MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO 2015: Khi “bom tấn” lỗi hẹn!

Dù do thị trường chứng khoán nhiều biến động, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không hấp dẫn nhà đầu tư hay vì bất kỳ lý do gì, việc doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết đối với thị trường cũng là một điều đáng buồn, khiến họ bị mất điểm trong con mắt nhà đầu tư.

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo Thủ tướng, thời gian qua đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp. Dự kiến năm 2015, cổ phần hóa được 200/289 doanh nghiệp.

Như vậy, có thể nói, dù rất quyết liệt nhưng trong năm nay, Chính phủ vẫn không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.

Nếu như trong năm 2014, thị trường vô cùng sôi động với hàng loạt các thương vụ IPO nghìn tỷ như Đạm Cà Mau, Vinatex, Vietnam Airlines hay Sasco thì sang năm 2015, thị trường lại khá ảm đạm.

Điểm qua một loạt các vụ IPO trong năm nay thì chỉ thấy lác đác một vài thương vụ lớn như trường hợp của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi, Cảng Sài Gòn hay ACV, trong đó, chỉ có thương vụ của ACV là có giá trị trên 1.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến cho cổ phần hóa năm nay không được sôi động như năm trước phần lớn là do một loạt các "bom tấn" đều lỗi hẹn. Có thể kế đến trường hợp của "ông lớn" ngành viễn thông MobiFone.

Với vị thế và quy mô hiện tại, có thể nói trong danh sách 298 DNNN cần được cổ phần hóa trong năm nay, MobiFone luôn dành được sự quan tâm hàng đầu từ các nhà đầu tư.

Theo kế hoạch ban đầu, MobiFone và một số doanh nghiệp khác sẽ phải tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp trong quý II/2015, công bố giá trị doanh nghiệp trong quý III/2015 và tiến hành cổ phần hóa trong quý IV/2015.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, khi chỉ còn vài ngày nữa là năm tài chính 2015 sẽ kết thúc, thị trường vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin mới nào tư MobiFone, ngoài việc doanh nghiệp này đã lựa chọn Công ty Chứng khoán Bản Việt tư vấn cổ phần hóa sau khi thương thảo với Credit Suisse không thành.

Trước đó, trong năm 2014, HSC từng đưa ra ước tính giá trị của MobiFone vào khoảng 3,4 tỷ USD và có thể lên đến 4 tỷ USD sau IPO.

Một thương vụ khác cũng tốn không ít giấy mực của báo giới là hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Hồi đầu năm nay, một lãnh đạo của hãng hàng không tư nhân cho biết, đang lên kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 10/2015.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, CEO của Vietjet, ông Lưu Đức Khánh cho biết hãng có thể sẽ chọn Hong Kong hoặc Singapore làm nơi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, kỳ vọng sẽ thu được 800 triệu USD, tương đương 18 nghìn tỷ đồng thông qua việc IPO.

Đến cuối tháng 8, hãng này lại bất ngờ thông báo, sẽ chuyển thời gian IPO về cuối năm, đồng thời, sẽ IPO ngay tại thị trường trong nước thay vì quốc tế như kế hoạch ban đầu. Tuy vậy, có lẽ, Vietjet Air sẽ đành "lỗi hẹn" với nhà đầu tư thêm lần nữa.

Một "ông lớn" khác cũng đang "nợ" IPO là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp này đã được lên kế hoạch từ rất lâu, tuy nhiên, thời điểm IPO cho tới giờ này vẫn đang là một ẩn số.

Còn nhớ hồi cuối năm 2014, trong cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines khẳng định, Vinalines sẽ hoàn thành việc xây dựng phương án cổ phần hóa trong năm 2014 và đến quý I/2015 sẽ thực hiện IPO.

Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Vinalines sẽ là 9.100 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần của Nhà nước sẽ là 36%, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 30%, cổ phần bán ra bên ngoài 33,75%.

Tuy nhiên, sau hai lần xin hoãn IPO đến quý II và quý III/2015, hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì từ doanh nghiệp này.

Theo lý giải của ông Sơn, Vinalines đang thực hiện tái cơ cấu nợ theo Nghị quyết 30. Trong trường hợp Vinalines hoàn tất cổ phần hóa để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, cũng đồng nghĩa với việc giải quyết công nợ phải dừng lại, vì Nghị quyết 30 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, không áp dụng cho doanh nghiệp cổ phần.

"Vấn đề của Vinalines hiện tại là phải gấp rút giải quyết công nợ trước khi tiến hành IPO. Việc xử lý tái cơ cấu giảm nợ, giãn nợ đến nay không chỉ là vấn đề thực hiện mục tiêu đề án tái cơ cấu mà là vì chính sự sống còn của doanh nghiệp", ông Sơn nhấn mạnh.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, tổng số nợ của Vinalines đến nay đã giảm được 40 - 45%, song số nợ còn lại vẫn còn trên 7 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, để cổ phần hóa thành công, công nợ phải đưa về mức có thể chấp nhận được, khoảng 3 nghìn tỷ đồng.

Dù vậy, dù do thị trường chứng khoán nhiều biến động, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không hấp dẫn nhà đầu tư hay vì bất kỳ lý do gì, việc doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết đối với thị trường cũng là một điều đáng buồn, khiến họ bị mất điểm trong con mắt nhà đầu tư.

Liệu những lời hứa từ năm 2015 sẽ được thực hiện trong 2016? Và liệu các nhà đầu tư có đủ kiên nhẫn để chờ đợi?

 

 

Theo TRẦN THÚY

BizLIVE

Trở lên trên