MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A nửa đầu 2015: Kẻ ồn ào, người kín tiếng

Với những tiềm năng và cơ hội đã có, sự bùng nổ của thị trường M&A trong làn sóng thứ 2 được kỳ vọng sẽ đạt đỉnh mới, cao hơn kỷ lục được xác lập năm 2012 là gần 5 tỷ USD.

Năm 2014, giá trị M&A của thị trường Việt Nam đạt 4,2 tỷ USD. Nửa đầu năm 2015 đã diễn ra sôi động với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp nội ngoại lớn nhỏ.

Đứng trước cơ hội thương mại lớn từ những hiệp định kinh tế và thương mại lớn như TPP, FTA, cùng với đó là các chuyển động chính sách như động thái nới room hay quy định mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, doanh nghiệp càng thêm động lực để đẩy nhanh các cuộc M&A nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh của mình.

Đại gia châu Á đổ bộ thị trường bán lẻ Việt Nam

Trong năm 2014, dẫn đầu về tổng giá trị M&A là lĩnh vực bán lẻ, chiếm 35%. Vẫn tiếp diễn xu hướng của năm cũ, 6 tháng đầu 2015 đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A trong ngành bán lẻ.

Với thị trường 90 triệu dân, trong đó hơn 60% đang trong độ tuổi lao động, thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục là “miếng bánh” hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Với tiềm lực kinh tế, các "ông lớn" ngoại quốc rõ ràng sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến và thâu tóm khách hàng.

Song song với việc xây dựng các trung tâm thương mại lớn tại Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản đã có bước tiến sâu hơn vào thị trường bán lẻ với việc cùng lúc mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart.

 

 

Các doanh nghiệp Thái Lan tiếp tục thể hiện mối quan tâm đặc biệt tới thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong khi phía BJC tiếp tục theo đuổi thương vụ mua lại Metro Việt Nam thì Power Buy đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần của chuỗi điện máy Nguyễn Kim.

Power Buy là chuỗi bán lẻ điện máy trực thuộc Central Group – tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan. Sự hiện diện của Central ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn với việc mở 2 trung tâm mua sắm Robins. Giữa tháng 6 vừa qua đã xuất hiện thông tin Central Group tiếp tục thâu tóm Pico, tuy nhiên, cả 2 bên đều chưa chính thức lên tiếng xác nhận thương vụ này.

M&A bất động sản nửa đầu năm sôi động

Sau khi diễn ra sôi động trong năm 2014, M&A trong lĩnh vực bất động sản nửa đầu năm nay không có nhiều thương vụ đình đám.

Đáng chú ý nhất là việc VID Group nắm cổ phần khá lớn tại Địa ốc Việt Hân cũng như một số doanh nghiệp nhỏ khác. Sau khi mua lại Việt Hân, VID Group đã khởi động dự án Goldmark City (Hà Nội), chào bán gần 5.000 căn hộ ra thị trường.

Vingroup tiếp tục tìm hiếm các cơ hội đầu tư mới , tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa. Trong năm 2014, tập đoàn này đã chi gần 10.000 tỷ đồng cho các thương vụ mua bán sáp nhập.

Vingroup đã chi 1.489,7 tỷ đồng để mua 89% cổ phần của Triển lãm Giảng Võ đồng thời đánh tiếng mua 80% cổ phần của Cảng Sài Gòn. Bên cạnh cảng biển, Tập đoàn này cũng để mắt tới các doanh nghiệp đường sắt.

Về phía doanh nghiệp nước ngoài, Lotte đã mua lại 70% của cao ốc Diamond Plaza từ một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là Posco E&C.

Điểm sáng M&A trong các lĩnh vực khác

Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Một thông tin rất đáng chú ý là tại hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra tại New York - Mỹ mới đây, Bộ trưởng bộ tài chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết: “Không những các công ty niêm yết, kể cả các công ty bảo hiểm cũng sẽ được nới room đến 100%”. Như vậy, kỳ vọng vào việc nới room cũng như triển vọng của ngành chính là những tiền đề để ngàng bảo hiểm phát triển trong thời gian tới.

Cách đây 2 tháng, Công ty Bảo hiểm Dongbu của Hàn Quốc đã chi gần 1.100 tỷ đồng để mua 37,5% cổ phần của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với mức giá gấp đôi so với thị giá trên sàn.

Một trong những thương vụ lớn nhất nửa đầu năm nay diễn ra trong lĩnh vực khá mới là nông nghiệp, với việc Masan cùng lúc thâu tóm 2 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thức ăn chăn nuôi là Proconco (52%) và ANCO (70%). Thương vụ này ngay lập tức đưa Masan trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành.

Trong tháng 7, Kinh Đô đã hoàn tất chuyển nhượng 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelez. Ngay sau đó, tập đoàn này đã có ý định rót 1.000 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Đông Á.

 

Masan đã có thương vụ đình đám khi mua cùng lúc 2 công lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi
Masan đã có thương vụ đình đám khi mua cùng lúc 2 công lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi

 

Làn sóng mới chỉ bắt đầu

Với những hỗ trợ tích cực từ các chính sách của Chính phủ mà đáng chú ý hơn cả là động thái “cởi trói” room ngoại mới đây, cùng với đó là các hiệp định kinh tế và thương mại lớn như TPP, FTA, năm 2015 hứa hẹn sẽ là một năm sôi động với làn sóng M&A sẽ trỗi dậy mạnh mẽ khi nhiều cơ hội lớn đã mở ra đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, năm 2015 cũng là hạn chót để các nước thành viên ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do. Nếu thành công, tất cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất với quy mô 600 triệu người.

Điều này sẽ làm cho khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp địa phương sở hữu lượng tiền mặt dư thừa cũng sẽ tăng cường các hoạt động M&A để nâng cao năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu. Với những tiềm năng và cơ hội đã có, sự bùng nổ của thị trường M&A trong làn sóng thứ 2 được kỳ vọng sẽ đạt đỉnh mới, cao hơn kỷ lục được xác lập năm 2012 là gần 5 tỷ USD.

Thu Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên