MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Khi thị trường bi quan, tôi tự hỏi đã thực sự là tận thế hay chưa"

Ông Nguyễn Hồng Điệp lạc quan cho rằng, chứng khoán như con người, có lúc ốm đau, có lúc bị tâm trạng xấu. Nếu thực sự không có trọng bệnh thì tất cả rồi lại sẽ qua đi, cơ thể sẽ khỏe trở lại, tinh thần sẽ lại vui vẻ lên.

- Nhà đầu tư thường thấy một chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp với những dự báo, phân tích về thị trường rất lạc quan, lạc quan kể cả khi thị trường đang sầu thảm nhất. Điều gì làm nên một Nguyễn Hồng Điệp lạc quan như vậy, thưa ông?

Tôi luôn coi Chứng khoán như con người. Có lúc ốm đau, có lúc bị tâm trạng xấu. Nếu thực sự không có trọng bệnh thì tất cả rồi lại sẽ qua đi. Cơ thể sẽ khỏe trở lại, tinh thần sẽ lại vui vẻ lên.

Chính vì vậy, ngay cả khi thị trường giảm mạnh nhất, khi gần như tất cả đều bi quan nhất, tôi luôn đặt cho mình 1 câu hỏi: có phải thực sự là tận thế hay chưa? Nếu ngày mai trái đất vẫn quay, con người vẫn phải ăn, bạn và tôi vẫn không bỏ nghề chứng khoán, thì tại sao phải sụp đổ? Chính những lúc khủng hoảng lại là lúc xuất hiện cơ hội lớn nhất. Tại sao không thử nhìn nhận ở nhiều khía cạnh để có thể tìm ra phương án tối ưu.

Ở một khía cạnh khác làm nên tinh thần lạc quan trong tôi là do bản tính gốc. Đối với tôi, mục tiêu cuộc đời không phải là thành công. Tôi coi thất bại lẫn thành công đều là hành trang trên con đường của mình. Nhiều khi trong những thất bại, tôi lại học hỏi được nhiều điều hơn. Tôi gắn bó với nghề chứng khoán, và cũng không bao giờ có ý định rời xa nó.

- Là người hoạt động trong thị trường nhiều năm, chắc hẳn ông đã trải qua không ít cảm giác “lên bổng, xuống trầm” từ những lần đầu tư. Ông có thể chia sẻ về một kỉ niệm “xuống trầm” nào đó mà ông nhớ nhất và tinh thần “lạc quan” đã luôn xuất hiện trong ông như thế nào?

Tôi có may mắn, hay đúng hơn là số phận run rủi đã đưa chân vào TTCK từ rất sớm. Đã từng trải qua rất nhiều thời kỳ khác nhau, nhưng có 2 kỷ niệm không bao giờ phai trong tâm trí tôi.

Kỷ niệm đầu tiên là vào đầu tháng 8/2006, thị trường cũng rất đau thương, Vn-Index mất mốc 400 điểm. Nhưng chính tại thời điểm đó, tôi có một quyết định đáng nhớ: all in. Tôi có niềm tin vào vị Thủ tướng trẻ tuổi mới nhận chức, có niềm tin vào Hiệp định WTO.

Quyết định này may mắn đã mang lại những thành công nhất định cho tôi, cho các bạn của tôi. Vn-Index đã lên đến 1.170 điểm chỉ sau có 8 tháng. Hầu như ai đi cùng chúng tôi lúc đó cũng đạt được kết quả ngoài mong đợi.

Kỷ niệm thứ 2 là vào khoảng tháng 4/2008. Thực sự là ác mộng! Mở mắt ra là sàn la liệt! Tất cả đều chỉ mong bán được cổ phiếu là mừng. Ngay cả những cổ phiếu hàng đầu như SSI mà cũng được rao bán … 26 phiên sàn. Lúc đó không còn bi quan hay lạc quan, có lẽ tất cả đã miễn nhiễm. Chính vì đã trải qua những cảm xúc thăng hoa tột đỉnh, đau khổ cùng cực, chúng tôi có lẽ sẽ bình tĩnh hơn khi đối mặt với các sự kiện sau này.

- Nhà đầu tư thường dành tình cảm đặc biệt, thậm chí là thần tượng một số nhân vật nổi tiếng trên chứng trường như Warren Buffett, George Soros… Còn ông thì sao, ông thích nhất ai? Điều gì ở người đó làm ông thích nhất?

Tôi rất yêu thích đọc sách. Tôi đọc khá nhiều về các “sói già” trên phố Wall. Đương nhiên họ là những bậc kỳ tài, rất nhiều điều đáng khâm phục, đáng học hỏi. Một phần nào đó tôi là dân ngoại đạo trong lĩnh vực chứng khoán. Có thể như vậy, người mà tôi yêu thích nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất là Nicolas Darvas.

Darvas xuất thân là một vũ công nghèo, tình cờ đến với chứng khoán. Nhưng với lòng đam mê vô bờ bến, cộng với sự nghiên cứu cơ bản sâu sắc, ông đã trở thành vĩ đại. Có một câu nói của Nicolas Darvas mà chắc nhiều người đã biết: “ Không có cổ phiếu tốt hay xấu, chỉ có cổ phiếu tăng giá và giảm giá mà thôi”. Chính Darvas là người khai sinh ra lý thuyết Darvas box, tiền đề của bộ môn Phân tích kỹ thuật sau này. Khi đạt đến trình độ thặng thừa là lúc hoàn toàn vô chiêu.

- Nếu được chia sẻ đôi điều, ông cảm thấy điều gì về bản thân mà ông hài lòng nhất? Còn điều chưa hài lòng là gì? Ông thường làm gì mỗi khi căng thẳng và mỗi khi vui vẻ?

Tôi được mọi người xem là người bộc trực. Tôi yêu màu tím, ghét sự phản bội và giả dối. Tôi thích thể thao, đặc biệt các môn đòi hỏi chiến lược, chiến thuật. Tôi làm việc khá bận rộn, cho nên chuyện căng thẳng là thường xuyên. Những lúc đó, nếu có chút thời gian rảnh, tôi hay đi xem phim, đọc sách, và đặc biệt tôi thích chơi poker. Rất nhiều điều tôi muốn thay đổi ở bản thân. Tôi cần phải mềm mại hơn, nhẫn nhịn hơn. Một điều rất quan trọng là phải chăm tập thể dục hơn.

- Được biết ông là người gốc Hà Nội, sau đó tu nghiệp tại Nga và có thời gian dài sống ở Sài Gòn. Cảm giác của ông về Tết truyền thống như thế nào, ông thích làm gì nhất trong dịp nghỉ Tết?

Tôi sinh ra là người Hà Nội gốc. Đến trước khi tôi đi học ở nước ngoài, tôi vẫn coi Hà Nội chỉ là mấy phố quanh nhà. Gò Đống Đa đối với tôi là ngoại thành. Sống và học tập tại Nga gần 14 năm, cho nên tôi được ảnh hưởng bởi văn hóa, âm nhạc Nga rất nhiều. Trong phòng làm việc của tôi treo tranh của Lermontop. Có thể vì thế, tôi không thích Tết Nguyên đán. Tôi hầu như không có nhiều cảm xúc trong dịp Tết, ngoài sự hài lòng khi thành phố vắng người. Nhưng dù sao, có Tết vẫn rất vui, sẽ là một dịp để mình có cơ hội tăng quà cho những người bạn. Tôi chuẩn bị quà công phu và lâu lắm.

- Năm mới 2016, mong ông chia sẻ một chút về dự định của bản thân trong công việc và đầu tư chứng khoán?Gửi một lời nhắn nhủ tới bản thân cũng như các nhà đầu tư trong năm mới Bính Thân, ông sẽ nói gì?

Trong năm 2016 tôi cũng ấp ủ khá nhiều dự định, phần lớn là cho công ty nơi tôi đang công tác. Còn về cá nhân thì cũng muốn xây dựng vài kế hoạch giúp tái cấu trúc vài doanh nghiệp niêm yết trong tình hình thị trường mới. Còn về đầu tư cá nhân thì tôi cũng không quá chú trọng. Nhưng tất nhiên, danh mục riêng cũng sẽ ưu tiên những cổ phiếu có thể chiến thắng thị trường. Nhưng nếu có “thua”, cũng hoàn toàn vui vẻ.

Trước thềm năm mới Bính Thân, tôi mong ước TTCK Việt Nam sẽ thoát ra khỏi sự tầm thường, “nhì nhằng” suốt bao năm qua. Chẳng có lẽ 600 điểm đã là ước mơ gì ghê gớm lắm ru! Chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để bay cao hơn, xa hơn trên con đường hội nhập thế giới. Chúc các nhà đầu tư và các bạn một năm mới an lành.

- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên. Kính chúc ông và gia đình có một năm mới sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc và nhiều may mắn, an lành!

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

Trở lên trên