MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua ròng gần 200 tỷ trong ngày 24/08, khối ngoại vẫn còn phòng thủ?

Tính chung 3 tuần liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1.269 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh đó, CDS 5 năm của Việt Nam đã tăng vọt lên mức 263 điểm và tăng mạnh trong khoảng 1 tháng nay.

Chỉ trong vòng 1 tháng, VN-Index đã rơi từ 638,7 điểm xuống 526,93 điểm, tương đương mất đi gần 112 điểm, tức 17,5%. Không chỉ riêng thị trường chứng khoán Việt Nam, sự lao dốc của các chỉ số được chứng kiến ở hầu hết các thị trường trong khu vực châu Á.  Mức giảm của VN-Index chỉ  đứng sau Shanghai Composite (giảm 21,1%) và Jakarta Stock Exchange Composite Index (giảm 15,29%).

 

Khi thị trường chứng khoán sụt giảm, không thể không nhắc đến tác nhân là dòng tiền của khối ngoại. Trong 7 phiên bán ròng liên tục từ ngày 13/08 – 21/08, khối này đã bán ròng tổng cộng 657 tỷ đồng trên HOSE và gần 151 tỷ trên HNX.

7 ngày bán ròng của khối ngoại lần này được đánh giá là “ác liệt” nhất trong năm, bởi lẽ nó xảy ra trong bối cảnh thị trường Việt Nam lao dốc quá nhanh và sức tàn phá tâm lý đối với nhà đầu tư bị cộng hưởng thêm. Trong khi 1 tháng từ khi VN-Index rơi từ đỉnh xuống, khối ngoại vẫn mua ròng gần 513 tỷ đồng và nếu tính từ đầu tháng 6 đến nay thì khối này mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng.

Ngày 24/08, khi VN-Index giảm 29,37 điểm, việc khối ngoại quay lại mua ròng gần 200 tỷ đồng trên 2 sàn thực sự là một điểm đỡ tâm lý cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ một phiên chưa thể nói lên cả xu hướng.

Trong một cái nhìn dài hạn hơn, có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài đang liên tục bán ra trái phiếu Chính phủ Việt Nam trên thị trường thứ cấp. Theo dữ liệu của CTCK Bảo Việt (BVSC), từ ngày 10/08 – 14/08, khối ngoại đã bán ròng tuần thứ 3 liên tục với khối lượng 98 tỷ đồng – giảm mạnh so với con số bán ròng 1.300 tỷ đồng tuần trước. Tính chung 3 tuần liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1.269 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ Việt Nam.

Một chỉ số khác, đó là CDS 5 năm của Việt Nam và các quốc gia mới nổi trong khu vực Đông Nam Á đã tăng điểm mạnh mẽ khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

CDS (Credit Default Swap, hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ) có vai trò tương tư như một hợp đồng bảo hiểm. Giá của hợp đồng CDS càng cao, rủi ro vỡ nợ của một trái phiếu càng lớn. Ví dụ hợp đồng CDS 5 năm của trái phiếu Việt Nam là 263 điểm, tức mức giá để bảo hiểm rủi ro vỡ nợ cho 1 triệu USD trái phiếu Việt Nam trong vòng 5 năm tới là 263 USD.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, CDS 5 năm của Việt Nam ngày 24/08/2015 đã tăng vọt lên mức 263 điểm – tương đương với mức điểm hồi tháng 2/2014 và tháng 9/2010.  CDS đặc biệt tăng mạnh từ đầu tháng 6 đến nay sau nửa năm khá ổn định.

Chỉ số CDS của Việt Nam cho thấy, so sánh với nửa năm vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rủi ro của Việt Nam đang tăng khá nhanh và vì thế chưa thể hấp dẫn thêm dòng vốn đầu tư.

Nguồn: Bloomberg

Nguồn: Bloomberg

Tuy nhiên, điều này không chỉ xảy ra đối với Việt Nam. Theo số liệu của Bloomberg thì CDS 5 năm của Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và Thái Lan đều tăng vọt tương tự trong khoảng 1 tháng nay. Nhật Bản là nước hiếm hoi có CDS ổn định và thậm chí đang hạ xuống.

Điều này cho thấy xu hướng phòng thủ của khối ngoại đang khá rõ ràng ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thu Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên