MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng sức sống mới cho thị trường chứng khoán

Ngày 18.6, UBCKNN đã tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến đóng góp về pháp lý dọn đường cho việc thành lập quỹ mở trên TTCK Việt Nam.

Nhiều ý kiến nhìn nhận việc cho ra đời quỹ mở sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Vụ phó Vụ Quản lý quỹ (UBCKNN), hiện tại các điều kiện của thị trường cho việc thành lập quỹ mở đã khá đầy đủ. Yếu tố thanh khoản gần đây đã được cải thiện đáng kể cũng như quy mô thị trường mở rộng hơn.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc thiếu vắng các NĐT tổ chức là một trong những nguyên nhân khiến TTCK VN có mức độ biến động lớn hơn nhiều các thị trường khác.

Theo ước tính của câu lạc bộ quản lý quỹ VN, các quỹ hiện mới chỉ tham gia nắm giữ 15-20% thị trường. Nhu cầu đối với loại hình quỹ đầu tư này ở VN hiện rất lớn và quy mô vốn hóa trên 500.000 tỉ đồng là điều kiện chín muồi để loại hình quỹ này có thể hoạt động hiệu quả.

Số liệu tham khảo của UBCKNN cũng cho thấy quỹ mở là loại hình quỹ rất phổ biến trên thế giới: tính đến cuối 2009 trên toàn cầu có 65.735 quỹ mở với mức vốn quản lý tới 22,9 ngàn tỉ USD. Tại VN hiện có 22 quỹ đầu tư đang hoạt động, trong đó có 5 quỹ đại chúng và 17 quỹ thành viên nhưng chưa có quỹ mở nào dù Luật CK đã ghi nhận loại hình quỹ này.

Quỹ mở là một loại hình quỹ khác căn bản với dạng quỹ đóng như VF1, VF4 đang niêm yết trên thị trường hiện nay. Cùng là quỹ đầu tư công chúng (chào bán công khai chứng chỉ quỹ cho NĐT) nhưng quỹ mở được phép mua lại chính chứng chỉ quỹ của mình theo yêu cầu của NĐT.

Khác với quỹ đóng, NĐT muốn thoái vốn khỏi quỹ thì cách duy nhất là bán lại trên thị trường thứ cấp, chẳng hạn bán ra chứng chỉ quỹ VFMVF1 trên sàn HoSE. Với quỹ mở, NĐT có thể yêu cầu quỹ mua lại chứng chỉ trực tiếp mà không giao dịch trên thị trường thứ cấp và quỹ phải thực hiện yêu cầu đó – NĐT không chịu rủi ro thanh khoản.

Một khác biệt quan trọng khác mà cả NĐT lẫn Cty quản lý quỹ “thích” loại hình quỹ mở là việc định giá được tiến hành trên cơ sở giá trị tài sản ròng (NAV). Các Cty quản lý quỹ như VFM đang “đau đầu” vì hiện tượng định giá của thị trường với chứng chỉ quỹ thấp hơn nhiều NAV. Chẳng hạn, quỹ VF4 với chứng chỉ VFMVF4 đang niêm yết tại HoSE chỉ được giao dịch hàng ngày với giá khoảng 7.400đ/chứng chỉ trong khi mức NAV mới nhất là 10.870đ. Quỹ VF1 có NAV cho mỗi chứng chỉ quỹ là 24.027đ, trong khi VFMVF1 chỉ được giao dịch có 11.900đ/chứng chỉ.

Việc thị trường định giá thấp chứng chỉ quỹ so với NAV khiến cả NĐT góp vốn lẫn tổ chức quản lý quỹ chịu thiệt. Chẳng hạn, NĐT góp vốn ban đầu với VF4 muốn thoái vốn bằng cách bán trên sàn sẽ chịu lỗ dù giá trị thực của quỹ vẫn cao hơn giá vốn ban đầu.

Với Cty quản lý quỹ, nếu nhìn vào giá thị trường hằng ngày của chứng chỉ quỹ thì dường như quỹ đầu tư rất kém hiệu quả và Cty khó có thể huy động thêm vốn.

Việc cho ra đời quỹ mở, mức NAV của quỹ sẽ được nhìn nhận đúng hơn. Khi NĐT yêu cầu quỹ mua lại chứng chỉ, Cty quản lý quỹ và NH giám sát sẽ phối hợp tính toán NAV của mỗi đơn vị quỹ để định giá mua. Như vậy, NĐT có thể bán được chứng chỉ quỹ bằng với giá trị thực có của quỹ tại thời điểm rút vốn.

Theo đại diện Cty quản lý quỹ SSI, thời điểm này các quỹ đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn mới. Việc cho phép thành lập quỹ mở hy vọng sẽ đem lại sức sống mới cho TTCK.

Đại diện này cho rằng, một số quy định về điều kiện thành lập quỹ còn mơ hồ, chẳng hạn nhân sự phải có tối thiểu hai người có kinh nghiệm quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư hiệu quả. Những yếu tố định tính như vậy sẽ rất khó xác định.

Một số vấn đề kỹ thuật như thời gian thực hiện đóng tiền mua chứng chỉ quỹ kéo dài tới 3 tháng, trong khi tiền “nằm chết” trong tài khoản phong tỏa với lãi suất không kỳ hạn là không kinh tế, đặc biệt nếu quỹ lớn tới vài ngàn tỉ đồng.

Đại diện Cty quản lý quỹ VFM kiến nghị xem xét lại quyền hủy ngang hợp đồng mua chứng chỉ quỹ của NĐT, nhưng Cty quản lý quỹ lại phải chịu chi phí liên quan. Theo đại diện này, sau khi NĐT nghiên cứu và quyết định góp vốn vào quỹ thì việc hủy ngang không phải xuất phát từ Cty quản lý quỹ mà NĐT phải chịu các phí tổn liên quan đến quyết định của mình.

“Chẳng hạn một đối thủ muốn “chơi” Cty quản lý quỹ, họ có thể lợi dụng điều này để gây khó. Họ có thể cho người đến đăng ký mua khối lượng lớn nhưng sát ngày đóng quỹ lại hủy ngang toàn bộ. Cty quản lý quỹ vừa tốn phí, vừa không xoay xở kịp khối lượng bán cần thiết”.

Một số đại diện khác đến từ CTCK và ngân hàng đầu tư cũng đóng góp các ý kiến về mặt kỹ thuật. Tiếp thu, đại diện UBCKNN cho biết dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ có nhiều sửa đổi. Tuy nhiên, điểm nổi bật của dự thảo lần này là đưa vào rất nhiều các quy định mang tính thông lệ của quốc tế để phù hợp trong quá trình hội nhập.

Theo N.Hoàng
Lao động

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên