MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo dòng vốn ngoại đảo ngược

Cuối cùng thì tuần giao dịch của quỹ ETF đã kết thúc và quả thực dòng vốn được đảo ngược từ bán ròng sang mua ròng. Tuy thế điều gây lo ngại là nguy cơ đảo ngược của dòng vốn này đang ngày càng lớn.

Không phải ngẫu nhiên trong đại hội cổ đông của quỹ ETF nội đầu tiên tại Việt Nam, quỹ VFMVN30, mối lo ngại việc Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (FED) tăng lãi suất được nêu lên. Đó là mối lo ngại mang tính toàn cầu của các thị trường mới nổi nổi nói chung. Thậm chí có những phân tích quốc tế cho rằng kỷ nguyên của dòng vốn rẻ từ Mỹ sắp kết thúc.

Số liệu được đưa ra từ đại diện quỹ này cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD, chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước.

Những dư âm tưng bừng của tuần giao dịch tái cân bằng danh mục với hai quỹ ETF nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn. Trong ngày 20/3, giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài tính chung (không chỉ bao gồm hai quỹ ETF) là khoảng 1.309 tỷ đồng. Lượng vốn mua ròng hôm đó ở hai sàn là 240,92 tỷ đồng.

Tuy nhiên nếu tính chung cả tuần, nguồn vốn nước ngoài chảy ròng vào thị trường lại chỉ hơn 8,2 tỷ đồng. Con số này còn xa mới tương xứng với việc tăng tỷ trọng đầu tư của riêng quỹ VNM trong lần cân bằng này, khoảng 30 triệu USD.

Điều đáng chú ý nữa là ngay trong ngày 19/3, Quỹ VNM lại bị rút ròng đột biến 17,78 triệu USD. Dòng vốn chảy ngược này khiến tổng giá trị vốn huy động mới của quỹ từ đầu tháng 3 lại là -3,5 triệu USD. Cần lưu ý rằng trong vòng 5 năm gần đây, chưa tháng 3 nào quỹ VNM bị rút vốn ròng. Nếu như tuần cuối cùng của tháng 3 này tình hình không đảo ngược, đây sẽ là dấu hiệu rất bất lợi.

Nhìn vào lịch sử biến động của dòng vốn ETF, từ tháng 4 đến tháng 8, xu hướng chủ đạo là rút ròng. Chỉ có năm 2014 là quy luật này hơi khác: Vốn vẫn vào ròng trong thời gian nói trên và lại rút ra lớn quý cuối năm. Từ năm 2013 trở về trước, dòng vốn chảy ra rất có quy luật.

Quy luật của dòng vốn ngoại năm nay có thể được cộng hưởng từ chính sách lãi suất của FED. Mặc dù kỳ họp gần nhất tuần trước đã không có tín hiệu nào là FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 4 tới, nhưng rất có thể là tháng 6. Lại xuất hiện những phân tích dự đoán nếu không nâng lãi suất trong tháng 6 thì có thể sẽ là tháng 9. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có nhưng biến động rất lớn trước và sau kỳ họp bàn vền lãi suất này.

Điều đó cho thấy nỗi lo lãi suất của thị trường chứng khoán là có thực. Thậm chí đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 17/3 vừa qua đã phải khuyến cáo các thị trường mới nổi cần chuẩn bị đối phó với tác động tăng lãi suất của Mỹ. Dù chưa có phân tích nào nói chắc chắn thời điểm FED sẽ tăng lãi suất, nhưng điểm chung là việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ xảy ra.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc không lớn vào dòng vốn ngoại khi tỷ trọng giao dịch của dòng vốn này hàng ngày chưa bao giờ vượt quá 12% giá trị khớp lệnh trong điều kiện bình thường. Các thời điểm đặc biệt như trước và sau Tết, các tuần tái cân bằng danh mục ETF, tỷ trọng là lớn hơn.

Chẳng hạn tuần rồi vốn ngoại mua chiếm khoảng 16,3% giá trị khớp lệnh mỗi phiên, tuần thứ hai sau kỳ nghỉ Tết âm lịch vừa qua chiếm 17,6%, lần tái cân bằng tháng 12/2014 chiếm khoảng 14,4%, tuần tái cân bằng tháng 9/2014 chiếm khoảng 10,8%...

Tuy nhiên nếu có sự đảo ngược dòng vốn thì tác động là không nhỏ. Các giao dịch lớn nhằm vào những mã vốn hóa hàng đầu sẽ gây áp lực lên thị trường. Mặt khác, trong thường hợp dòng vốn bị thu hẹp, thực trạng này sẽ xảy ra từ trước chứ không đợi đến lúc lãi suất USD tăng. Thị trường sẽ luôn phải lo ngại đến một gánh nặng treo lơ lửng.

Theo NGƯỜI QUAN SÁT

PV

Bizlive

Trở lên trên