MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát việc tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết

TTCK vừa là kênh thu hút vốn cho doanh nghiệp, vừa là tài sản sinh lời cho nhà đầu tư. Nhưng hiện đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp càng tăng cường huy động vốn, thì nhà đầu tư càng thua thiệt nhiều hơn.

Thực tế đang đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn của doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, thị trường chứng khoán vận hành hiệu quả sẽ giúp nguồn vốn được phân bổ vào những doanh nghiệp tốt, dự án hiệu quả. Những giá trị tạo ra từ đồng vốn được phân bổ đúng hướng này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, nhà đầu tư hưởng lợi, từ đó có tác động tích cực đến nền kinh tế. Nhưng việc phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ thị trường chứng khoán chủ yếu mới thấy rõ tác động với doanh nghiệp. Đối với nhà đầu tư, số liệu thống kê cho thấy, trong 7 năm qua, lượng tiền nhà đầu tư sử dụng để mua cổ phiếu vào thời điểm doanh nghiệp phát hành và giữ tới hiện tại có hiệu quả đầu tư bình quân kém. Hiệu quả đầu tư này thấp hơn nhiều lần so với lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng, cũng như mức sinh lời chung của chỉ số VN-Index. Trong những năm thị trường chứng khoán nước ta phát triển nhanh, thu hút được nhiều vốn đầu tư vào, nhiều doanh nghiệp huy động được lượng vốn từ các đợt phát hành cổ phiếu vượt cả vốn điều lệ của họ. Nhưng đa số các nhà đầu tư bỏ vốn vào các đợt phát hành này và giữ tới hiện nay đã thua lỗ hoặc thậm chí mất trắng khi cổ phiếu hủy niêm yết hay phá sản như trường hợp của VSP, PVA, DVD...

Một nghịch lý đang tồn tại trên thị trường chứng khoán là doanh nghiệp tăng vốn càng mạnh, hiệu quả hoạt động càng thấp và cổ đông càng thiệt hại. Trong khi đó, những đơn vị làm ăn hiệu quả đồng thời là cổ phiếu sinh lời tốt nhất cho nhà đầu tư như VNM, HPG, FPT, DHG, BMP... không thường xuyên tăng vốn và tăng với tỷ lệ thấp. Vì sao lại có tình trạng này? Các chuyên gia tài chính cho rằng, nghịch lý này xảy ra do điều kiện phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp trong thời gian trước chưa chặt chẽ, nên không ít đơn vị tranh thủ thực hiện hoạt động này để tăng vốn nhiều lần trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhỏ lẻ không có quyền quyết định với các dự án, chương trình của doanh nghiệp, vì theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, quyết định được thông qua khi có 75% hoặc 65% cổ đông tán thành. Tỷ lệ này khiến cổ đông nhỏ lẻ rất khó có tiếng nói với quyết định của doanh nghiệp. Cổ đông chỉ có thể trông chờ vào hiệu quả điều hành của Hội đồng quản trị doanh nghiệp để có thể nhận cổ tức cao.

Trong khi đó, hiện không có nhiều doanh nghiệp sử dụng hiệu quả lượng vốn tăng thêm từ phát hành cổ phiếu ra công chúng. Nhiều đơn vị sử dụng lượng vốn này sai mục đích hoặc kém hiệu quả dẫn tới giá trị doanh nghiệp, cũng như giá cổ phiếu tụt giảm. Hay nói như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là hành vi in giấy lấy tiền. Dòng tiền đi không đúng hướng này khiến một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư bị dồn ứ, thậm chí là mất đi vào những doanh nghiệp năng lực yếu kém, hoạt động mang tính chất chụp giật. Các doanh nghiệp tốt, các dự án hiệu quả bị cạnh tranh và không thu hút được đủ lượng vốn cần thiết. Thị trường chứng khoán không làm tốt chức năng phân bổ nguồn vốn hiệu quả và để lại hệ quả là đánh mất niềm tin của nhà đầu tư.

Để thị trường chứng khoán thực sự làm tốt hai vai trò là kênh huy động vốn và kênh đầu tư hiệu quả, những đợt tăng vốn cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, với những điều kiện khắt khe hơn về công bố thông tin, kiểm soát quá trình sử dụng vốn sau huy động... Nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi và hiệu quả sử dụng vốn của các đợt tăng vốn trên thị trường. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần bổ sung các quy định để bảo đảm quyền lợi, mở rộng quyền của cổ đông thiểu số. Có như vậy thì, nhà đầu tư mới ở thế nắm đằng chuôi khi mua cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo Hải Thanh

thanhhuong

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên