MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A ngành logistics: Sotrans sẽ thâu tóm MHC

Hội đồng quản trị MHC đã trình đại hội đồng cổ đông chấp thuận việc Công ty Cổ phần Kho vận Miền nam – Sotrans mua 65% cổ phần của MHC mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Những biến động tại MHC

Cách đây gần 2 tháng, hơn 46% cổ phần của MHC, tương ứng 12,53 triệu cổ phiếu đã được sang tay chỉ trong một phiên giao dịch ngày 21/9. Giao dịch này đã tác động mạnh đến cơ cấu cổ đông của công ty.

Sau giao dịch này đã xuất hiện thêm cổ đông lớn Sotrans, CTCP SCI cùng công ty con của SCI là CTCP Đầu tư và Xây dựn Sông Đà 9. Bên cạnh đó, cổ đông lớn nhất là Chứng khoán IB cùng công ty con IB Capital nâng tỷ lệ sở hữu từ 15% lên trên 21%.

Cùng với biến động về sở hữu, MHC cũng có biến động lớn về nhân sự thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Ngay sau những biến động trên, MHC đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 26/9. Các cổ đông của MHC đã phủ quyết phương án tăng vốn do Hội đồng quản trị đưa ra. Sau đó, Hội đồng quản trị quyết định triệu tập đại hội cổ đông bất thường lần 2 để bàn về việc lựa chọn cổ đông chiến lược.

 

 

Sau một thời gian dài đồn đoán, cuối cùng thì “nghi án đổi chủ” của Công ty cổ phần MHC đã được xác nhận. Trong tờ trình Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2, Hội đồng quản trị công ty đã đề xuất chọn Công ty Cổ phần Kho vận Miền nam – Sotrans (STG) làm đối tác chiến lược và chấp thuận cho Sotrans được mua thêm số cổ phần của cổ đông hiện hữu để sở hữu đến 65% số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty Cổ phần MHC mà không phải thực hiện việc chào mua công khai.

Việc Sotrans thâu tóm MHC cũng không quá bất ngờ khi cả 2 đều cùng hoạt động trong ngành dịch vụ logistics và hiện Sotrans đang sở hữu gần 10% cổ phần của MHC.

Hơn nữa, cơ cấu cổ đông của cả 2 có nhiều sự tương đồng. CTCP SCI (S99) và Chứng khoán IB (VIX) đều đang hoặc từng là cổ cổ đông lớn của cả 2 công ty này.

Những biến động tại Sotrans

Bước ngoặt đối với Sotrans diễn ra vào tháng 7/2015 khi SCIC thoái toàn bộ 47,7% cổ phần cho các nhà đầu khác. Nhiều giao dịch sau đó đã xuất hiện các cổ đông lớn mới, trong đó đáng chú ý nhất là In Do Trần (ITL) – một trong những doanh nghiệp nội địa lớn nhất ngành logistics.

ITL đầu tư vào Sotrans rồi Sotrans đi thâu tóm MHC phần nào cho thấy chiến lược tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành logistics – sân chơi đầy tiềm năng nhưng đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Mới đây, Đại hội cổ đông bất thường ngày 5/11 của Sotrans với 76,9% số phiếu tán thành đã thông qua phương án đầu tư vào công ty con có ngành nghề kinh doanh phù hợp với tổng mức đầu tư tối đa 800 tỷ đồng.

Phương án này khá tham vọng khi mà tổng tài sản đến cuối quý 3/2015 của Sotrans mới đạt 454 tỷ đồng (bao gồm 200 tỷ vay nợ dài hạn mới huy động được trong quý 3) và vốn chủ sở hữu hơn 160 tỷ đồng.

Nhằm huy động vốn, Sotrans có kế hoạch huy động 400 tỷ trái phiếu thường, 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và chào bán hơn 13 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Hiện tại, hoạt động chính của Sotrans là dịch vụ kho vận, cảng ICD, giao nhận vận tải và kinh doanh xăng dầu với doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Cũng hoạt động trong lĩnh vực logistics nhưng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính của MHC khá nhỏ. Lợi nhuận của MHC hiện chủ yếu đến từ CTCP Vận tải xếp dỡ Hải An (HAH) – công ty mà MHC là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 28%. HAH hiện quản lý cảng Hải An, một cảng lớn kinh doanh hiệu quả tại Hải Phòng.

Năm 2014, MHC là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán khi tăng 300% từ 4.000 lên 16.000 đồng. Đầu năm 2015, MHC đã tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 135 tỷ lên 271 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên