MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KIS: Chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội đạt 650 điểm trong năm 2014

Theo dự đoán của KIS, Việt Nam có khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất chính sách thêm 1 lần, lãi suất cho vay thị trường giảm xuống.

Đó là nhận định của ông Yun Hang Jin - Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (KIS Hàn Quốc) - tại buổi Hội thảo “Triển vọng kinh tế & Thị trường chứng khoán Việt Nam 2014” do Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam tổ chức tại Hà Nội chiều 20/8.

Ông Yun Hang Jin cho rằng thị trường Việt Nam đã có sự phân hóa mạnh so với các thị trường mới nổi trong nửa đầu năm nay, với chỉ số VN-Index đã tăng gần 15% so với cuối năm ngoái, trong khi chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi tăng chưa đến 5%.

Xu thế đó tiếp tục được phát huy trong tháng 7 và tháng 8, khi chỉ số VN-Index tăng tổng cộng 4,7%, còn chỉ số chung của các thị trường mới nổi giảm 0,5%.

Các yếu tố hỗ trợ thị trường

Ông Yun Hang Jin đánh giá có 4 yếu tố chủ chốt thúc đẩy thị trường trong những tháng đầu năm, bao gồm chính sách hỗ trợ tăng trưởng của chính phủ, hiệu quả xử lý nợ xấu, hiệp định TPP và dòng vốn FDI.

Về chính sách, Việt Nam có sự khác biệt so với các nền kinh tế mới nổi khác. Trong khi các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil phải duy trì hoặc tăng lãi suất để khống chế lạm phát, Việt Nam lại giảm lãi suất, tạo ra sự phân hóa mạnh giữa Việt Nam với các nước.

Phân tích của KIS cho thấy đến cuối tháng 5, tín dụng của Việt Nam mới tăng 1,3%, khá thấp so với mục tiêu cả năm là 12-14%. Tăng trưởng cung tiền cũng ở mức thấp.

Ông Yun cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng và cung tiền, Chính phủ bắt buộc phải đẩy nhanh tốc độ thực thi chính sách trong 6 tháng cuối năm, nới lỏng thêm tiền tệ.

Theo dự đoán của KIS, Việt Nam có khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất chính sách thêm 1 lần, lãi suất cho vay thị trường giảm xuống.

Về xử lý nợ xấu, VAMC đã mua 39 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013 và 11,4 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2014. Để mua được thêm 60 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm, VMAC sẽ phải đẩy nhanh quy mô xử lý nợ xấu.

Như vậy, xu hướng chính sách sẽ ngày càng mạnh hơn. Nếu VAMC đẩy mạnh mua nợ xấu, hệ thống ngân hàng sẽ được thúc đẩy về thanh khoản.

Ông Yun cho rằng 2 yếu tố đầu tiên này đã giúp thúc đẩy thị trường trong thời gian qua và sẽ vẫn còn tác động tích cực trong thời gian tới.
Yếu tố hỗ trợ tiếp theo là kỳ vọng về Hiệp định xuyên châu Á Thái Bình Dương (TPP) – một hiệp định nhằm nhằm xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với tất cả các sản phẩm và dịch vụ từ 12 quốc gia tham gia đàm phán. Với hiệp định này, Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng nhiều lợi hơn so với các quốc gia thành viên khác, đặc biệt là ngành dệt may, giày dép, cà phê...

Ông Yun cho rằng vấn đề cần chú ý là khi nào hiệp định này đi đến đích cuối cùng. Trước đây, TPP được kỳ vọng ký kết trong năm 2014, nhưng giờ đây kỳ vọng này bị suy giảm do các nước vấn bất đồng quan điểm, nước có ảnh hường lớn là Mỹ có cuộc bầu cử giữa kỳ, nên thời gian kết thúc đàm phán có thể bị lùi lại.

Vì 2 trong số 12 thành viên tham gia đàm phán Hiệp định TPP là Mỹ và Nhật Bản có lãnh đạo đều sắp hết nhiệm kỳ, nên họ sẽ cố gắng thúc đẩy để chứng tỏ khả năng lãnh đạo xuất chúng của họ, nên việc ký kết chỉ là vấn đề thời gian.

Ông Yun cho biết kỳ vọng vào Hiệp định TPP đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam để đón đầu xu hướng.

Về dòng vồn FDI, vị chuyên gia của Hàn Quốc này đưa ra một số lý do giải thích tại sao FDI lại liên tục vào Việt Nam mà không phải nước khác. Ông cho rằng khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, họ thường tìm kiếm nhân công giá rẻ. Cơ cấu nền kinh tế thế giới cũng đang biến đổi, với Trung Quốc đang tìm cách tái cơ cầu nền kinh tế, nên nhà đầu tư nước ngoài bị áp lực về tiền công, nên họ rút khỏi Trung Quốc và đầu tư sang các nước khác có nhân công giá rẻ hơn như Việt Nam. Chính sách Abenomics tại Nhật Bản, thiên tai tại Đông Nam Á, Hiệp định TPP giúp hình thành lên xu thế tăng trưởng dài hạn tại Việt Nam. Điểm tích cực là dòng vốn FDI được đầu tư vào ngành chế tạo, sản xuất, nên cũng có ảnh hưởng gián tiếp lên thị trường chứng khoán.

Các yếu tố bất lợi

Ngoài các yếu tố thuận lợi, thị trường Việt Nam cũng đang chịu một số các yếu tố kìm hãm, như việc Mỹ đang rút vốn trên toàn cầu, nguồn cung cổ phiếu trên thị trường, và tranh chấp trên biển Đông.

Mỹ đã tung ra nhiều gói kích thích trong thời kỳ khủng hoảng và giờ đây đang rút lại, khiến dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.

Kinh nghiệm từ gói kích thích QE1 cho thấy sau khi Mỹ rút QE1, thì thị trường tăng tiếp 1 tháng, sau đó giảm sâu.

Nếu theo kịch bản đó, nếu QE3 kết thúc, thị trường toàn cầu sẽ giảm vào cuối năm nay.

Việc chính phủ Mỹ cắt giảm kích thích sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài giảm giải ngân, theo đó đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài sẽ yếu hơn về cuối năm.

Ông Yun cho rằng để nhà đầu tư nước ngoài tăng giải ngân, cần phải có yếu tố hỗ trợ mới, như Chính phủ cần nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Yếu tố nữa tác động đến thị trường là tranh chấp biển Đông. Ông Yun cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại phía tây quần đảo Hoàng Sa là nhằm thăm dò tài nguyên, và phá chiến lược bao vây của Mỹ. Trung Quốc là nước có tham vọng lớn nên khó từ bỏ quần đảo Hoàng Sa, nhưng sẽ không lựa chọn biện pháp chiến tranh để tranh chấp hòn đảo này.

Vậy từ nay đến cuối năm Trung Quốc sẽ có hành động gì trên Biển Đông? Quá khứ cho thấy Trung Quốc thường có 1 số sự kiện lớn trong năm vào dịp Tết, bầu cử vào tháng 3, Trung thu vào tháng 7-8, còn tháng 8-9 có bão, nên thường ra tay vào tháng 4-tháng 7 hoặc tháng 10-tháng 12. Ông Yun cho rằng nếu có bất an từ Trung Quốc, thì giai đoạn tiếp theo có thể chính là từ tháng 10-tháng 12 tới.

Tuy nhiên, những sự kiện như cắt giảm QE hay tranh chấp lãnh thổ gần đây đều cho thấy nó là cơ hội để nhà đầu tư mua vào cổ phiếu.

Một yếu tố nữa tác động đến thị trường là nguồn cung cổ phiếu. Theo lộ trình cổ phần hóa, nửa cuối năm này sẽ có một loạt công ty thực hiện IPO như Vinatex, Việt Nam Airlines. Đay sẽ là yếu tố khiến dòng vốn bị phân hóa do một phần sẽ được nhà đầu tư đồ vào cổ phiếu mới chào bán.

Ông Yun đánh giá 3 yếu tố này đều có ảnh hưởng xấu đến thị trường, nhưng mức độ không quá lớn.

Giá cổ phiếu vẫn ở mức hợp lý

Ông Yun Hang Jin cho rằng dù chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh từ đầu năm nhưng giá cổ phiếu vẫn ở mức hợp lý do lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện khi lãi suất giảm.

Phân tích của KIS cho thấy trong quý 1/2014, doanh thu của các doanh nghiệp tăng 15,1%, cao hơn tốc độ tăng 11,7% của 6 tháng nửa sau năm 2013 và mức -1,1% của nửa đầu năm 2013.

Lợi nhuận trong quý 1/2014 lại tăng trưởng với tốc độ 7,5%, thấp hơn mức 15,1% của nửa cuối năm 2013 và 16,8% của nửa đầu năm 2013.

Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm sẽ được hỗ trợ nhờ tăng trưởng kinh tế hồi phục và lãi suất dự kiến giảm thêm.

Với tỷ lệ P/E vào tháng 8/2014 đứng ở mức 14,2 lần, tăng so với mức 11 lần của năm 2013, 10,7 lần của năm 2012 và 8,5 lần của năm 2011, ông Yun cho rằng cổ phiếu Việt Nam đã thoát vùng giá thấp, nhưng vẫn hợp lý.

So với các thị trường trong khu vực, giá trị VN-Index vẫn hấp dẫn hơn nhiều, với tỷ lệ P/E Forward tại ngày 8/8 đứng ở mức 2,2 lần, thấp hơn mức 14,9 lần của Thái Lan, 19,4 lần của Philipin, và 8,7 lần của Trung Quốc.

Cân nhắc giữa các yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực, ông Yun nhận định chỉ số VN-Index sẽ tăng lên mức trên dưới 650 điểm vào cuối năm nay.

KIS sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

Trao đổi với phóng viênc NDH.vn bên lề cuộc hội thảo, ông Yun Hang Jin cho biết để phổ biến về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, Công ty KIS Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, như tổ chức hội thảo về kinh tế và chứng khoán Việt Nam.

KIS còn trực tiếp đến các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư Hàn Quốc để làm những buổi hội thảo nhỏ về thị trường Việt Nam.

KIS cũng bán ra các sản phẩm quỹ trên thị trường Việt Nam và đã thu hút được số tiền lớn từ các nhà đầu tư Hàn Quốc cách đây 2-3 năm.

Về bản thân công ty, ông Yun cho biết công ty mẹ (KIS Hàn Quốc) đang có ý định nâng quy mô đầu tư cho KIS Việt Nam.

Ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng phân tích của KIS Việt Nam, cho phóng viên NDH biết thêm rằng hiện tại vốn điều lệ của công ty chỉ hơn 300 tỷ đồng và dự kiến trong 1-2 năm tới, công ty mẹ sẽ rót vốn để tăng lên khoảng 1.000 tỷ đồng.


Ông Yun Hang Jin là chuyên gia tư vấn tài chính cho các tổ chức tài chính lớn tại Hàn Quốc như: Quỹ Hưu Trí Quốc gia Hàn Quốc, Ngân hàng Quân đội Hàn Quốc, Ngân hàng Shinhan, Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Temasek. Ông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích tài chính và nhiều năm nghiên cứu về thị trường Việt Nam.


Theo Trung Nghĩa

thanhhuong

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên