Thể theo nguyện
vọng của cổ đông, bình ổn giá cổ phiếu trong giai
đoạn thị trường khó khăn, một công ty niêm yết liên
hệ với cổ đông chiến lược của mình đề nghị được
mua thỏa thuận lượng cổ phiếu mà cổ đông này công
bố bán ra. Nhưng cổ đông chiến lược từ chối vì muốn
bán khớp lệnh trên sàn.
Đến thời điểm
này, có thể thấy, một số nhà đầu tư từng nhận là
"cổ đông chiến lược" trước đây để được
mua cổ phiếu số lượng lớn với giá ưu đãi, thực
chất chỉ là những nhà đầu tư tài chính đơn thuần.
Việc phát hành
riêng lẻ của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua cũng
chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là thu về nhiều thặng
dư nhất. Vì vậy, những nhà đầu tư được chọn phát
hành riêng lẻ chỉ có trách nhiệm làm sao bảo toàn được
đồng vốn đầu tư của mình.
Trong đợt sụt giảm của
thị trường vừa qua, nhiều công ty niêm yết "ngậm
bồ hòn làm ngọt" khi cổ đông lớn công bố bán ra
số lượng lớn cổ phiếu, bất chấp giá cổ phiếu công
ty đang giảm quá đà.
Một mẹo mà các
cổ đông lớn sử dụng để hạn chế tác động xấu
của công bố bán ra đến giá cổ phiếu là công bố vừa
mua, vừa bán một lượng cổ phiếu trong cùng thời gian.
Thực chất, các cổ đông này chỉ bán ra. Vì vậy, có
một hiện tượng là cổ phiếu nào có cổ đông nắm giữ
lượng lớn cổ phiếu thì cổ phiếu đó khó tăng giá,
dù giá có rẻ. Nhà đầu tư nào muốn mua vào cũng sợ cổ
đông lớn bán ra cổ phiếu.
Như trường hợp
của cổ phiếu ABT mới đây, khi Công ty này công bố Nghị
quyết HĐQT với thông tin tốt là chia cổ tức từ 40 đến
80%, trong đó có 20% cổ tức chia bằng cổ phiếu thì giá
cổ phiếu của ABT không tăng. Lý do là cổ đông lớn
đăng ký bán ra 1 triệu cổ phiếu. Nhưng khi cổ đông này
không bán cổ phiếu và quay ngược lại đăng ký mua vào
1 triệu cổ phiếu vào ngày 27/9 thì ABT tăng liên tiếp
bốn phiên từ 52.000 đồng/CP lên 58.000 đồng/CP.
Như vậy, ngoài
các yếu tố cơ bản thì giá cổ phiếu còn phụ thuộc
khá nhiều vào động thái giao dịch của cổ đông lớn.
Việc sở hữu trên 5% vốn cổ phần là một trở ngại
cho các cổ đông lớn trong việc đầu tư lướt sóng cổ
phiếu. Nhưng các cổ đông nhỏ lại cho rằng, trong giai
đoạn thị trường nhạy cảm hiện nay, cổ đông lớn
cần thể hiện trách nhiệm với công ty khi thực hiện
hoạt động mua bán của mình, tránh vì lợi ích của cá
nhân để ảnh hưởng chung đến quyền lợi của số đông
cổ đông còn lại.
Theo
Thành Nam
ĐTCK