MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mekong Capital: Nới room giúp quỹ MEF III trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát

Theo Tổng giám đốc Mekong Capital, khi nới room, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều khả năng sẽ mua và nắm giữ, trong khi những nhà đầu tư cá nhân sẽ giao dịch tích cực hơn.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP (Nghị định 60) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP (Nghị định 58) sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật chứng khoán. Điểm đáng chú ý trong Nghị định 60 là việc nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu niêm yết từ 49% lên 100%, trừ một số ngành như ngân hàng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2015.

Ông Chris Freund, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Mekong Capital, cho rằng việc nới room có nhiều tác động tích cực đến thị trường, là một sự thay đổi đáng kể để Việt Nam hội nhập với nền kinh tế và thị trường vốn thế giới.

Tuy nhiên, ông Chris Freund đánh giá việc này cũng tiềm ẩn rủi ro. Theo ông Chris Freund, thực hiện nới room, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút vốn từ các tổ chức nước ngoài nhiều hơn, định giá thị trường tăng, tính thanh khoản giao dịch cũng tăng đáng kể.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp, ngược lại các doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng giao dịch với các nhà đầu tư chiến lược. Ông Chris Freund kỳ vọng, Việt Nam sẽ có cơ hội gia nhập quỹ thị trường mới nổi MSCI - quỹ có số vốn 1.400 tỷ USD, từ đó giúp thu hút nhiều vốn hơn vào Việt Nam.

Tổng giám đốc Mekong Capital nhấn mạnh, đây là một sự thay đổi đáng kể để Việt Nam có thể hội nhập với nền kinh tế và thị trường vốn thế giới. Khi được hỏi rủi ro trong tương lai của thị trường nếu nhà đầu tư rút vốn ồ ạt, ông Chris Freund cho rằng điều này có thể xảy ra, đây là nhược điểm của việc nhà đầu tư ngoại dễ dàng đầu tư vào một thị trường nào đó.

Nếu điều gì đó xảy ra khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài không muốn nắm giữ tài sản ở Việt Nam thì có thể gây ra gián đoạn lớn cho thị trường, tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính ở Thái Lan năm 1996. Tuy nhiên, theo quan điểm đánh giá của mình, ông Chris Freund dự đoán nhà đầu tư nước ngoài có nhiều khả năng sẽ mua và nắm giữ, trong khi những nhà đầu tư cá nhân sẽ giao dịch tích cực hơn.

"Vì thế sở hữu nước ngoài trong chừng mực nào đó sẽ mang đến sự ổn định cho thị trường hầu hết ở các giai đoạn", ông Chris Freund khẳng định Trong phạm vi ảnh hưởng của Nghị định 60 tới Mekong Capital, ông Chris Freund cho biết những quỹ do Mekong quản lý là Quỹ đầu tư cổ phần tư nhân chưa niêm yết (private equity) nên sẽ chịu ít tác động hơn, nhưng những thay đổi này sẽ giúp quá trình bán những khoản đầu tư diễn ra dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, hiện tại Mekong Capital đang giữ cổ phần của MWG, PNJ và FPT - những doanh nghiệp đều đã đạt ngưỡng sở hữu nước ngoài là 49%. "Tôi hy vọng mức giá và tính thanh khoản sẽ tăng nếu những nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu nhiều hơn 49% tại các doanh nghiệp này", ông Chris Freund nói.

Cũng theo vị đại diện này, việc gỡ bỏ giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư ngoại thật sự là tin tốt đối với một Quỹ mới mở hồi tháng 5/2015 của Mekong Capital - Mekong Enterprise Fund III (MEF III). Theo đó, MEF III sẽ đầu tư sâu rộng vào các lĩnh vực tiêu dùng như bán lẻ, nhà hàng, tiêu dùng nhanh (FMCG) và dịch vụ khách hàng.

Nới room đồng thời mở ra những khả năng mà Quỹ MEF III sẽ có thể nắm giữ hơn 49% của một số công ty đại chúng,tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Quỹ thúc đẩy các thương vụ tiềm năng để trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát.

Ngoài ra, theo ông Chris Freund, nới room giúp Mekong Capital thoái vốn dễ dàng hơn bởi vì các quỹ đầu tư của họ hiện đang là những cổ đông thiểu số trong các công ty đại chúng, hoàn toàn có khả năng bán một phần lớn cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Mekong Capital là công ty quản lý các quỹ đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện đang nắm giữ cổ phần tại 1 số công ty niêm yết như PNJ, MWG, FPT, NLG, TRA và gần 30 khoản đầu tư tại các công ty chưa niêm yết.

Theo Khồng Chiêm

Vinanet

Trở lên trên