Ngay từ cuối năm 2007, thời điểm cổ phiếu VCB được đưa ra đấu
giá, giới đầu tư đã hy vọng, cổ phiếu này sẽ sớm niêm yết trong năm 2008.
Khi cổ phiếu VCB được tiến hành IPO, sự kiện này đã trở
thành một trong những chủ đề được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất vào thời điểm
đó.
Tuy nhiên, sau phiên đấu giá đầy hào hứng thì cổ phiếu VCB lại chìm vào im ắng,
suốt cả năm 2008 thấp thỏm trong chờ đợi, các nhà đầu tư vẫn chưa có cơ hội được
giao dịch số cổ phiếu VCB trên sàn chứng khoán.
Trong năm 2008, Chủ tịch HĐQT VCB Nguyễn Hòa Bình đã từng
cho biết, ngân hàng này dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch TP.HCM
(HOSE) sớm nhất là vào quý II/2008 và phấn đấu niêm yết tại thị trường nước
ngoài vào năm 2009. Tuy nhiên, đến tận đầu tháng 4/2009, HOSE mới chấp thuận
VCB niêm yết về mặt nguyên tắc.
Ông Đỗ Anh Minh, một nhà đầu tư cho biết, từ cuối năm 2008,
khi thị trường bắt đầu suy giảm thì ông đã có kế hoạch đầu tư vào cổ phiếu VCB,
nhưng lại không muốn mua trên thị trường OTC vì sợ rủi ro.
Chính vì vậy, ông
Minh rất háo hức chờ đợi ngày VCB được niêm yết chính thức. Trong khi đó, một số
nhà đầu tư khác đang nắm giữ cổ phiếu này cũng mong VCB sớm niêm yết để có thể
bán đi trên thị trường chính thức, vì họ hy vọng giá giao dịch trên sàn minh bạch
và rõ ràng hơn so với mua bán ở thị trường OTC.
Trong suốt thời gian qua, việc niêm yết cổ phiếu VCB vẫn bị
lấn bấn bởi hai câu hỏi là giá chào sàn sẽ được xác định như thế nào và khối lượng
cổ phiếu niêm yết là bao nhiêu?
Lãnh đạo VCB cho biết, giá chào sàn được xác định
dựa trên nhiều yếu tố, cả giá trị nội tại, kỳ vọng về tương lai của doanh nghiệp
và đặc biệt phải tuân theo quy luật thị trường.
Hiện nay, giá giao dịch trên thị trường OTC của cổ phiếu VCB
vào khoảng 35.000 - 36.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, dù có lạc quan, giá chào sàn
của VCB, nếu gắn với thị trường, cũng vẫn thấp hơn nhiều so với giá trúng thầu
bình quân 107.000 đồng/cổ phiếu.
Việc chọn giá chào sàn thấp, không chỉ cổ đông
nhỏ xót ruột, mà những cổ đông lớn cũng không vui, do khi cổ phiếu lên sàn giá
trị thị trường được ghi nhận chuẩn, thì các cổ đông tổ chức sẽ phải trích lập
giảm giá đầu tư tài chính.
Trong khi đó, việc chọn giá chào sàn cao thì cũng có thể xảy
ra nhiều điểm tiêu cực khác.
Chẳng hạn, nếu chọn giá chào sàn xấp xỉ hoặc chỉ
thấp hơn chút ít so với giá trúng thầu bình quân thì gần như sẽ xảy ra tình trạng,
sau khi VCB niêm yết, giá cổ phiếu có thể giảm một mạch, kéo cả thị trường xuống
thấp và ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, việc một
“đại gia” như VCB khi đã niêm yết thì chỉ cần cổ phiếu này “hắt hơi” cũng có thể
làm lay động cả thị trường.
Cuối cùng, giải pháp được cho là dễ dung hoà là VCB sẽ chỉ
niêm yết một phần với tỷ lệ 9,28% vốn điều lệ. Đây là một tỷ lệ được phần lớn
các chuyên gia cho là phù hợp vì nếu như có biến động gì với cổ phiếu VCB sau
khi niêm yết thì cũng không ảnh hưởng quá lớn đến toàn thị trường.
* Ngày 28/4/2009, VCB sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông
thường nên lần thứ hai tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia - đường Phạm Hùng, Hà Nội,
nhằm thông qua báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2008 và định hướng, kế hoạch
kinh doanh năm 2009.
* Năm 2008, VCB công bố lợi nhuận ước đạt 3.350 tỷ đồng; tổng
tài sản đạt 220.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng là 16,4%; tăng
trưởng huy động vốn khoảng 12%; tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng 4,5%. Mức chi trả cổ
tức năm 2008 của VCB bằng tiền đạt tỷ lệ 12%/mệnh giá.
Theo Chí Tín
Báo Đầu tư