho giá CP trong một thời gian dài, lúc đó mới tạo ra sự yên tâm trong số đông cho các NĐT và chính thức khẳng định mình là vị thế “hàng hiệu”. Còn bây giờ, thị giá cao chỉ là một lợi thế chứ chưa xác lập vị thế cho HTL.

Theo Du Miên

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên