Hủy niêm yết trước áp lực thanh lọc thị trường
Thanh lọc các doanh nghiệp yếu là xu hướng tất yếu, hậu thanh lọc trên sàn sẽ chỉ còn các doanh nghiệp tốt, hàng hóa tốt.
- 26-02-2016Cổ phiếu KTB, PTK bị hủy niêm yết do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin
- 22-02-2016Hủy niêm yết cổ phiếu TCT để chuyển sàn
- 12-01-2016Tăng vốn quá lớn, cẩn thận bị hủy niêm yết
Năm 2010, doanh nghiệp hủy niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán chỉ có 6, qua dần các năm, con số này ngày một tăng lên. Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm con số cổ phiếu hủy niêm yết trên cả 2 sàn đều trên 30, năm 2013 là 37 mã, năm 2014 là 34 mã và năm 2015 là 35 mã, trong đó sàn HSX chiếm 16 mã và HNX chiếm 18 mã. Hủy niêm yết mặc dù sẽ làm giảm số lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán tuy nhiên hiện đây là công cụ hữu ích nhất để thanh lọc thị trường, trên sàn sẽ chỉ còn các doanh nghiệp tốt, hàng hóa tốt.
Hủy niêm yết do vi phạm nghĩa vụ CBTT
Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết do vi phạm nghĩa vụ CBTT hiện không còn là hiện tượng cá biệt nữa, cổ phiếu AVF bị hủy niêm yết do công ty mãi không chịu công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Cổ phiếu MAX cũng rơi vào diện hủy niêm yết khi không công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2014, báo cáo tài chính quý 4/2014 và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014.
Mới đây nhất, do liên tục bị nhắc nhở về các lỗi như chậm công bố thông tin bất thường, chậm nộp báo cáo quản trị công ty, chậm công bố báo cáo tài chính định kỳ... cổ phiếu của Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (KTB) và Luyện kim Phú Thịnh (PTK) đã chính thức bị "đá" khỏi sàn giao dịch HSX.
Trước sự chậm chạp hoặc cố tình chây ỳ của các doanh nghiệp trong công bố thông tin, cơ quan quản lý đã khá mạnh tay khi xử lý hủy niêm yết hoặc cảnh cáo đối với một số cổ phiếu. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế và đã đến lúc cơ quan quản lý cần có những giải pháp cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư trong những trường hợp doanh nghiệp bị hủy niêm yết vì lý do này.
Hủy niêm yết do tự nguyện để tái cấu trúc
Thời gian qua đã có một loạt doanh nghiệp xin hủy niêm yết tự nguyện như SBC, TTP và BT6 với lý do tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh; tập trung phát triển doanh nghiệp. Đứng trước những thách thức mới của môi trường kinh doanh, cũng như nhu cầu phát triển, cùng với những khó khăn phát sinh trong kinh doanh nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần được tái cấu trúc lại để có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững. Tái cấu trúc là quá trình nâng cao thể trạng của doanh nghiệp trên nền tảng hiện có, là quá trình thực hiện những thay đổi căn bản trong doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp để thực hiện những mục tiêu đã đề ra.
Như vậy yêu cầu tái cấu trúc là tất yếu đối với tất cả các doanh nghiệp, câu hỏi đặt ra là tại sao trong khi nhiều doanh nghiệp khác vẫn tiến hành quá trình tái cấu trúc nhưng lại không cần hủy niêm yết?
Hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ vượt vốn điều lệ
Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp theo quy định sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc - Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến các cổ phiếu bị hủy niêm yết trong thời gian vừa qua, riêng năm 2015 có khoảng trên 20 doanh nghiệp bị hủy niêm yết vì lý do này.
Việc doanh nghiệp lỗ liền 3 năm trong đó có thể có những doanh nghiệp lỗ liên tiếp trong nhiều quý không chỉ cho thấy hiệu quả hoạt động SXKD của những doanh nghiệp đó yếu kém mà còn phản ánh những vấn đề khó khăn nội tại mà doanh nghiệp đã gặp phải trong một thời gian dài mà không tìm được lối thoát.
Cá biệt có trường hợp thua lỗ buộc phải hủy niêm yết của VST, sau khi lỗ 3 năm liên tiếp 2012, 2013 và 2014, doanh nghiệp này đã bị hủy niêm yết và chuyển sang giao dịch trên UpCOM, tuy nhiên tình hình SXKD chưa thấy có dấu hiệu sáng sủa khi VST tiếp tục báo lỗ thêm gần 194 tỷ đồng nâng mức lỗ lũy kế lên tới âm 809 tỷ đồng, nguyên nhân thua lỗ có thể được nhìn nhận là do năm 2015 giá cước tàu thấp kỷ lục, bước sang năm 2016 ngành vận tải biển sẽ vẫn bất ổn do một số chi phí khai thác tàu tăng theo luật định và do các mối đe dọa về an ninh mạng, những vấn đề địa chính trị gia tăng.
Theo quy định khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã phải có giải trình và lên phương án khắc phục theo đó thiết nghĩ có lẽ không cần chờ đến tận 3 năm lỗ mới thông báo hủy niêm yết mà có thể rút ngắn thời gian xuống 2 năm, thậm chí đối với doanh nghiệp lỗ liên tiếp nhiều quý đã có thể thông báo hủy niêm yết rồi.
Hiện các doanh nghiệp về cơ bản đã hoàn thành việc công bố BCTC năm 2015, còn phải chờ những báo cáo này được kiểm toán tuy nhiên án hủy niêm yết là hiện hữu đối với một số doanh nghiệp như Thực phẩm Vĩnh Long (VLF), doanh nghiệp này lỗ 74 tỷ đồng trong năm 2015 và LNST chưa phân phối tính đến 31/12/2015 là âm 155,5 tỷ đồng - VLF là trường hợp hiện đang vừa lỗ 3 năm liên tiếp vừa lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.
Một số doanh nghiệp khác như Idico (PXL), Sara (SRB) và CID cũng sẽ khó có khả năng xoay chiều tình thế sau khi có BCTC kiểm toán khi tiếp tục báo lỗ thêm trong năm 2015 sau khi đã lỗ 2 năm trước đó. Không lỗ 3 năm liên tiếp những lỗ lũy kế đã vượt vốn điều lệ khiến VC5, đối với trường hợp của Viglacera Đông Anh (DAC) đã chính thức báo lỗ lũy kế 13,8 tỷ đồng - kiểm toán còn đưa ra ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này. Đáng chú ý đến thời điểm này có một số doanh nghiệp khác mặc dù đã lỗ 2 năm liên tiếp nhưng đã thoát lỗ ngoạn mục trong năm 2015 như HDO, DC2, DLR, IDJ, CVN và có cơ hội thoát án hủy niêm yết.
Nguyên nhân hủy niêm yết mỗi năm đều thêm phong phú, số lượng cổ phiếu trên cả 2 sàn đều liên tục biến động do hủy niêm yết, chuyển sàn, niêm yết mới tuy nhiên có một điều chắc chắn là yêu cầu về chất lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường đang ngày càng trở lên khắt khe hơn, doanh nghiệp niêm yết yếu kém phải chấp nhận sự sàng lọc, đào thải mạnh mẽ của chính thị trường và nhà đầu tư.
HNX&HSX