MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO DNNN: Hàng tốt không lo "dội chợ"

Theo kế hoạch, sẽ có hàng trăm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa từ nay đến cuối năm 2015.

Ngoài yếu tố khách quan là TTCK, khả năng thành công của các đợt chào bán cổ phần lần đầu (IPO) phụ thuộc vào tình hình nội tại của DN.

Thiếu vắng vốn ngoại

Theo thống kê từ HNX, tính từ đầu năm đến nay, có 25 DNNN thực hiện IPO. Trong 25 DN này, Bộ Giao thông-Vận tải chiếm áp đảo với 9 DN được cổ phần hóa. DN có vốn điều lệ lớn nhất là Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng (vốn điều lệ 3.270 tỷ đồng), kế đó là Tổng công ty Viglacera (vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng).

Kết quả đấu giá cho thấy, chỉ duy nhất Viglacera bán được 10,1 triệu cổ phần cho NĐTNN (chiếm 52% số cổ phần bán được), các DN khác không bán cổ phần nào cho NĐTNN. Trong khi đó, có những DN chỉ bán được dưới 5% số cổ phần chào bán. Đơn cử là trường hợp của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8, chỉ bán được 37.000 cổ phần trên tổng số hơn 10 triệu cổ phần chào bán (tỷ lệ thành công 0,37%).

Tại HOSE, có 4 DNNN được cổ phần hóa. Tỷ lệ thành công cao nhất thuộc về Công ty TNHH MTV Đăng kiểm xe cơ giới Tây Ninh, nhưng cũng chỉ đạt 37%, tương đương thu về 6 tỷ đồng. Ngoài ra, 1 tổng công ty thuộc Bộ Giao thông- Vận tải đã được đấu giá tại HOSE là Tổng công ty MTV Xây dựng công trình giao thông 6, bán được 567.400 cổ phần trên tổng số hơn 1,5 triệu cổ phần chào bán với giá bình quân 10.000 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của cuộc đấu giá này là 4,1%, tương đương với 11,7 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính chung trên cả nước, tổng giá trị cổ phần bán được kể từ đầu năm đến nay khoảng 1.662 tỷ đồng.

Theo lý giải của các chuyên gia, có 4 yếu tố quyết định thành bại đối với hoạt động IPO của DN, gọi tắt là 4T (tài chính, thương hiệu, thị trường và thị hiếu). Đầu tiên là tình hình tài chính, tức hoạt động DN không khả quan khiến NĐT còn e dè khi đầu tư. Kế đến thương hiệu và thị trường (giá cổ phần chào bán).

Theo tính toán nếu dùng số tiền này, NĐT vẫn có thể mua được CP của các DN đang niêm yết có tính thanh khoản và có thể rút vốn bất cứ lúc nào. Yếu tố cuối cùng chính là thị hiếu của NĐT.

Thực tế, nếu nhìn vào danh sách các DN IPO thành công có thể thấy các DN này đều hoạt động ở lĩnh vực đặc thù và không chịu nhiều tác động của suy thoái kinh tế như: Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội, Công ty TNHH MTV Ôtô 1-5, CTCP Du lịch Đà Nẵng, Công ty Vận tải và Chế biến lâm sản, Tổng công ty Xây dựng đường thủy.

Lấy chuẩn 4T

Quay lại với trường hợp của Viglacera. Có thể nói, yếu tố thu hút vốn ngoại chính là nhờ DN này đã đáp ứng được các tiêu chuẩn 4T NĐT mong đợi. Chẳng hạn, cho đến nay, ngoài lĩnh vực chính là sản xuất vật liệu xây dựng, Viglacera vẫn là DN kinh doanh bất động sản có danh mục đa dạng phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bất động sản cũng là một trong những lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất hiện nay. Viglacera được xem là DN đi tiên phong trong lĩnh vực nhà ở xã hội.

Thành công nổi bật trong lĩnh vực bất động sản là Viglacera đã bàn giao hơn 1.000 căn nhà xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá 2 cho khách hàng trước Tết Giáp ngọ 2014 đảm bảo đúng thời gian cam kết, tiêu chí giá thấp nhất và chất lượng tốt như nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh của Viglacera cũng hết sức khả quan sau hàng loạt giải pháp tái cơ cấu. Theo BCTC quý I-2014, Viglacera đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh doanh với doanh thu đạt 113%, lợi nhuận đạt 110%.

Theo kế hoạch, Viglacera sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc tiết giảm chi phí tại tất cả các đơn vị, rà soát lực lượng lao động hợp lý để tăng năng suất lao động, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các giải pháp về công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá bán sản phẩm.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, Viglacera sẽ tiếp tục triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, KCN Yên Phong, Đông Mai; tập trung củng cố công tác xuất khẩu, mở rộng thị trường... Theo kế hoạch quý II-2014, Viglacera đề ra và phấn đấu lợi nhuận tăng hơn 80 tỷ đồng, giá trị sản xuất kinh doanh tăng 35%, doanh thu tăng 55% so với thực hiện quý I.

Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có hàng trăm DNNN tiếp tục được IPO từ nay đến cuối năm 2015. Tuy nhiên, khả năng thành công vẫn là dấu hỏi lớn bởi điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan là TTCK và quan trọng nhất vẫn là yếu tố nội tại của DN.

Trong số các DN có kế hoạch IPO sắp tới, nổi lên nhất vẫn là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhờ hội đủ các tiêu chí 4T. Theo số liệu quý I-2014 vừa được Vietnam Airlines công bố, DN này đã thực hiện gần 16.000 chuyến bay an toàn, đạt 97,4% kế hoạch quý (tăng 9,75%), tổng lượng khách vận chuyển được trên 4 triệu khách, (tăng 13,5% và vượt 3,7% kế hoạch).

Với kết quả này, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất quý I đạt 19.111 tỷ đồng (tăng hơn 45%), lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 478,7 tỷ đồng (tăng 19% so cùng kỳ năm trước). Được biết, năm 2013 Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất 72.555 tỷ đồng (tăng 11%), lợi nhuận trước thuế 2013 đạt 549,4 tỷ đồng (tăng 40%). Năm 2014, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 79.573 tỷ đồng (tăng 10%), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 969 tỷ đồng (tăng 76%). Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ tiến hành IPO trong quý III-2014.

Theo KIM GIANG

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên