MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi "luật chơi" thay đổi

Việc đổi nhân sự cấp cao ngành chứng khoán đã mang lại cho không ít công ty niềm hy vọng vượt qua được "điểm đen" do hàng loạt vấn đề thời kỳ chứng khoán tăng nóng mang đến.

"Nếu anh có 11 cầu thủ, 1 huấn luyện viên. Khi đội bóng liên tục thua cuộc thì anh phải làm gì: Đổi toàn bộ cầu thủ hay đổi huấn luyện viên?" -Một câu hỏi tưởng chừng dễ mà thực ra rất khó và đã được lãnh đạo một doanh nghiệp đưa ra trong hội nghị Ngày nhân sự Việt Nam 2013 tổ chức cách đây không lâu.

Thay lãnh đạo, thay "luật chơi"

Vị lãnh đạo doanh nghiệp nói trên đã cho rằng: huấn luyện viên như người đưa ra luật chơi cho đội của anh ta. Và, một khi thay huấn luyện viên thì luật chơi cũng sẽ thay đổi. Đội hình sẽ theo luật chơi mới do huấn luyện viên mới đưa ra.

Câu chuyện những tưởng dừng lại ở đó. Nhưng không, liệu đổi huấn luyện viên mới thì đội bóng sẽ ra sao? Sẽ không dễ dàng cho các cầu thủ đã quen với luật chơi cũ để thích ứng với luật chơi mới. Thói quen nhiều năm, hàng trăm vấn đề liên đới không thể ngày một, ngày hai mà thay đổi được. Đổi huấn luyện viên, đội bóng sẽ phải chịu biến động không ít.

Câu chuyện đội bóng cũng như câu chuyện doanh nghiệp thay đổi nhân sự cấp cao. Dẫu biết rằng sẽ có không ít đổi thay cho doanh nghiệp khi thay đổi lãnh đạo-nhất là khi thay đổi đột ngột-nhưng không ít công ty đã chọn phương án thay đổi nhân sự hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay.

Chúng tôi nhìn lại hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn đã thay đổi lãnh đạo cấp cao để cùng chia sẻ cho các doanh nghiệp sự ĐƯỢC-MẤT khi đổi lãnh đạo.

Kỳ 1: Công ty chứng khoán: Đổi chủ, vận vẫn loanh quanh

Chứng khoán Dầu khí (PSI) có lẽ là công ty chứng khoán có sự thay đổi nhân sự tốn nhiều giấy mực truyền thông nhất. Ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT PSI - người được bầu làm Chủ tịch HĐQT PVX xin miễn nhiệm. Gánh nặng của một công ty chứng khoán vốn điều lệ gần 600 tỷ đồng dồn lên vai một nhân vật khá trẻ và mới mẻ trong ngành chứng khoán: Bà Hoàng Hải Anh-sinh năm 1981.

Dù rằng, bà Hải Anh trả lời truyền thông rất tự tin là 'Tuổi đời trẻ nhưng tuổi nghề của tôi không trẻ' nhưng áp lực của thị trường chứng khoán trong giai đoạn lình xình hồi đầu quý 2 là không hề nhỏ. Bà Hải Anh cũng đã nhấn mạnh "sân" của PSI là ở mảng tư vấn (xem thêm).

Kết quả kinh doanh (xem thêm) 9 tháng đầu năm-dù không đáng để khoe nhưng cũng là bước tiến khá lớn của PSI so với cùng kỳ. Doanh thu tăng 17% lên 117 tỷ đồng và lãi vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng nhưng cũng đủ gấp mấy lần mức chưa đầy 540 triệu đồng 9 tháng đầu năm ngoái.

Chứng khoán MB (MBS) cũng không kém tiếng với sự thay đổi 2 nhân sự có tiếng trên thị trường chứng khoán:
Ông Lưu Trung Thái từ nhiệm TGĐ MBS để nhận nhiệm vụ Thành viên HĐQT MB kiêm Chủ tịch MBS. Ông Trần Hải Hà sinh năm 1980 nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc (xem thêm).

Sau thay đổi Tổng giám đốc thì chức Phó Tổng giám đốc của nhân vật khá nổi trên TTCK là ông Quách Mạnh Hào cũng được thay thế (xem thêm).

Những gì đạt được của MBS khó cân đong đo đếm bằng các chỉ tiêu tài chính nhưng có lẽ cổ đông MBS đón nhận thông tin lớn nhất về công ty thời gian gần đây là việc hợp nhất thành công với VITS. Việc hợp nhất này là nỗ lực của không ít bên trong việc đàm phán và đặt lên bàn cân đo đếm quyền lợi các bên. Cổ đông yên tâm với tình hình tài chính của công ty sau đợt hợp nhất nhưng cũng tranh cãi nhiều về 2 cổ phiếu nay chỉ còn 1 sau khi công ty tiến hành giảm vốn điều lệ để loại trừ nợ.

Tại Chứng khoán Phương Đông (ORS), tình hình đã dịu bớt từ sau cơn biến mang tên Huyền Như làm đảo lộn mọi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhân sự mới lên lại ra đi. Sóng đổi chủ liên tiếp xảy ra tại công ty chứng khoán này.

 Ông Trần Xuân Nam làm Tổng giám đốc từ 15/11/2012 để thay cho Ông Lâm Đạo Thảo nguyên Quyền Tổng Giám Đốc. Giữ ghế được hơn 9 tháng và trải qua những biến động sau sóng lớn, ông Trần Xuân Nam ra đi, đầu quân làm "cấp phó" cho Chứng khoán Phương Nam (xem thêm).

9 tháng tại vị ở ORS nhưng dường như kết quả kinh doanh (xem thêm) của công ty không nhiều biến chuyển. Ngưng việc thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư khiến công ty lỗ 1,2 tỷ đồng quý 3 nâng khoản lỗ 9 tháng đầu năm lên 1,62 tỷ đồng. "Tai bay vạ gió" từ vụ việc Huyền Như năm nào đã khiến doanh thu của ORS giảm dần từ gần 130 tỷ đồng cả năm 2011 còn hơn 20 tỷ đồng năm 2012 và đến 9 tháng đầu năm 2013 mới chỉ đạt 7,4 tỷ đồng.

Đổi Tổng giám đốc dường như chưa giúp ORS đổi được vận!

SBS-Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín có lẽ là trường hợp điển hình nhất về tái cơ cấu doanh nghiệp. Tổng giám đốc Võ Duy Đạo, Phó Tổng giám đốc Mạc Hữu Danh, trưởng phòng kế toán Trương Hoàng Dũng đều bị miễn nhiệm sau một thời gian ngắn (9 tháng) được bổ nhiệm (xem thêm). Câu chuyện đổi toàn bộ ban lãnh đạo của SBS diễn ra vào hồi tháng 3/2013. Đến nay, giàn lãnh đạo mới đã dẫn dắt công ty được 9 tháng.

Với SBS thì khó có thể nói về luật chơi hay lối chơi mà gần như là một ván cờ hoàn toàn mới. Thay đổi về cả lối chơi lẫn luật! Sự thay đổi này đã hái được không ít quả ngọt khi khủng hoảng qua đi, quý 3 và 9 tháng năm 2013 công ty báo lãi gần trăm tỷ nhờ hoàn nhập dự phòng trong khi 9 tháng năm 2012 lỗ 130 tỷ đồng.

Trên trang web của công ty, đập vào mắt người xem là một dòng chữ được in đậm ngay giữa trang: “SBS: Sự trở lại từ vực sâu”. Và, có lẽ đây là một khởi điểm đẹp cho quyết định kiện toàn công ty (xem thêm).

Vậy là, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Việc đổi nhân sự cấp cao ngành chứng khoán đã mang lại cho không ít công ty niềm hy vọng vượt qua được "điểm đen" do hàng loạt vấn đề thời kỳ chứng khoán tăng nóng mang đến nhưng cũng không ít băn khoăn cho cổ đông công ty khi tương lai vẫn khá mịt mù bởi những gì đạt được sau đổi lãnh đạo là chưa lớn.
Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên