Không dễ thoái vốn đầu tư ngoài ngành vì sợ trách nhiệm
Với những khoản phải thoái vốn có giá trị thấp hơn giá trị sổ sách có thể thời gian tới các doanh nghiệp sẽ được chuyển khoản này về cho SCIC.
- 01-12-2013Chủ tịch Petrolimex: Nếu thoái vốn sẽ không gặp vấn đề về giá
- 26-11-2013Vinacomin: Thoái vốn…nỗi lo cận kề?
- 30-10-2013Thoái vốn ngoài ngành đang gặp khó
- 28-10-2013Các tổng Cty phải báo cáo chi tiết việc thoái vốn
- 26-10-2013Thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng như đánh trận
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá công tác cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và quán triệt thực hiện Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (tổ chức sáng ngày 30/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Các doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý về cơ bản xây dựng xong đề án tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành giai đoạn 2013 - 2015.
Khó thoái vốn vì sợ trách nhiệm
Người đứng đầu ngành công thương cho rằng, từ năm 2010 công tác thoái vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường chứng khoán ảm đạm, khủng hoảng trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng – bất động sản nên việc thoái vốn của các doanh nghiệp đã đầu tư vào các lĩnh vực này gần như chưa đạt kết quả như mong đợi.
Báo cáo hội nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, các khoản đầu tư của Tập đoàn này tại ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản... hiện đang gặp khó khăn và để đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát vốn nhà nước thì cần có thêm thời gian;
Mặc dù Tập đoàn này cũng đã đặt quyết tâm “đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch và lộ trình của Chính phủ đề ra – tức là trước năm 2015”.
Cũng cùng lo lắng về việc khi thoái vốn phải bảo toàn được vốn nhà nước, ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cũng thừa nhận thực tế là với thị trường hiện nay đang không thuận cho thoái vốn.
“Nếu Chính phủ yêu cầu phải bảo toàn vốn nhà nước thì cần có chính sách, hướng dẫn cụ thể hơn. Có như thế các DNNN mới có thể về đích đúng hạn” – Ông Thực kiến nghị.
Nhiều doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng đưa ra ý kiến: Đối với những CTCP chưa niêm yết việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị tính theo mệnh giá trên 10 tỷ đồng phải thực hiện đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán. Nên gây tâm lý lo ngại, chần chừ, sợ thất thoát vốn nhà nước, sợ trách nhiệm... Cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình giảm vốn, thoái vốn của các doanh nghiệp.
Còn quá nhiều cơ quan chủ quản phải báo cáo
Theo Bộ Công Thương, các văn bản nhà nước với các doanh nghiệp cổ phần, đặc biệt là chế độ về thu nhập, tiền lương… chưa đầy đủ nên đã gây mâu thuẫn giữa những người đại diện của bộ tại doanh nghiệp (chủ yếu là lãnh đạo doanh nghiệp), thậm chí có trường hợp còn khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn cho quản lý, tốn kém thời gian trong thanh tra…
Ở một khía cạnh khác, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nêu ý kiến để tiến trình tái cơ cấu và thoái vốn của doanh nghiệp nhanh chóng hơn cần thống nhất các báo cáo doanh nghiệp phải gửi các bộ, ngành, bởi hiện nay ngoài việc phải báo cáo Bộ Công thương là đương nhiên, vì là doanh nghiệp trực thuộc, Petrolimex còn phải báo cáo Bộ Tài chính, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ này cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về đẩy mạnh thoái vốn nhà nước giai đoạn 2013-2015 và các văn bản hướng dẫn kèm theo làm cơ sở pháp lý cho thoái vốn khi thực hiện đề án tái cơ cấu, nhất là việc thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, tài chính…
“Với những khoản phải thoái vốn có giá trị thấp hơn giá trị sổ sách có thể thời gian tới các doanh nghiệp sẽ được chuyển khoản này về Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để Tổng công ty này thực hiện” – Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ với các doanh nghiệp tham dự hội thảo.
Khánh Linh